Chuyển đổi cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, cây trái vụ, chăn nuôi hươu vùng bãi ngang của bà con miền Trung cho thu nhập cao.
Quảng Nam: Trồng môn, khổ qua cho thu nhập cao
Trồng môn, khổ qua ông Nguyễn Xô xã Bình Phú thu nhập 150 triệu đồng/năm.
Tước đây từ trồng lúa rồi chuyển qua chăn nuôi trâu bò cho đến heo gà... gia đình ông Nguyễn Xô vẫn quẩn quanh với cái nghèo vì đầu ra bấp bênh. Năm 2015, ông Xô quyết tâm thay đổi cuộc sống bằng trồng môn và khổ qua. “Cây môn bây giờ ít người trồng vì loại cây này kén đất, kén nước, sản lượng và năng suất giảm. Còn cây khổ qua thì đem lại giá trị rất cao vào những lúc thị trường khan hiếm hàng hóa. Hai loại cây này thích hợp với thổ nhưỡng nên tôi chọn lựa trồng trọt trái vụ” - ông Xô nói. Sau khi thử nghiệm trồng 2 loại cây trên với các loại đất khác nhau, ông Xô quyết định trồng trên đất thịt nhẹ. Theo đó, ông Xô thiết kế hệ thống thủy lợi riêng, dẫn nước về 2 khu vực trồng trọt để tăng độ ẩm cho đất. Người dân nơi đây đã tận dụng rơm rạ, phân hữu cơ sẵn có để chăm sóc cho cây phát triển mỡ màng. Công tác phòng trừ các loại sâu bệnh cũng được ông đầu tư bài bản.
Tận dụng ưu điểm đất thịt giữ nước tốt mùa nắng và ít sạt lở mùa mưa, ông Xô trồng môn và khổ qua vào những thời điểm người dân nghỉ vụ. “Cây trồng phát triển nhanh, ra củ, ra quả tốt nhờ gia đình tôi chuyên cần, làm đất thật kỹ. Để hạn chế tác hại của thời tiết, tôi lót bạt 2 bên luống trồng để che nắng, che mưa, giữ ấm và tránh phân bón thất thoát ra bên ngoài” - ông Xô nói. Thông thường, sau khi trồng chừng 5 tháng, nhận thấy lá có dấu hiệu chuyển sang màu vàng đậm thì ông Xô thu hoạch môn hương.
Theo ông Xô, nếu thương lái hối thúc sản phẩm, phải thu hoạch nhanh đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ khi lá môn vẫn còn xanh thì không cắt ngay lá mà để nguyên cả cây như vậy giao bán. Trong thời gian tiếp theo, củ môn hương sẽ chín thêm và cho độ ngọt bùi mỹ mãn. “Đối với khổ qua, trong quá trình chăm sóc cần tỉa bỏ những quả có dấu hiệu chậm phát triển. Sau khi gieo khoảng 40 ngày thì có thể thu hoạch, cần hái khi quả bắt đầu chín để đạt cả năng suất và chất lượng. Muốn có được lợi nhuận cao thì thận trọng trong từng giai đoạn, nhất là lúc gieo trồng. Ngoài ra, thường xuyên theo dõi, khống chế dịch bệnh, thúc cho cây sinh trưởng tốt” - ông Xô cho biết.
Canh tác 1ha, mỗi năm bình quân gia đình ông Nguyễn Xô bán 9 tấn môn, thu được xấp xỉ 90 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Với 8 sào đất trồng khổ qua, mỗi năm, gia đình thu hoạch 18 tấn, lãi được 60 triệu đồng. Từ trồng môn và khổ qua, gia đình có điều kiện kinh tế ngày một khấm khá, qua đó nuôi dưỡng con cái học hành đàng hoàng”, ông Trương Kim Đông - Chủ tịch UBND xã Bình Phú nói.
Nghệ An: Vụ hè thu chuyển 1.000ha lúa sang cây trồng khác
Hội nghị triển khai sản xuất vụ hè thu năm 2018.
Vụ hè thu - mùa năm nay, Nghệ An phấn đấu đạt trên 480 nghìn tấn lương thực. Theo đó, toàn tỉnh sẽ gieo trồng 130.000 ha cây trồng các loại, gồm 96.000 ha lúa, 16.500 ha ngô, (trong đó cơ cấu 22.000 ha lúa chất lượng cao và khoảng 18.000 ha lúa lai), 1.200 ha lạc, 4.000 ha đậu đỗ, 3.500 ha vừng và 9.000 ha rau các loại.
Theo dự báo, sản xuất sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thiên tai và sâu bệnh, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen trên lúa. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho vụ hè thu - mùa, ngành NN&PTNT khuyến cáo các địa phương cần căn cứ vào thời gian thu hoạch lúa vụ xuân, đưa thời vụ gieo cấy lúa hè thu càng sớm càng tốt, đặt an toàn sản xuất lên hàng đầu.
Các đơn vị, địa phương cũng cần tập trung chuẩn bị các phương án chống hạn, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ hè thu - mùa. Ngành Nông nghiệp chủ trương rà soát, đánh giá lại nguồn nước tưới để có phương án chuyển đổi hiệu quả, dự kiến chuyển khoảng 1.143,5 ha lúa sang các cây trồng khác.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương phải có phương án chọn giống đặc thù cho 12.000 ha sản xuất chạy lụt và vùng sâu bệnh, nhất là rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen.
Nghệ An cũng chủ trương tiếp tục sử dụng các giống lúa có năng suất cao, ổn định, ít nhiễm sâu bệnh trong những vụ trước, mở rộng diện tích các giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày. Đưa các giống lúa chất lượng, năng suất cao vào gieo trồng; thực hiện tốt các giải pháp để đảm bảo sản xuất hết diện tích, an toàn, hiệu quả đối với những vùng khó khăn.
Quảng Ngãi: Hướng đi mới cho nông nghiệp vùng ven biển
Tuy là vùng bãi ngang ven biển, nhưng những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở xã Bình Hải (Bình Sơn), Đức Minh (Mộ Đức), Phổ An (Đức Phổ) đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình, phương thức sản xuất mới được người dân thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế...
Nuôi hươu sao đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Phổ An (Đức Phổ)
Sau khi thành công trong việc dồn điền đổi thửa với gần 260ha, năm 2018, xã Phổ An (Đức Phổ) tiếp tục dồn điền thêm 60ha để nông dân có điều kiện phát triển sản xuất. Những cánh đồng lúa dồn điền đã đạt năng suất từ 58 – 60 tạ/ha, nông dân rất phấn khởi.
Phó Chủ tịch UBND xã Phổ An, Huỳnh Thanh Thao cho biết: “Người dân trong xã, ngoài việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, còn phát triển kinh tế nông nghiệp. Đây là một trong những yếu tố giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững. Địa phương đã lập nhiều phương án để người dân lựa chọn và triển khai thực hiện có hiệu quả. Sự thành công trong việc dồn điền, đổi thửa là một điển hình”.
Trong những năm đến, xã Phổ An sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển những mô hình kinh tế gia trại, nông trại với những giống cây trồng, vật nuôi mới như: Nuôi hươu sao, nuôi tôm không dùng các chế phẩm sinh học, nuôi bò thương phẩm... để đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Với xã Bình Hải (Bình Sơn), tuy diện tích đất nông nghiệp không nhiều, nhưng địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình nông nghiệp rất hiệu quả. Ngoài các cây nông nghiệp chủ lực, như hành, tỏi, nông dân còn trồng xen canh đậu, mè, ngò, bắp...
Ông Nguyễn Mẫu, ở thôn Thanh Thủy (Bình Hải) cho biết: “Nếu chỉ dựa vào đánh bắt thủy sản thì kinh tế khó mà khấm khá lên được. Do đó, phải kết hợp vừa đánh bắt, vừa sản xuất, trồng trọt vùng bãi ngang thì may ra mới có nguồn thu nhập ổn định. Chúng tôi luôn tìm đến những loại giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế để phát triển mạnh về nông nghiệp”.
Xã Đức Minh (Mộ Đức), cũng coi sản xuất nông nghiệp là yếu tố “mấu chốt” trong phát triển kinh tế của địa phương. Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả, hai năm trở lại đây, xã đã thực hiện nhiều mô hình khuyến nông, giúp nông dân tham quan, học hỏi để phát triển sản xuất nông nghiệp. Mới đây, xã đã trình diễn mô hình trồng tỏi trên đất cát, với hơn 1.000m2 tại thôn Minh Tân Nam. Tuy mô hình chưa đạt hiệu quả, nhưng đây được xem là một trong những hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở xã Đức Minh nói riêng, các xã ven biển trong tỉnh nói chung.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Minh Nguyễn Tấn Lực cho hay: Hiện nay, địa phương có nhiều mô hình kinh tế được thực hiện như nuôi tôm, cá diêu hồng, trồng bí đỏ, dưa hấu và mới đây là mô hình trồng tỏi trên đất cát. Trong số này, có những mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng có mô hình không đạt như mong muốn. Qua đó nông dân đã biết và hiểu thêm về đặc tính, cũng như cây trồng nào phù hợp với vùng đất ven biển. Tuy là vùng bãi ngang ven biển, song nhờ quan tâm định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nên sản xuất nông nghiệp ở vùng đất này không ngừng phát triển, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.