Cách đây 10 năm, bà Bùi Thị Quy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Phát, đã đến Phú Yên đầu tư xây dựng nhà máy đường trên vùng đất Sơn Hòa, nơi có ưu thế phát triển cây mía. Từ đó, Công ty TNHH Rượu Vạn Phát ra đời, với nhiều chức năng đăng ký kinh doanh, trong đó có đầu tư xây dựng nhà máy đường gắn kết với đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng Cúp Bông Hồng Vàng cho bà Bùi Thị Quy tại Phủ Chủ tịch năm 2013.
Ngay từ khi bắt đầu, Vạn Phát đã gặp nhiều sóng gió, khởi nguồn từ việc mua thiết bị của Nhà máy đường Việt Trì (Phú Thọ) về lắp đặt tại Sơn Hòa, hình thành “thế trận” cạnh tranh với Nhà máy đường KCP. Lúc ấy, vùng đất Sơn Hòa còn ẩn chứa tiềm năng để phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu mía, nhưng Vạn Phát bị đẩy ra tận xã Xuân Lâm (TX.Sông Cầu), cách xa cả 100km, với “quy hoạch” 500ha để đầu tư phát triển vùng mía. Với xã nghèo, xa xôi, cách trở như Xuân Lâm, Vạn Phát thực sự làm tốt công tác an sinh xã hội, song hành cùng hướng dẫn bà con trồng mía, thoát nghèo. Chính nhờ điều đó, bà Quy và Công ty Vạn Phát được nông dân Sơn Hòa mến mộ, đồng tình và ủng hộ, hợp tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía. Bên cạnh đó, Công ty còn mạnh dạn liên kết với Công ty TNHH Hải Vân khai hoang, đầu tư cải tạo gần 200ha đất ở xã Hòa Hội (Phú Hòa) để sản xuất mía giống phục vụ bà con.
Thấy sự làm ăn của Vạn Phát bất lợi cho “con đẻ”, mây đen bao phủ, bão tố nổi lên, biến thiết bị nhà máy của “con ghẻ” trở thành đống sắt hoang tàn. Nhưng người phụ nữ có thần kinh thép này vẫn không chùn bước, muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng, người Việt Nam không thua kém bất cứ người ngoại quốc nào trong môi trường đầu tư kinh tế. Bà đã gõ cửa nhiều nơi để đòi lại sự công bằng cho Công ty. Đúng thời điểm Đảng, Nhà nước ta bắt đầu mở cửa cho nền kinh tế thị trường phát triển, những khó khăn của doanh nghiệp Vạn Phát được tháo gỡ, Công ty tiếp tục đầu tư nâng công suất nhà máy, mở rộng vùng nguyên liệu và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương.
Giống mía mới năng suất cao trên đất Sơn Hòa.
Chính những năm tháng lận đận ấy đã tạo cho người phụ nữ cao niên dày dạn kinh nghiệm, thêm nghị lực và bản lĩnh phi thường trong cuộc cạnh tranh. Từ nhà máy công suất nhỏ, bà Quy đã đầu tư thiết bị công nghệ mới lên 2.000 tấn, rồi 2.500 tấn và niên vụ 2015 - 2016 này là 3.500 tấn mía cây/ngày. Chẳng những mở rộng đầu tư vùng nguyên liệu mía tại Sơn Hòa, Vạn Phát còn đầu tư lên tới các huyện phụ cận tỉnh Gia Lai.
Có được thành quả ấy là cả một quá trình hy sinh đầy nước mắt, nhưng rất tự hào. Chặng đường 10 năm qua còn là nền tảng cho Vạn Phát tiếp tục đầu tư dự án lớn về các sản phẩm: sirô cô đặc, tinh bột sắn, thức ăn gia súc và phân vi sinh ở cụm công nghiệp khép kín tại xã Chư Ngọc, huyện Krôngpa, tỉnh Gia Lai.
Phi Công
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.