Về cơ bản, CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành hàng, trong đó có nông sản Việt; ngược lại, khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ thì hàng rào kỹ thuật sẽ nghiêm ngặt hơn.
“Để tận dụng tốt các cơ hội và đối phó hiệu quả với các thách thức mà các FTA mang lại là vấn đề mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần sẵn sàng chuẩn bị càng sớm càng tốt. Với tinh thần đó, để triển khai và sớm đưa Hiệp định CPTPP đi vào cuộc sống, chỉ 10 ngày sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP”.
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” do Bộ Công Thương và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì sáng nay (2/7), tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay: Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Hiệp định CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay, và được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam.
"Tôi vui mừng nhận thấy là cho đến nay gần như toàn bộ tất cả các bộ, ngành và các tỉnh, thành tham gia Hội thảo ngày hôm nay đã hoàn tất Kế hoạch hành động và gửi cho Bộ Công Thương đăng lên trên trang thông tin điện tử chính thức của Chính phủ về Hiệp định CPTPP", Bộ trưởng Công Thương khẳng định.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, việc tham gia sâu vào các hiệp định thương mại kinh tế, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ gia tăng cơ hội tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt ở việc tăng sức ép đáng kể đến sức cạnh tranh với nhóm hàng nông - lâm - thủy sản và có thể đối mặt với nguy cơ thu hẹp sản xuất.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2010, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai xây dựng 02 mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh (Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp). Bao gồm mô hình Doanh nghiệp - Hợp tác xã - Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung và mô hình Doanh nghiệp - Hộ kinh doanh - Hộ nông dân áp dụng ở vùng sản xuất phân tán. Đồng thời, trong thời gian qua, Bộ Công Thương và Sở Công Thương một số địa phương đã đồng hành các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước tổ chức các “Tuần hàng nông sản”, hỗ trợ nông sản Việt Nam có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và từng bước xây dựng thương hiệu.
“Mục đích chung của chương trình là hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ một số mặt hàng đặc sản tại các vùng, miền, địa phương có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp Giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP)… tới người tiêu dùng, các nhà phân phối, nhà hàng, khách sạn,… góp phần khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của các địa phương…”, bà Nga nói.
Ông Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, khẳng định: Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương thể hiện sự chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của nước ta. Việc nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trong CPTPP sẽ góp phần tăng cường nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Từ nước phải nhập khẩu lương thực để cứu đói, chống đói, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực có thứ hạng cao về số lượng trên thị trường thế giới.
Có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và đang dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do.
Theo đó, Chủ tịch Hội Nông dân cũng cho rằng, Nhà nước, doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm, bắt đầu từ đổi mới tư duy, hành động trước cánh cửa CPTPP đang mở rộng, để tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.