Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 21 tháng 8 năm 2019 | 10:30

Củng cố vững chắc hệ thống QTDND để bảo vệ người gửi tiền tốt hơn

Thời gian qua, một số QTDND chưa bám sát mục tiêu hoạt động, có biểu hiện chạy theo lợi nhuận… đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến quyền lợi người gửi tiền.

Hiện cả nước có gần 1.200 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), với tổng nguồn vốn huy động khoảng 89.000 tỷ đồng. Nếu phát huy được vai trò một cách tích cực, loại hình tín dụng này sẽ đóng góp lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, một số QTDND chưa bám sát mục tiêu hoạt động, có biểu hiện chạy theo lợi nhuận… đã gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến quyền lợi người gửi tiền. Vì vậy cần củng cố vững chắc hệ thống QTDND để bảo vệ người gửi tiền tốt hơn.

quy-tin-dung.png
   Giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Lim (Bắc Ninh). Ảnh: ngvgroup.vn

 

Tại các thành phố lớn, nơi có mạng lưới ngân hàng cạnh tranh dày đặc, QTDND không mấy phát triển. Tuy nhiên, tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, QTDND đang là nơi cung cấp tín dụng cho hàng triệu người nghèo khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Theo báo cáo của Hiệp hội QTDND Việt Nam, tính đến 31/12/2018, toàn hệ thống QTDND có 1.183 quỹ, hoạt động tại 57 tỉnh, thành phố. Số thành viên tham gia QTDND là gần 1.550.936 thành viên, bình quân 1.311 thành viên/quỹ. Tổng nguồn vốn của các QTDND thời điểm cuối tháng 11/2018 đạt gần 112.546,4 tỷ đồng; Tổng dư nợ cấp tín dụng gần 89.055,8 tỷ đồng (chiếm 79,1% tổng nguồn vốn); Nợ xấu chiếm tỷ lệ 1,07% - thấp hơn tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD). Hoạt động của các QTDND chủ yếu là hỗ trợ lẫn nhau về vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đời sống… tại địa bàn xã, phường.

Hình thức QTDND đã và đang đóng vai trò đáng kể trong việc phát triển bền vững kinh tế nông thôn. Quy mô QTDND nhỏ, nợ xấu thường rất thấp (khoảng 1%) là ưu điểm rất lớn so với mô hình ngân hàng thương mại. Quan trọng hơn, QTDND góp phần đẩy lùi các mô hình rủi ro như chơi hụi, tín dụng đen.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua vẫn còn một số QTDND hoạt động yếu kém, có biểu hiện xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động, vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn và an toàn hoạt động của QTDND.

Để khắc phục tình trạng trên, đảm bảo cho hệ thống QTDND hoạt động ổn định, an toàn và phát triển bền vững, đúng mục tiêu, đúng tính chất, đúng nguyên tắc của loại hình TCTD hợp tác, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện thành công nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống QTDND theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”. Đồng thời, các QTDND cũng cần nâng cao năng lực, trình độ, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ quản trị, điều hành; phát huy vai trò, trách nhiệm kiểm soát, kiểm toán nội bộ; đảm bảo QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, theo đúng tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và quy định của pháp luật; tăng cường vai trò, trách nhiệm, công tác phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm ngăn ngừa, hạn chế, và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; tập trung xử lý dứt điểm các QTDND yếu kém nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động của QTDND, cơ chế xử lý đối với QTDND yếu kém.

Trong quá trình tái cơ cấu các TCTD (giai đoạn 2), BHTGVN được giao nhiệm vụ tham gia sâu hơn vào hoạt động tái cơ cấu các tổ chức tham gia BHTG quy mô nhỏ, trong đó có QTDND. Do đó, việc kiểm tra, giám sát và tuyên truyền chính sách BHTG tới người gửi tiền ở các quỹ này không chỉ là yêu cầu nghiệp vụ thông thường, mà còn là trọng tâm cần được quan tâm thực hiện trong thời gian tới nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

Tính đến thời điểm cuối năm 2018, BHTGVN đã chi trả khoảng 27 tỷ đồng tiền bảo hiểm đối với hơn 1.800 người gửi tiền tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị giải thể, phá sản.

Trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển, với mục tiêu bảo vệ người gửi tiền, BHTGVN đã thực hiện bảo vệ cho khoảng hơn 4 triệu tỷ đồng tiền gửi tại gần 1.300 TCTD. Để giám sát chặt chẽ hoạt động của các TCTD tham gia BHTG, hàng năm BHTGVN thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất tại nhiều ngân hàng thương mại và các QTDND. Để người dân tin tưởng vào hoạt động của các QTDND, BHTGVN đã không ngừng tổ chức các buổi tuyên truyền chính sách BHTG với cam kết “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền”, hỗ trợ các QTDND không ngừng tăng trưởng.

Tại các sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG, các QTDND đều cho rằng, tuyên truyền chính sách BHTG tại các Quỹ thông qua nhiều hình thức khác nhau đã giúp người dân tại địa phương yên tâm khi gửi tiền, qua đó góp phần huy động nguồn lực tại chỗ để phục vụ nhu cầu vay vốn của người dân, nâng cao hiệu quả kinh tế tại địa phương. Các QTDND mong muốn BHTGVN sẽ thực hiện nhiều hơn các chương trình tuyên truyền chính sách một cách hiệu quả nhằm giúp người gửi tiền hiểu rõ chính sách BHTG, có thêm niềm tin vào hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống các QTDND nói riêng.

Năm 2019, ngoài việc tiếp tục tập trung cho hoạt động kiểm tra, giám sát các QTDND, BHTGVN cũng sẽ tập trung mạnh vào việc truyền thông rộng rãi chính sách BHTG đến các tầng lớp nhân dân.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top