Chuẩn bị thu hoạch, nhưng do mưa bão, nhiều diện tích sầu riêng gãy đổ, người trồng thiệt hại nặng…
Đang chuẩn bị bước vào vụ mùa thu hoạch, nhưng do ảnh hưởng của mưa bão nên nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), bị gãy đổ và rụng trái non, khiến nông dân tổn thất nặng.
Ông Thành, xã Ea Knuếc, bất lực nhìn sầu riêng non rụng đầy vườn.
Bà Hồ Thị Châu (thôn Tân Hưng, xã Ea Knuếc) cho biết, bà trồng hơn 1 ha sầu riêng, trên đất thuê của Công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao Tháng 10, mỗi năm thu được 30 tấn quả, trừ hết chi phí, thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Năm nay, sầu riêng đậu quả nhiều, gia đình chăm sóc cẩn thận, chỉ gần 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, nhưng do ảnh hưởng của bão số 3, cả vườn bị rụng hơn 8 tạ quả non.
Bà Châu chia sẻ, mặc dù đã cột quả, cột cành, và chống cành chắc chắn, kỹ càng, nhưng vẫn bị rụng quả nhiều, một số cây còn gãy cành, gãy nửa thân cây.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Hiệp (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh) cũng thuê hơn 2 ha đất của Công ty TNHH MTV Cà phê - Ca cao Tháng 10, để trồng sầu riêng, bình quân mỗi năm thu hơn 70 tấn quả, lãi hơn 2 tỷ đồng.
Nhưng chỉ mấy ngày qua, vườn sầu riêng của chị đã rụng hơn 2 tấn quả non. Chị cho biết, mưa, gió vẫn tiếp tục kéo dài, khiến nhiều người dân đứng ngồi không yên, đáng lo nhất là cây đổ ngã, bật gốc, thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Theo ông Trần Thành Vinh, Chủ tịch xã Ea Kênh, hầu hết các vườn sầu riêng trên địa bàn, đều bị rụng quả non, mỗi vườn rụng từ 4 tạ, đến vài tấn quả. Một số hộ bị ảnh hưởng nặng hơn, do cây gãy cành, bung gốc. Hiện, thời tiết vẫn mưa gió, sẽ ảnh hưởng lớn đến mùa vụ năm nay.
Phòng Nông nghiệp huyện Krông Pắc, cho biết, toàn huyện có khoảng 2.100 ha sầu riêng, trong đó, diện tích đang thu hoạch, hơn 1.000 ha.
Sầu riêng thiệt hại do bão khá nhiều, trung bình 3 – 4 tạ/ha. Hiện, sầu riêng vẫn rụng rải rác, nên chưa thể thống kê con số chính xác, bước đầu, Phòng đã chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp tình hình cụ thể để báo cấp trên, có hướng hỗ trợ người dân.
Gia Lai: Bà con DTTS sản xuất trà gai leo túi lọc
Thị xã An Khê (Gia Lai) vừa phê duyệt dự án phát triển mô hình trồng, thu hái, chế biến cà gai leo, và xây dựng nhãn hiệu trà dược liệu An Khê.
Đây là điều kiện để chế biến cà gai leo, thành trà túi lọc, nâng cao giá trị cây cà gai leo, tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS.
HTX Tú An 1 trồng 5 ha cây thảo quyết minh để làm trà gai leo túi lọc. Ảnh Ngọc Minh
Cuối năm 2018, Thị xã An Khê đã phê duyệt dự án trồng cà gai leo tại làng Pơ Nang (xã Tú An), diện tích 2 ha. Dự án được giao cho HTX Nông nghiệp Tú An 1 thực hiện, tổng mức đầu tư 373 triệu đồng.
Trong đó, thị xã An Khê hỗ trợ hơn 130 triệu đồng, để xây dựng nhà màng 300 m2, tập huấn kỹ thuật, mua cây giống; số tiền còn lại, người dân đóng góp. Tham gia dự án có 10 hộ dân làng Pơ Nang.
Theo chị Hồ Thị Viên-một trong những hộ tham gia dự án, cà gai leo vốn là cây bản địa, sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh.
“Đặc biệt, cà gai leo trồng theo hướng hữu cơ, nên từ khi trồng đến thu hoạch, ngoài cuốc cỏ, bấm ngọn, tưới nước, chúng tôi không bón phân, hoặc phun bất cứ một loại thuốc gì”-chị Viên chia sẻ.
Ông Lê Văn Bộ-Giám đốc HTX Tú An 1-cho hay: Để cà gai leo sinh trưởng, phát triển tốt, trước khi trồng, chúng tôi đã xử lý mầm bệnh trong đất. Đồng thời, bổ sung phân chuồng, phân vi sinh, mắc hệ thống tưới nhỏ giọt…
Đây cũng là quy trình áp dụng với các loại dược liệu khác tại địa bàn xã. Ngoài cà gai leo, HTX đang trồng 5 ha cây thảo quyết minh; thời gian tới sẽ trồng diệp hạ châu, cây cỏ ngọt, mật nhân... Các loại thảo dược này, sẽ phối trộn cùng cà gai leo, để sản xuất trà túi lọc.
Theo đó, HTX đã cùng người dân làng Pơ Nang, thu hoạch cà gai leo. “Trước mắt, thu hoạch 2 sào được 800 kg tươi. Sau khi chặt nhỏ, phơi khô cho ra 200 kg khô. HTX bán cho khách ở Lâm Đồng, và một số nhà thuốc trên địa bàn thị xã An Khê, với giá bình quân 70.000 đồng/kg khô”-ông Bộ nói.Lương y Đường Minh Vũ-chủ nhà thuốc Đông y Phổ Lợi (thị xã An Khê) cho rằng, cà gai leo trồng trên đất An Khê, có mùi thơm đặc trưng, vị đậm đà, ngon không thua kém những vùng khác.
“Nếu người làng Pơ Nang trồng số lượng lớn, chúng tôi sẽ thu mua tươi để nấu thành cao. Cà gai leo phơi khô, cũng được thị trường ưa chuộng, bởi công dụng đào thải độc tố trong gan, hạ men gan; tiêu giảm mụn nhọt do nóng trong; hỗ trợ điều trị làm giảm triệu chứng men gan cao, xơ gan, gan nhiễm mỡ…”-lương y Đường Minh Vũ cho biết.
Để nâng cao giá trị cà gai leo, Thị xã An Khê vừa phê duyệt dự án, phát triển mô hình trồng, thu hái, chế biến cà gai leo thành sản phẩm trà túi lọc.
Xây dựng nhãn hiệu trà dược liệu An Khê, xúc tiến quảng bá sản phẩm, xây dựng kênh tiêu thụ; thu hút doanh nghiệp và thúc đẩy liên kết sản xuất.
Ông Phan Ngọc Thành-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thị xã An Khê-khẳng định: “Thị xã đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm, mời các chuyên gia về tập huấn kỹ thuật, nâng cao năng lực quản trị HTX; tập huấn quy trình biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác, công thức sản xuất ra trà túi lọc cà gai leo”.
Giám đốc HTX Tú An 1 cũng cho biết: “Ngoài việc được hỗ trợ xây dựng nhãn mác, tập huấn cách phối trộn dược liệu, HTX cũng tranh thủ nguồn vốn đối ứng của các thành viên HTX và nguồn XDTNM… để mua sắm máy móc, trang-thiết bị đóng gói trà túi lọc. Dự kiến, đầu năm 2020 sẽ ra mắt sản phẩm trà cà gai leo túi lọc An Khê”.
Lâm Đồng: Sản xuất đa canh, thu 800 – 1 tỷ đồng/năm
Chồng chú tâm làm nghề mộc, bà Nềm A Mùi - dân tộc Nùng, Phường 2, TP Bảo Lộc, một mình chăm sóc hơn 4,5 ha cà phê, sầu riêng, bơ, măng cụt, và 5 ao cá, đem lại lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm.
Để phát triển kinh tế, nuôi con ăn học, ông bà Mùi đã chia nhau gánh vác công việc gia đình. Ông Hồng (chồng bà Mùi), chia sẻ: “Gia đình có hơn 4,5 ha đất nông nghiệp, nhưng vì đam mê nghề mộc, nên suốt 30 năm qua, tôi giao hết vườn tược cho bà ấy quản lý.
Thấy vợ quần quật suốt ngày, chăm sóc con cái, vườn tược, tôi rất thương. Vất vả là thế, nhưng vợ tôi luôn chăm chỉ, cần cù, không chút than phiền”.
Trước đây, bà Mùi độc canh cà phê, nhưng do giống già cỗi, thoái hóa, năng suất giảm, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2012, bà chủ động cưa vườn cà phê, ghép các giống mới, năng suất cao như Thiện Trường và Trường Sơn; đồng thời, trồng xen cây ăn trái: sầu riêng Thái, măng cụt và bơ.
“Lúc đầu, khi tôi chọn cây ăn trái trồng xen vào cà phê, nhiều người chưa tin tưởng, nên tỏ ra nghi ngờ. Thời gian đó, nhiều người phá bỏ cà phê, trồng chè Olong và khuyên tôi làm theo. Nhưng tôi vẫn quyết định chọn cách làm riêng để phát triển kinh tế” - bà Mùi cho biết.
Sau khi ghép cải tạo giống mới, năng suất cà phê đã tăng 3,5 - 5 tấn/ha/năm. Hiện, sản lượng cà phê của bà Mùi đạt hơn 20 tấn/năm.
Đặc biệt, sau gần 7 năm đưa sầu riêng ghép Thái Lan vào trồng, đã cho thu hoạch gần 10 tấn/năm; các loại cây khác như măng cụt, bơ cũng đã cho thu hoạch.
Bà Mùi tâm sự: “Để các loại cây trồng đạt năng suất cao, ngoài việc chuyển đổi giống mới, tôi mua thêm phân gà, tận dụng phân heo, bón cho cây. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn cà phê và cây ăn quả luôn cho năngsuất cao, chất lượng tốt.
Vào mùa làm cỏ, bón phân và thu hoạch tôi đều thuê người làm, nhưng luôn theo sát, để giám sát kỹ thuật theo cách của mình. Nhờ vậy, năng suất cây trồng tăng theo từng năm”.
Nhờ thu nhập ổn định, bà Mùi đã đầu tư thêm 5 ao cá, hơn 1.000 m2 để tăng thu nhập. Theo đó, bà chọn thả nhiều giống cá như: trắm cỏ, mè, chép, trê và rô phi. Hàng năm, cho thu nhập từ 8 - 10 tấn cá các loại, doanh thu hàng trăm triệu đồng.
“Công việc hàng ngày, tôi phải thuê 4 lao động, vào vụ thu hoạch, thuê 12 - 15 người mới làm hết việc. Tính tất cả nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi, lợi nhuận từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.
Tính cả thu nhập từ nghề mộc, hàng năm cả gia đình tôi tích góp được khoảng 1,5 tỷ đồng. Nhờ vườn cây đa canh, kết hợp chăn nuôi cá đã giúp tôi giàu. Từ đó, có điều kiện để đầu tư cho con cái học hành nên người” - bà Mùi cho biết thêm.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.