Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 10 năm 2019 | 15:9

Đắk Lắk: Voi rừng về bản phá hoại 19,5ha hoa màu

Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 16 đợt voi rừng kéo về bản kiếm ăn, dọc đường đi đã phá hoại số lượng lớn hoa màu.

Theo đó, voi rừng đã đến những khu vực gần rừng thuộc các huyện như: Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar (Đắk Lắk) và Cư Jút  (Đắk Nông) để kiếm ăn. 

Trong quá trình di chuyển, voi rừng đã  phá hoại 19,5 ha hoa màu, và 4 chòi rẫy của người dân, đồng thời, làm 1 voi nhà bị thương.

 

voi-33.jpg

 Một đàn voi rừng xuất hiện tại Vườn Quốc gai Yok Đôn

 

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi cho biết, khi nhận được thông tin có voi rừng xuất hiện, Trung tâm đã cử cán bộ xuống hiện trường nắm bắt tình hình để phục vụ cho công tác bảo tồn.

Đồng thời, hướng dẫn chính quyền, nhân dân sử dụng các biện pháp xua đuổi voi hoang dã, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, và tránh những ảnh hưởng xấu cho đàn voi rừng.

Cùng với đó, Trung tâm cũng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp bị voi rừng gây thiệt hại, làm các thủ tục để được hỗ trợ theo quy định.

“Hiện, Trung tâm đang phối hợp Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, nghiên cứu tính khả thi của việc đeo vòng cổ, có gắn thiết bị định vị GPS, cho voi hoang dã để theo dõi, giám sát sự di chuyển của voi.

Đồng thời, cảnh báo sớm nhằm hạn chế thiệt hại về hoa màu, tài sản, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, và phục vụ nghiên cứu về voi hoang dã”, ông Luân cho biết thêm.

Cư Jút: Chủ động chuyển đổi cây trồng thay hồ tiêu nhiễm bệnh

Trước tình trạng dịch bệnh trên cây hồ tiêu tiếp tục diễn biến phức tạp, người dân huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã chủ động chuyển đổi cây trồng thay thế phù hợp, không để hoang phí đất đai.

 

cay-633.jpg

 Người dân Cư Jut chủ động chuyển đổi  hồ tiêu sang trồng xoài, cây ăn trái khác

 

Có gần 1 ha đất tại thôn 8, xã Đắk Wil, anh Phạm Doãn Kiên chọn hồ để phát triển kinh tế. Thế nhưng, do khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, nên cây tiêu sinh trưởng, phát triển chậm.

Đến giữa năm 2018, nhiều cây tiêu bắt đầu ủ rũ, dây héo. Một thời gian sau, lá cây tiêu chuyển sang màu vàng và rụng, chỉ còn trơ cành. Sau đó, cây tiêu chết nhanh chỉ trong vòng vài tuần.

Anh Kiên cũng không quan tâm đến việc “cứu” vườn tiêu, vì giá hồ tiêu thấp. Thay vào đó, anh quyết định chọn cây ăn quả thay thế. Sau khi nhổ bỏ toàn bộ vườn tiêu, anh đã trồng quýt.

Qua theo dõi, cây quýt tỏ ra phù hợp với điều kiện của địa phương. Sau hơn 1 năm xuống giống, loại cây này sinh trưởng tốt, và kì vọng sẽ mang lại nguồn thu nhập chủ lực cho gia đình.

Anh Nguyễn Văn Thuận, cùng thôn 8, cũng chuyển đổi hơn 2 ha cây tiêu sang trồng xoài Đài Loan. Theo anh Thuận, trước tình trạng tiêu xuống giá quá thấp, anh buộc phải chuyển đổi cây trồng.

Nhiều hộ dân trong thôn lựa chọn cây hoa màu để nhanh chóng có thu nhập. Tuy nhiên, gia đình anh chọn cây ăn quả, vì điều kiện tự nhiên ở địa phương phù hợp, và giá cả gần đây ổn định hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Wil, Nguyễn Minh Tâm, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, phù hợp việc phát triển cây ăn quả.

Sau nhiều năm đầu tư, hồ tiêu sinh trưởng, phát triển kém, giá cả lại không như mong muốn, nên nhiều người dân đã quay lại với cây ăn quả.

Địa phương cũng đang xúc tiến xây dựng các tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả an toàn, nhằm góp phần tìm đầu ra ổn định cho trái cây tại địa phương.

Tại xã Cư K’nia, diện tích hồ tiêu tăng nhanh, do giá hồ tiêu “lên đỉnh” cách đây vài năm. Nhiều hộ đã có thu nhập đáng kể, xây được nhà cửa khang trang do “trúng” tiêu.

Nhưng từ đầu năm 2018 tới nay, giá tiêu “xuống dốc không phanh” khiến người dân trồng tiêu chán nản. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên nhiều người trồng tiêu đã bỏ bê vườn cây.

Thống kê của xã cho thấy, có gần 150 ha hồ tiêu trên địa bàn, bị thiệt hại từ 30% trở lên, trong đó chủ yếu thiệt hại trên 70%.

Thị xã Buôn Hồ: Diện tích cây ăn quả tăng trên 330 ha

Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất cây lâu năm trên địa bàn, có nhiều biến động; trong đó, diện tích cà phê, hồ tiêu, cao su giảm nhẹ, diện tích cây ăn quả tăng.

 

cay-69.jpg

Các hộ dân chuyển sang trồng bơ, cây ăn quả khác, do cây lâu năm  biến động mạnh   

 

Cụ thể, diện tích cà phê giảm 25,7 ha (còn gần 14.550 ha), hồ tiêu giảm 46,3 ha (còn trên 4.148 ha), cao su giảm 468 ha (còn 658,7 ha); diện tích cây ăn quả tăng trên 330 ha, nâng tổng diện tích lên trên 1.634 ha.

Được biết, diện tích cây ăn quả tăng mạnh do giá hồ tiêu, cao su giảm trong khi đó, các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng tăng, nên người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời, tận dụng khoảng đất trống, đồi trọc bỏ hoang trước đây, để trồng cây ăn quả.

Gia Lai: Vụ mía 2019-2020 trước nguy cơ thất thu

Vụ mía 2019-2020, khu vực phía Đông tỉnh có 23.622 ha, trong đó, huyện Đak Pơ: 5.370 ha, Kbang 9.845 ha, Kông Chro 6.162 ha và thị xã An Khê 2.245 ha.

 

mia-6633.jpg

Mía của ông Cao Thanh Hổ kém phát triển do nắng hạn kéo dài

 

Từ đầu năm đến nay, khu vực này bị nắng hạn kéo dài, cộng với sâu bệnh hoành hành, khiến hàng ngàn héc ta mía chậm phát triển, năng suất chắc chắn giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.

Ông Đinh Văn Đinh (làng Húp, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) có 2,2 ha mía năm thứ 2. Do nắng hạn kéo dài, từ đầu vụ đến nay, ông Đinh mới bón phân được 1 lần.

“Chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, cây mía mới cao tới nách. Vụ trước, gia đình thu hơn 100 tấn, nhưng vụ này chắc chỉ khoảng 60 tấn. Nếu tính giá 800 ngàn đồng/tấn như năm ngoái thì thiệt hại 32 triệu đồng”-ông Đinh ngao ngán nói. 

Tương tự, ông Nguyễn Hoài Lộc (làng Kjang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) trồng 2,1 ha mía. Nắng hạn đã làm 1,8 ha mía héo khô, không thể cứu vãn, 3 sào mía còn lại cũng phát triển rất chậm.

Ông Lộc cho hay: “Bình thường, chỉ 2 tháng nữa là thu hoạch. Vậy mà giờ này, bụi mía chỉ như bụi sả. 3 sào còn sống thì sản lượng giảm 70% so vụ trước. Năm nay, coi như mất trắng”.

Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Kbang-cho biết: “Do ảnh hưởng của nắng hạn, toàn huyện có khoảng 6.000 ha mía bị giảm sản lượng 30-70% so với vụ trước.

Ngoài ra, nắng nóng kéo dài, còn tạo điều kiện cho xén tóc bùng phát, gây hại hơn 500 ha mía. Ngành Nông nghiệp đang tăng cường phối hợp với UBND các xã, thị trấn, hướng dẫn người dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh”.

Tại Đak Pơ, tính đến thời điểm này, toàn huyện có 1.895 ha mía bị thiệt hại. Trong đó, 27,3 ha thiệt hại hoàn toàn; hơn 1.851 ha thiệt hại 30-70%... Ước tính, giá trị mía thiệt hại là hơn 24,6 tỷ đồng.

Ông Cao Thanh Hổ (thôn Tân Hội, xã Tân An, huyện Đak Pơ) chia sẻ: “Tôi có 1,5 ha mía tham gia cánh đồng lớn với 23 hộ trong thôn. Do nắng hạn đầu vụ, nên tôi chỉ bón phân được 1 lần. Mới đây, khi có mưa, tôi bón tiếp đợt 2. Mong rằng từ nay đến thu hoạch, cây mía sẽ vớt vát lại phần nào”.

Theo ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, sau khi có mưa, người dân tập trung bón phân giúp cây có dinh dưỡn. Tuy nhiên, việc bón phân chỉ thực hiện ở những diện tích được Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ.

“Chúng tôi đang tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăm sóc để cây vươn lóng, tích đường; thường xuyên nắm bắt tình hình sâu bệnh, để có biện pháp hạn chế thiệt hại. Huyện cũng có chủ trương chuyển một số diện tích mía sang trồng cây ăn quả và cây khác”-ông Hiệp cho hay.

Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-thông tin: Ngay từ đầu vụ, Nhà máy đã xây dựng kế hoạch, hỗ trợ người trồng mía, với chi phí ban đầu không tính lãi suất; chuyển giao giống mới, tăng năng suất.

Hỗ trợ 20 ngàn đồng/tấn mía giống cho hộ dân; tiếp tục đầu tư và phát triển cánh đồng mía lớn, áp dụng cơ giới hóa để tăng năng suất, giảm chi phí.

Cũng theo ông Phước, trước tình hình cây mía phát triển chậm, do nắng hạn, Nhà máy dự kiến sẽ thu mua mía nguyên liệu vào cuối tháng 12, muộn hơn so niên vụ ép 2018-2019 gần 1 tháng.

Bên cạnh đó, giá thu mua sẽ khả quan hơn, bởi một số vùng mía trên cả nước cũng đều giảm sản lượng do nắng hạn.

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top