Theo kết quả điều tra tại Đắk Nông, cho thấy, mô hình trồng xen mắc ca trong vườn cây khác như cà phê, hồ tiêu, chè đã đem lại hiệu quả tích cực.
Hiện, toàn huyện Tuy Đức (Đắk Nông) đã trồng được trên 900 ha mắc ca, trong đó có nhiều diện tích trồng xen canh với các loại cây trồng khác như cà phê, hồ tiêu, chè…
Từ năm 2010 – 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã xây dựng nhiều mô hình trình diễn đối với cây mắc ca. Trong đó, đáng chú ý là các mô hình trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê, đã cho những kết quả tích cực.
Qua kết quả đánh giá, khảo sát gần đây nhất, cho thấy, tại các vườn trồng xen mắc ca với cà phê (mật độ 90 cây/ha) đã cho năng suất trung bình từ 5 – 15 kg hạt/cây.
Với giá bán hạt mắc ca 90.000 đồng/kg, nông dân đã có thu nhập từ 50 – 150 triệu đồng/ha mắc ca trồng xen canh.
Ông Đoàn Đình Huấn, ở thôn 4, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) đã trồng được hơn 3,5 ha mắc ca xen canh với cà phê. Ông Huấn cho hay: “Việc trồng xen mắc ca trong vườn cà phê có nhiều ưu điểm như: làm chắn gió, tạo bóng, giúp sinh thái vườn phù hợp với cây cà phê.
Đồng thời, vườn cà phê cũng bớt cỏ, tăng độ ẩm hơn, so với những vườn trồng thuần”.
Theo ông Huấn, ngoài các tác dụng trên, mắc ca còn đem lại cho người dân khoản thu nhập không nhỏ. Cụ thể, năm nay, vườn mắc ca xen canh của ông có khoảng 300 cây cho thu hoạch, tỷ lệ ra hoa đậu quả cũng khá cao, trên 80% vườn cây.
Trong đó, số cây cho năng suất trên 14 kg/cây, chiếm khá nhiều. Việc thu hoạch mắc ca rất thuận tiện, bởi mắc ca cho thu hái từ tháng 3 đến tháng 6, nên nếu có thuê mướn công cán cũng rất dễ dàng.
Ngoài các mô hình trình diễn, năm 2018, từ nguồn vốn Chương trình khuyến nông Trung ương giai đoạn năm 2018 – 2020, Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông đã triển khai Dự án “Trồng xen cây mắc ca bằng giống tiến bộ kỹ thuật: 741; 695; 800; 900, tại Tây Bắc và Tây Nguyên”.
Dự án được thực hiện tại 2 xã ở Tuy Đức là Quảng Tâm và Quảng Trực, với diện tích 20 ha cho 20 hộ dân. Việc thực hiện mô hình được lựa chọn tại các vườn cà phê kém hiệu quả như: Thời gian canh tác trên 10 năm, mật độ dưới 400 cây/ha, năng suất dưới 2 tấn/ha/năm.
Theo bà Nguyễn Thị Hải, ở bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực, sau một năm, cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê, sinh trưởng và phát triển tốt. Bởi vì, trong quá trình chăm sóc cho cà phê thì cây mắc ca cũng được hưởng theo, nên tỷ lệ cây chết thấp, không phát sinh dịch bệnh.
Đến nay, cây mắc ca trồng tại các hộ tham gia Dự án đều sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống 98%. Đường kính gốc cây mắc ca đến nay đạt 1,5 cm, chiều cao vút ngọn đạt 1,3m.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông, ngành Nông nghiệp đang khuyến khích người dân trồng xen canh cây mắc ca trong vườn cà phê để thay thế cây che bóng truyền thống.
Việc triển khai mô hình, giúp người dân tham quan, học tập để áp dụng tại nông hộ. Đây cũng là hình thức chuyển giao tiến bộ khoa học trực quan nhất cho nông dân.
Có thể nói, từ hiệu quả kinh tế tại các vườn mắc ca, được Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông xây dựng, đến Dự án trồng thâm canh mắc ca, cho thấy, nông dân sẽ có thêm phương thức sản xuất mới, đem lại thu nhập cao, ổn định.
Gia Lai: Tham quan mô hình sản xuất cà phê bền vững
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, phối hợp với Công ty TNHH Nestle Việt Nam, và một số chuyên gia nước ngoài, đến tham quan mô hình trồng cà phê bền vững, của Công ty TNHH Nestle Việt Nam, tại thôn 3, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, và trải nghiệm thực tế việc thu hái cà phê với bà con.
Các chuyên gia nước ngoài tham quan mô hình cà phê tiêu chuẩn 4C tại Ia Grai. Ảnh: Lê Nam
Ông Nguyễn Đức Huề (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) một trong những hộ liên kết với Công ty TNHH Nestle, sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, cho biết: "Ông có 4 ha áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn 4C từ năm 2014.
Với mô hình này, đầu tư phân hóa học ít hơn, giảm lượng nước tưới, và hàng năm được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, tạo tán cho cây, đặc biệt, không sử dụng thuốc BVTV, thuốc giệt cỏ.
Năng suất vẫn đạt bình quân 4,5-5 tấn cà phê nhân/ha. Ngoài ra, tôi còn trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, vừa làm cây che bóng, vừa tăng thu nhập”.
Ông Lương Văn Tự-Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho biết: Có thể nói, đây là vườn cà phê có năng suất cao, nhờ kỹ thuật chăm sóc theo tiêu chuẩn 4C.
Việc sản xuất cà phê 4C, đã tiết kiêm nước, phân bón, nhưng vẫn giữ năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với sản xuất truyền thống. Hiện, cà phê Gia Lai hơn hẳn các tỉnh khác về chất lượng, và rất ổn định.
Ngoài ra, Gia Lai là tỉnh đầu tiên có cà phê được công nhận đạt chuẩn Organic. “Để sản xuất cà phê bền vững, nông dân nên thực hiện đúng quy trình 4C; bón phân đúng thời điểm, không sử dụng thuốc diệt cỏ, tưới tiết kiệm nước, phân bón… để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế”, ông Tự nói.
Lâm Đồng: Từ hộ nghèo vươn lên tỷ phú
Giữa vùng đất trồng điều Đạ P'Loa, một nông hộ đã làm giàu từ trái sầu riêng cơm vàng hột lép. Đó là anh Nguyễn Văn Phố, Thôn 2, xã Đạ P'Loa, huyện Đạ Huoai.
Chị Thuỷ tỉa hoa sầu riêng trong vườn Ảnh: D. Quỳnh
Anh Nguyễn Văn Phố, Thôn 2, xã Đạ P'Loa, chia sẻ với nụ cười thoải mái: “Nói đâu xa, mươi năm trước, tôi là người làm thuê nổi tiếng khắp xã. Ngày đi làm, đêm kéo nước tưới cà phê, tưới sầu riêng mà vẫn nghèo. Lúc đó khổ lắm, Nhà nước cho sổ hộ nghèo, hết năm 2012 nhà tôi mới thoát nghèo”.
Anh Phố chia sẻ, năm 2006, theo gia đình lên Tây Nguyên làm vườn, được cha mẹ chia cho ít rẫy điều. Điều năng suất thấp, vợ chồng không đủ sống.
Để nuôi con, anh vừa làm thuê, vừa tính toán thay đổi cây trồng mới. Vậy là năm 2006, anh xuống giống 1 ha cà phê. Không may mắn, cà phê giá quá thấp, cả vùng cà phê lao đao vì khó khăn.
Ngắm xung quanh, một vài hộ trồng ít sầu riêng lấy trái ăn chơi, nhưng cũng có trái. Vậy là anh Phố trục bớt cà phê, xuống giống trăm cây sầu riêng con. Anh khảo sát kỹ, trồng hai giống Ri-6 và Monthong, sầu riêng cơm vàng hột lép ngon nổi tiếng.
Cà phê thu nhập thấp, sầu riêng lâu ra trái, vợ chồng anh làm thuê chuyên nghiệp. Chị Lê Thị Thanh Thủy, vợ anh kể, ban ngày đi làm thuê, ban đêm làm vườn nhà.
Những ngày mùa điều, ban ngày đi nhặt hạt, ban đêm hai vợ chồng trằn lưng, kéo hàng trăm mét ống tưới cà phê, sầu riêng. Rồi từ từ, hai vợ chồng đổi thành đi làm thuê 20 ngày, 10 ngày chăm sóc vườn nhà.
Cứ thế cho đến hôm nay, anh chị đã trở thành tỷ phú nông dân, hai người vẫn giữ được lòng hăng say lao động, nhớ mãi những vất vả, khó khăn để luôn phấn đấu.
Thấy gia đình anh chị quá khó khăn, năm 2011, xã Đạ P'Loa cấp cho gia đình sổ hộ nghèo, kèm theo nhiều hỗ trợ. Tới vụ năm 2012, lần đầu tiên sầu riêng ra trái, anh chị bàn nhau viết đơn thoát nghèo.
Anh Phố kể: “Lúc đó sầu riêng cũng mới ra trái, giá đâu 10-15 ngàn/kí. Nhà tôi bán cả sầu, cả cà phê được 80 triệu. Nhìn quanh thấy nhiều bà con còn khó khăn hơn mình, nên làm đơn xin trả hộ nghèo”.
Ban đầu, trồng sầu riêng xen trong vườn cà phê, lấy ngắn nuôi dài, thu cà phê chờ sầu riêng ra trái. Khi sầu riêng ra trái, có thu nhập tốt, anh chị trục hết cà phê, xuống giống sầu riêng.
Hiện, anh chị đã có 220 cây đang cho trái đều đặn, và một số cây còn non. Giá cả sầu riêng khá ổn định, mỗi năm, tiền thu từ sầu riêng đạt xấp xỉ 2 tỷ đồng, và xu thế còn tăng lên cùng với sự trưởng thành của cây.
Anh Phố khoe cây sầu riêng “bảo bối” 12 năm tuổi, mỗi năm cho tới 7 tạ trái và khẳng định, trồng và chăm bón đúng kỹ thuật, một cây sầu riêng trưởng thành cho 4 tạ trái/vụ là bình thường.
Ông K’Nõi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ P'Loa đánh giá, vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Phố - Lê Thị Thanh Thủy, thực sự là nông dân vươn lên từ hộ nghèo.
Đắk Lắk: Cải tạo vườn tạp, trồng hoa Tết
Nhiều năm nay, người dân phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) đã nhạy bén khai thác thế mạnh đất canh tác nông nghiệp để luân canh gối vụ. Cải tạo vườn tạp, trồng hoa hồng, hoa cúc phục vụ Tết, mang lại hiệu quả cao.
Để có hoa dịp Tết Nguyên đán, tháng 7 âm lịch, các hộ nhập cây giống từ Đà Lạt cấy vào chậu.
Chị Trà chăm sóc vườn cúc
Khoảng cuối tháng 9, các hộ bắt đầu dọn vườn, tận dụng khoảng sân trống để trồng. Sau 4 - 5 tháng, cúc bắt đầu ra bông.
Ngoài cúc, nhiều loại hoa hồng có giá trị cũng được trồng khảo nghiệm và nhân rộng.
Chị Trần Thị Trà ( tổ dân phố 7A) chuyên trồng cúc đại đóa, cúc kim cương. Với diện tích 3 sào, chị có khoảng 1.000 chậu hoa cúc, 300 chậu hoa hồng. Hằng năm, thu nhập từ nghề trồng hoa mang lại cho chị nguồn thu từ 50 - 60 triệu đồng, cao hơn nhiều so trồng cây khác.
Chị Trà chia sẻ, trồng hoa cúc tuy vất vả, nhưng rủi ro không nhiều, thu nhập ổn định. Nhờ có kinh nghiệm, vườn hoa cúc của chị luôn trổ búp đều, hoa đẹp; chị đang kỳ vọng vụ hoa Tết năm nay thu nhập cao hơn năm ngoái.
Với gần 2 sào đất, trước đây chị Trần Thị Phấn ( tổ dân phố 7A) chủ yếu trồng rau ngắn ngày, hiệu quả không cao. Từ năm 2015, chị quyết định chuyển sang trồng hoa cúc trong chậu.
Từ chỗ chỉ từ vài chục chậu, đến nay đã lên đến 600 chậu cúc /năm. Ngoài cúc kim cương, cúc đại đóa, cúc họa mi…, còn trồng thêm 200 chậu hoa hồng các loại.
Chị Phấn chia sẻ: trồng hoa, nếu “trúng vụ, được giá” cao gấp 3 lần trồng rau sạch. Mỗi vụ, trừ chi phí tôi thu 30 - 35 triệu đồng”.
Theo đó, trồng hồng, cúc trong chậu, không đòi hỏi quá cao kỹ thuật, điều quan trọng là nắm bắt thời tiết, để có kế hoạch chăm sóc.
Đồng thời, thường xuyên tỉa cành, bón phân phòng trừ sâu bệnh. Chú trọng giai đoạn phát triển, sinh trưởng của cây để hoa nở đúng dịp.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.