Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2019 | 21:47

Đắk Nông: Nhà vườn tất bật vào vụ hoa Tết

Hiện, các nhà vườn trên địa bàn Đắk Nông đang tất bật xuống giống, chăm sóc các loại hoa, để kịp phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2020.

Gần 2 tháng nay, bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, tổ 4, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) luôn tất bật với việc làm đất, xuống giống hoa để chuẩn bị phục vụ Tết 2020.

 

hoa-1991.jpg

 Hoa cúc được bà Lê trồng trong nhà kính

 

Với hơn 600.000 cây hoa cúc đóa, cúc chùm, chúc chén, cúc lưới..., bà Lệ xuống giống được hơn 1 tháng, hiện, hoa đang vào đoạn chăm sóc cao điểm.

Hoa cúc trồng 90 ngày mới cho hoa, và được trồng trong nhà kính. Bà luôn chuẩn bị điện chiếu sang, để kích thích hoa phát triển, nhất là thời tiết lạnh, sẽ hỗ trợ đèn thắp sáng vào ban đêm, để sưởi ấm cho cây.

Hoặc, 10.000 củ hoa ly, vừa xuống giống được 1 tuần. Đây là giống có thời gian ra hoa ngắn, nên bà Lệ đã căn ngày xuống giống để hoa nở đúng Tết.

Toàn bộ diện tích 5.000m2 hoa Tết, được bà Lệ  đầu tư cây giống hơn 150 triệu đồng.

Bà Lệ cho biết, bà trồng hoa đã 20 năm nay. Ngày thường bà vẫn trồng hoa cho các đại lý hoa tươi, vào dịp Tết, nhu cầu sử dụng tăng, nên bà làm số lượng lớn, để phục vụ người tiêu dùng.

"Tùy từng loại hoa để xuống giống phù hợp. Người trồng bằng kinh nghiệm để canh cho hoa nở đúng ngày, mới bán được giá. Năm nay, thấy thời tiết thuận lợi, hứa hẹn có nhiều hoa đẹp, chất lượng bán ra thị trường", bà Lệ cho biết.

Anh Nguyễn Văn Khánh, thôn 2, xã Đắk Ha (Đắk Glong), cũng đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mua  30.000 cây lan Hồ điệp, với 14 chủng loại, màu sắc khác nhau từ Đài Loan về trồng trong nhà kính.

Năm nay, anh Khánh trồng lan ít hơn mọi năm, chủ yếu tập trung vào các hợp đồng thu mua. Đống thời,  chú trọng nâng chất lượng hoa, bằng cách lắp đặt thiết bị cảm biến nhiệt, kết nối trực tiếp với máy lạnh, máy bơm nước, để nhiệt độ trong nhà kính luôn ở mức 20 oC; tạo điều kiện cho lan phát triển tốt nhất.

Việc trồng lan trong nhà kính, điều chỉnh nhiệt độ bằng thiết bị điện tử, nên vườn lan của anh Khánh không chịu ảnh hưởng thời tiết, và hoàn toàn chủ động trong việc, chăm sóc lan theo từng giai đoạn, và kích thích hoa.

Ngoài ra, nhiều gia đình ở các huyện Đắk Mil, Đắk R'lấp, Gia Nghĩa, Đắk Song... cũng đã đầu tư tiền, công sức, học hỏi kỹ thuật để trồng, chăm sóc nhiều loại hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Thời tiết thuận lợi, người trồng hoa có nhiều năm kinh nghiệm, nên chăm sóc hoa đúng kỹ thuật, hoa sẽ phát triển tốt và hứa hẹn bán ra những sản phẩm chất lượng, phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tốt hơn.

Gia Lai: Giúp nông dân chữa bệnh hồ tiêu chết chậm

Được biết, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp tại một số tỉnh Tây Nguyên”.

tieu-661.jpg

 Quản lý dịch hại tổng hợp, giúp khôi phục vườn hồ tiêu chết chậm. Ảnh internet

 

Sau 2 năm, 2018/2019, mô hình đã phát huy hiệu quả, mở ra cơ hội giúp nông dân phục hồi vườn hồ tiêu bị bệnh chết chậm.

Hiện, hàng năm Gia Lai có khoảng 3.288 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết chậm, trong đó, nhiễm nhẹ 1.336 ha, trung bình 1.060 ha và nhiễm nặng 892 ha.

Vì vậy, năm 2018, để thực hiện mô hình trên, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chọn 15 hộ/ 3 huyện Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, để thực hiện mô hình trình diễn, mỗi hộ 0,2 ha.

Tham gia dự án, các hộ dân được hỗ trợ: phân hữu cơ đa lượng; phân trung vi lượng cải tạo, khử trùng đất; thuốc BVTV Fosetyl-aluminium, và thuốc trừ tuyến trùng, lưới che nắng.

Ngoài ra, các hộ còn được tập huấn, chuyển giao quy trình phục hồi vườn hồ tiêu bị bệnh chết chậm, bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.

Theo đó, sử dụng kết hợp một số loại phân bón tăng cường dinh dưỡng cho cây, cải thiện độ pH của đất; đồng thời tác động để hồ tiêu phát triển mạnh bộ rễ, hấp thụ dinh dưỡng trong đất và phân bón.

Việc bón phân được chia làm nhiều lần, để cây hấp thụ hết, phát triển trở lại, tăng sức đề kháng sâu bệnh. Việc tưới nước trong mùa khô được thực hiện 15 ngày/lần, với lượng nước 60-70 lít/trụ.

Đặc biệt, chỉ sử dụng 1-2 loại thuốc BVTV xử lý cục bộ nơi có sâu bệnh, và dùng lưới che vườn để điều chỉnh ánh sáng… Nhờ các giải pháp đồng bộ trên, đến nay, các vườn hồ tiêu đã được phục hồi, tỷ lệ lá vàng và bệnh, giảm trên 75%. Hồ tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến đạt 2-3 kg hạt khô/trụ

Bà Vũ Thị Hương (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) cho hay: “Sau 2 năm áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, bệnh chết chậm trên cây hồ tiêu giảm rõ rệt.

Biện pháp chăm sóc hồ tiêu cũng đơn giản hơn. Đặc biệt, chi phí đầu tư giảm, nhưng cây vẫn phát triển tốt. Kết quả này, mở ra cơ hội  sẽ áp dụng thêm trên 1 ha hồ tiêu bị bệnh chết chậm”.

Ông Kpă Dãn (làng Phun, xã Ia Băng) cũng cho biết, ông  đã áp dụng trên 0,2 ha hồ tiêu, và đã hạn chế được bệnh chết chậm.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV, cho biết: Sau 2 năm triển khai mô hình tại 3 tỉnh Tây Nguyên, kết quả, vườn hồ tiêu bị bệnh chết chậm phục hồi rất tốt.

Do lá, bộ rễ phục hồi, nên năng suất hồ tiêu dần ổn định. Đây là tiền đề để Gia Lai xây dựng quy trình phục hồi tốt nhất. Những vườn bị nhiễm nặng, nên chuyển sang cây trồng khác.

Lâm Đồng: Sâm Ngọc Linh in vitro nảy mầm hy vọng

Những ngày cuối năm 2019, sau nửa thập kỷ mày mò với cây sâm Ngọc Linh in vitro, vòng tuần hoàn cuối cùng đã khép. Những cây con đã nảy mầm, trưởng thành từ những hạt thu từ cây mẹ vô tính, mở ra một cơ hội mới.

 

sam-631.jpg

 PGS. TS Trần Công Luận, cùng ông  Du, bên cây sâm Ngọc Linh vitro tại Đà Lạt

 

Thạc sỹ Phan Công Du, Trưởng ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Lâm Đồng, Chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu khả năng ra hoa tạo hạt của cây sâm Ngọc Linh in vitro tại Đà Lạt” đã có nhiều năm ăn, ngủ với cây sâm Ngọc Linh, cho biết, từ những năm 2014 – 2015, anh đã trồng cây sâm Ngọc Linh in vitro tại Đà Lạt.

Năm 2017, anh đã đón chào cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô (in vitro) đầu tiên nở hoa, mở ra cơ hội mới, để nhân giống loài sâm K9, quý hiếm này.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu của Thạc sỹ Phan Công Du đã mày mò, tìm hướng để những hạt sâm thu được từ cây mẹ in vitro, có thể nảy mầm.

Ông Du chia sẻ: “Thu được 7 hạt giống đầu tiên từ cây mẹ vô tính, nhóm rất hồi hộp, tìm nhiều phương pháp thử nghiệm để hạt nảy mầm tốt nhất.

Phương pháp hiệu quả nhất là, dung dịch nước tỏi 10% để xử lý hạt giống. Chúng tôi ngâm nhân hạt đã xử lý, loại bỏ phần thịt quả vào dung dịch nước tỏi trong 30 phút, sau đó đem gieo.

Sau 4 tháng, hạt đã nảy mầm và lên cây, với tỉ lệ 3/7 hạt gieo, đạt tỉ lệ nảy mầm từ hạt của cây sâm Ngọc Linh in vitro là 42,8%”.

Kết quả này đã chứng minh, cây sâm in vitro được nuôi trong nhà kính, nhà lưới tại Đà Lạt phát triển hoàn toàn bình thường, tương tự sâm Ngọc Linh tự nhiên của núi rừng K9.

Thạc sỹ Du cho biết, những cây sâm in vitro được nhóm trồng với 3 điều kiện, đó là trong nhà kính, nhà có mái che bền vững, và trồng dưới tán rừng, với độ che phủ 80%.

Khu vực trồng sâm Ngọc Linh là vùng rừng ven hồ Tuyền Lâm, nơi có sẵn nguồn nước sạch, và khí hậu mát mẻ, gần gụi với điều kiện rừng núi Ngọc Linh. 

Sau 5 năm trồng, từ những cây sâm in vitro con, những củ sâm Ngọc Linh  tại Đà Lạt đã đủ chuẩn thu hoạch. 

Trọng lượng bình quân 40 gam/củ, với kết quả phân tích thành phần saponin có trong sâm củ đạt tiêu chuẩn dược điển sâm Việt Nam, của Bộ Y tế ban hành.

Đặc biệt, hàm lượng saponin đặc trưng cho sâm Việt Nam là M-R2, vượt gấp 3,5 lần so với tiêu chuẩn dược điển Việt Nam. So sánh với sâm Ngọc Linh tự nhiên, sâm in vitro đạt hàm lượng dược chất gần tiệm cận. 

Lượng sâm Ngọc Linh trên thị trường khá hạn chế, do trong tự nhiên, sâm Ngọc Linh phát triển rất chậm, năng suất rất thấp. Vì vậy, nếu nông dân Đà Lạt có thể canh tác sâm Ngọc Linh, sẽ là nguồn quý giá.

Nhóm nghiên cứu cũng đã hoàn thành quy trình chăm sóc sâm Ngọc Linh tại Đà Lạt và sẵn sàng chuyển giao cho nông dân.

Không chỉ tại Đà Lạt, Kon Tum, Quảng Nam cũng có thể sử dụng giống sâm in vitro, thay cho nguồn giống mọc từ hạt tự nảy mầm, rất quý hiếm.

Người đưa hoa Đà Lạt xuất ngoại

Ông Bùi Văn Sỹ (Phường 11, TP Đà Lạt) là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương 10 năm liền. Ông nổi tiếng khi liên kết với nông dân xuất hoa sang Hàn Quốc, Thái Lan. 

 

hoa-391.jpg

Ông Sỹ  thu hoạch hoa phi yến

 

Ông Sỹ tâm sự: “Năm 2000, tôi đã mạnh dạn dựng nhà kính vài trăm mét vuông để trồng hoa cúc, mô phỏng thiết kế của doanh nghiệp nước ngoài ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt.

Cũng từ đó, gia đình tôi dần chuyển từ trồng rau củ, sang qua trồng hoa vì có thu nhập ổn định hơn”. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu hết sức khó khăn, từ khâu giống đến chăm sóc nên kết quả không cao. Sau khi tìm hiểu từ những người đi trước, tham gia tập huấn chuyển giao KHKT, nên ông dần rút được kinh nghiệm, và đã đạt được những kết quả như ngày nay.

Hiện, với 5 ha, ông Sỹ đang trồng nhiều loại hoa như: cẩm chướng, cát tường, cúc, salem, hoa chuông, phi yến mang lại thu nhập cao.

Ngoài diện tích vườn của gia đình, ông Sỹ còn liên kết với 10 hộ dân để cùng trồng hoa, rồi xuất bán sang Hàn Quốc, Thái Lan. Hiện, ông Sỹ còn tìm hiểu và trồng vài loại hoa khá mới như hoa chuông, phi yến… có giá trị cao và được thị trường ưa chuộng.

“Loại hoa chuông được nhập về từ Nhật Bản. Vì muốn đa dạng sản phẩm hoa của địa phương, nên tôi đã bỏ ra hơn 1 tỷ đồng mua cây giống, có bản quyền trong nước, với thời hạn 1 năm. Mỗi tháng tôi nhận 50.000 cây giống để trồng cuốn chiếu, và sau 3 tháng có thể thu hoạch”- Ông Sỹ cho biết.

Không chỉ trồng hoa chuông mới lạ, ông Sỹ còn trồng hoa cúc kim cương trắng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Trung bình mỗi ha, trang trại của ông lãi cả trăm triệu đồng.

Ông Sỹ cũng cho biết, thương hiệu hoa Sỹ Lâm của ông, đến nay đã cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền “Hoa Đà Lạt” lần thứ 2, có hiệu lực đến tháng 10/2020.

Hiện, ông đã xuất được 4 triệu cành hoa cúc cho Hàn Quốc, Thái Lan, đây là tiền đề để tạo đầu ra cho sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần khẳng định thương hiệu hoa Đà Lạt.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top