Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 5 tháng 6 năm 2022 | 22:24

Đảm bảo sinh kế của người dân ĐBSCL trước biến đổi khí hậu

Trong Chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ đề nghị bổ sung 2.600 tỷ đồng đầu tư vùng ĐBSCL chống sạt lở, xử lý xâm nhập mặn. Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT dành khoảng 2.000 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp, hỗ trợ sinh kế cho nông dân.

Linh hoạt thích ứng với biến đổi khí hậu

Đó là thông tin được ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư trao đổi tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân diễn ra mới đây tại Sơn La.

Tại buổi đối thoại ông ông Lý Văn Bon (TP. Cần Thơ) đặt câu hỏi, mấy năm gần đây, do biến đổi khí hậu, do xây dựng thủy điện ở thượng nguồn, lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long có nhiều biến động, đã có tác động đến nguồn lợi thủy sản, sinh kế của người dân, xâm nhập mặn cũng diễn biến phức tạp hơn. Xin được hỏi Thủ tướng, Chính phủ, các bộ ngành sẽ có những biện pháp gì để hỗ trợ, đảm bảo sinh kế của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước những tác động của biến đổi khí hậu?

Thứ hai, Chính phủ đã có chủ trương nhất quán, đó là không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn hiện nay đã đến mức báo động. Xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ sẽ có giải pháp gì để xử lý và khắc phục thực trạng này.

 

ĐBSCL đã phân ra 3 loại hình sinh thái là ngọt, lợ, mặn để quy hoạch phát triển phù hợp với điều kiện mới do biến đổi khí hậu.

 

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị Phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng ĐBSCL với tinh thần chủ động và linh hoạt thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó cũng là tinh thần của Nghị quyết 120.

Chúng ta đã phân ra 3 loại hình sinh thái là ngọt, lợ, mặn để quy hoạch phát triển phù hợp với điều kiện mới do biến đổi khí hậu và thời tiết đem lại. Thực tế, ĐBSCL có rất nhiều mô hình như lúa tôm, lúa cá, chuyển đổi từ thuần lúa sáng đa dạng hoá cây trồng vật nuôi. ĐBSCL và Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ lan toả các mô hình này để mang lại hiệu quả lớn hơn. Trong cái khó, chúng ta sẽ phải tìm cách linh hoạt thực hiện các mục tiêu được Chính phủ giao.

Thủ tướng cũng giao phải liên kết 13 tỉnh, liên kết vùng để lấy sức mạnh tổng thể, đẩy mạnh thị trưởng, mở rộng phát triển nông nghiệp và nông thôn. Do đó, ĐBSCL không chỉ là thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn là mẫu hình của 1 trong 5 vùng quyết tâm đi lên với sự hỗ trợ của Chính phủ và các ban, ngành. Tôi một lần nữa lưu ý chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là quan điểm cần được nhấn mạnh.

 

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan.

 

Cùng với đó, làm sao đưa được sản phẩm, thương phẩm của người nông dân ra thị trường thành công là cốt lõi của các mặt công tác, trong đó có cả công tác dạy và học nghề nông thôn bền vững.

Phát triển bền vững

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư cho biết, liên quan đến câu hỏi về sinh kế cho người nông dân vùng ĐBSCL, Chính phủ đã có riêng Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cũng rất quan tâm đến vấn đề này và vừa phê duyệt Quyết định số 287/QĐ-TTg về Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với quan điểm phát triển vùng ĐBSCL là phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và lấy con người là trọng tâm, Quy hoạch có giải pháp chuyển đổi sinh kế như Bộ trưởng Lê Minh Hoan vừa chia sẻ. Quy hoạch cũng đề ra 3 giải pháp để tạo sinh kế cho người nông dân: Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với 3 kiểu vùng; phát triển kinh tế biển; quy hoạch mạng lưới thuỷ lợi với hệ thống cống, đê bao quanh với trạm bơm tưới tiêu cung cấp nguồn nước.

Khi thực hiện các giải pháp này thì câu hỏi đặt ra là nguồn lực thế nào? Chính phủ xác định nguồn lực xã hội hoá kết hợp ngân sách Nhà nước. Riêng với nguồn ngân sách, giai đoạn 2021-2025, trong kế hoạch đầu tư trung hạn, Chính phủ bổ sung tăng đầu tư hạ tầng thuỷ lợi, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng chống sạt lở,…

Đồng thời, ngay trong Chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ đã đề nghị bổ sung 2600 tỷ đồng đầu tư cho chống sạt lở, xử lý vấn đề xâm nhập mặn. Ngoài ra, trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT cũng dành khoảng 2000 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ sinh kế cho bà con nông dân.

Đây cũng là vùng đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng giai đoạn 2021-2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 gồm 28 thành viên và 4 Phó Chủ tịch: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Bộ trưởng Bộ GTVT.

 

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư.

 

Điều này thể hiện sự sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với những cơ chế đặc biệt dành cho vùng để thúc đẩy phát triển bền vững vùng, bảo đảm sinh kế của người dân.

Mực nước đã cao hơn

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Quý Kiên cho biết, Bộ TN&MT đã báo cáo Chính phủ về việc hôm qua theo con số quan trắc, mực nước lũ ĐBSCL đã cao từ 20-60 cm so với trung bình 2-3 năm trước đây. Dự báo thời gian tới mực nước này sẽ tiếp tục dâng cao. Lượng cát phù sa và đặc biệt là nguồn lợi lượng thuỷ hải sản trong năm nay trong điều kiện rất thuận lợi.

Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Tài nguyên nước là yếu tố cơ bản, quan trọng để bảo đảm thành công.

Về nguồn nước xuyên biên giới, Việt Nam đã tham gia rất trách nhiệm vào Uỷ hội sông Mekong, đặc biệt là chia sẻ thông tin dữ liệu trong hợp tác cơ chế Mekong-Lan Thương với Trung Quốc. Đặc biệt, trong việc tham vấn, chia sẻ khi tổ chức nghiên cứu các đập thuỷ điện đầu nguồn, Việt Nam luôn tích cực, chủ động đàm phán.

Đối với vấn đề nước biển dâng, thời gian qua, việc điều tra, đánh giá, khai thác hiệu quả nguồn nước ngầm đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề quan trọng, đây là nguồn nước hạn chế nên sử dụng hợp lý. Chúng ta đã phát huy những mặt tích cực, hiệu quả nước trên bề mặt và nước biển dâng.

Trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, ĐBSCL đã triển khai 48 dự án, trong đó có 16 dự án thuộc chương trình. Thời gian tới, theo kiến nghị của các tổ chức quốc tế, Bộ TN&MT đang vận động và sẽ có nhiều dự án phi công trình, đặc biệt là vấn đề ngăn cát bồi lắng, phát triển vùng nuôi trồng tại các khu vực phù hợp, từ đó tạo thành vành đai vùng ngập mặn ven biển, tạo sinh quyển bền vững để các loài sinh, bảo đảm đời sống cho người dân vùng ĐBSCL.

Về môi trường nông thôn, trong Điều 58 Luật Tài nguyên môi trường 2020 cũng như chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, việc bảo đảm sinh kế của người dân liên quan đến ề tỷ lệ sản xuất, làng nghề, bảo vệ môi trường, cảnh quan không gian xanh, chống ô nhiễm nước, xử lý chất thải rắn,…cũng được đề cập rõ ràng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chung, Bộ TN&MT sẽ quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai đầy đủ các nội trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia để khẳng định giá trị nền tảng của nông thôn Việt Nam, bảo đảm hệ sinh thái và bảo tồn các giá trị về văn hoá cộng đồng nông thôn của nước ta.

Làm rõ thêm nội dung về phát triển ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chủ trương của Đảng đã rất rõ, vừa qua, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 13 về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, mực nước lũ ĐBSCL đã cao từ 20-60 cm so với trung bình 2-3 năm trước đây.

 

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 năm 2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; vừa ban hành quy hoạch vùng ĐBSCL theo Luật Quy hoạch; đang xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị; đã và sẽ tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng. Trong đó, trong nhiệm kỳ này ưu tiên cao để phát triển hạ tầng ĐBSCL, ưu tiên nhất trong tất cả các vùng.

Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến

Tham gia ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, diễn ra vào sáng ngày 2/6, thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2021, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tích cực khẩn trương xây dựng hoàn thiện các thể chế, triển khai các chính sách ưu tiên có tính chất đặc thù cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhanh chóng đưa Nghị quyết của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, góp phần đưa Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên mạnh mẽ, phát triển cùng đất nước.

Khẳng định công nghiệp chế biến đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ hơn trong việc thu hút đầu tư vào khâu chế biến nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, thủy sản, đầu tư cho phát triển hệ thống logistics, nhất là những kho trữ lạnh để giải quyết vấn đề bảo quản nông sản vào những thời điểm thu hoạch cao điểm.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho Đồng bằng sông Cửu Long thông qua những việc làm cụ thể như hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ cung cấp thông tin, dự báo thị trường, giúp cho nông dân kịp thời điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top