Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2019 | 13:30

Đảm bảo về xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan

Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Bộ Công Thương ban hành, có hiệu lực từ ngày 8/3/2019.

Theo đó, để được hưởng ưu đãi thuế quan thì doanh nghiệp cần phải đảm bảo về xuất xứ hàng hóa.

 

tr16.jpg

Một cơ sở sản xuất rau sạch ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) áp dụng phần mềm Diagri để đồng bộ với hệ thống tem QR, BAR code. Ảnh: Nguyễn Dũng.

 

Hàng hóa có xuất xứ mới được hưởng ưu đãi thuế quan

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP gồm 5 Chương, 33 Điều và 9 Phụ lục kèm theo.

Cụ thể, các chương bao gồm Quy định chung; Quy tắc chung về xuất xứ hàng hóa; Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa; Quy định riêng đối với hàng dệt may và Điều khoản thi hành.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, để bảo đảm đúng hàng hóa có xuất xứ mới được hưởng ưu đãi thuế quan mà các nước thành viên Hiệp định dành cho nhau, FTA (Hiệp định thương mại tự do) có chương quy tắc xuất xứ nhằm quy định cách xác định xuất xứ hàng hóa. Như vậy, quy tắc xuất xứ chính là công cụ vô hiệu hóa ưu đãi thuế quan FTA nếu hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ và cũng là công cụ phân biệt lợi thế về thuế quan của các nước trong FTA với các nước bên ngoài FTA.

Những điểm mới

Ông Vũ Hùng Thịnh, Phó trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công Thương), chỉ rõ: So với các FTA Việt Nam đã ký kết và tham gia, Quy tắc xuất xứ hàng hóa CPTPP có một số điểm mới, gồm: quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo.

Đối với công thức tính RVC (Công thức tính một ngưỡng theo tỷ lệ phần trăm mà hàng hóa phải đạt được đủ để coi là có xuất xứ) thì ngoài công thức gián tiếp và trực tiếp, có thêm công thức tính RVC theo trị giá tập trung và công thức tính RVC theo chi phí tịnh (chỉ áp dụng với ô tô và phụ tùng ô tô).

Danh mục PSR (quy tắc cụ thể mặt hàng) được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể. Do đặc thù cấu trúc danh mục PSR trong CPTPP, Thông tư gồm 3 danh mục PSR là danh mục PSR đối với mặt hàng dệt may, danh mục PSR đối với xe và các bộ phận, phụ kiện và danh mục PSR đối với các mặt hàng còn lại.

Đối với “De Minimis” (tỷ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa) trong CPTPP quy định tỷ lệ “linh hoạt” cho phép 10% nguyên liệu không đáp ứng quy tắc xuất xứ nhưng thành phẩm vẫn được coi là có xuất xứ, các ngành khác có thể linh hoạt 10% theo trị giá; riêng ngành dệt may có tỷ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa riêng.

Trong CPTPP, mẫu C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định lại CPTPP. Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.

Thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện từ 5 đến 10 năm theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Cơ chế nhà nhập khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ thực hiện sau 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực.

Một điểm nữa là Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa của Việt Nam thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 quy định chi tiết quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và các quy định khác có liên quan.

Ông Thịnh cũng cho biết, đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư này có hiệu lực, cơ quan, tổ chức cấp C/O xem xét cấp C/O mẫu CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp định và theo quy định của nước thành viên nhập khẩu.

Vị đại diện này cũng nhấn mạnh, các FTA, trong đó có  CPTPP, để được hưởng ưu đãi thuế quan thì phải đảm bảo về xuất xứ hàng hóa. Nhằm thực hiện tốt vấn đề này, các doanh nghiệp cần phải thường xuyên tìm hiểu, nắm rõ thông tin về quy tắc xuất xứ hàng hóa; thực hiện các quá trình đảm bảo về yêu cầu xuất xứ hàng hóa cũng như các hồ sơ, giấy chứng nhận theo quy định của nước nhập khẩu.

CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1/2019. Đây là Hiệp định có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam, đặc biệt có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần loại bỏ tâm lý e ngại

Bà Trịnh Thị Thu Hiền nhấn mạnh: Không chỉ có CPTPP, tại một số FTA Việt Nam đang đàm phán, theo xu hướng thương mại quốc tế, cơ chế chứng nhận xuất xứ bao gồm (1) cơ chế cấp C/O do cơ quan có thẩm quyền phát hành và (2) cơ chế tự chứng nhận xuất xứ do doanh nghiệp tự phát hành.

“Hai cơ chế này được ví tựa như việc sau khi sinh con, chúng ta ra UBND xã/ phường làm giấy khai sinh cho con hoặc ở nhà tự viết giấy khai sinh cho con mình. Với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp được trao quyền tự khai báo và cam kết về xuất xứ hàng hóa thay cho việc đề nghị cấp C/O tại các cơ quan, tổ chức cấp,” bà Hiền dẫn chứng.

Theo bà Hiền, thông qua các buổi tập huấn, một số doanh nghiệp khá tích cực tìm hiểu quy định nhằm triển khai tốt trong thời gian chuyển tiếp và chuẩn bị cho thời điểm được phép tự chứng nhận xuất xứ. Đa số trong số này là các công ty lớn, có hiểu biết về xuất xứ hàng hóa và đã có tỷ lệ sử dụng C/O cao khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường FTA của Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp trao đổi lại là, do cơ chế này rất mới ở Việt Nam nên doanh nghiệp còn tâm lý e ngại, sợ rằng chứng từ do doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ bị hải quan nước nhập khẩu từ chối và không cho hưởng ưu đãi. Các doanh nghiệp cần loại bỏ tâm lý e ngại như vậy để mạnh dạn áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ khi được cho phép, qua đó tận dụng tốt hơn nữa các lợi ích mà FTA đem lại.

 

Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận, xử lý và trả lời vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị thực thi Thông tư số 03/2019/TT-BCT tại địa chỉ thư điện tử: [email protected] và số điện thoại hỗ trợ 024.2220.2468

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top