Ngư dân miền Trung tranh thủ đánh bắt khi biển lặng và vươn khơi xa, thu nhiều hải sản; hợp tác để phát triển nghề biển bền vững.
Nghệ An: Tránh gió mùa, ngư dân thu hàng trăm tấn hải sản
Ra khơi được 4- 5 ngày thì gặp gió mùa, khiến ngư dân Nghệ An phải quay về cảng cá để tránh biển động mạnh. Tuy nhiên, bà con cũng đã mang theo hàng trăm tấn hải sản về cảng
Thương lái thu mua hải sản ngay tại cảng cá. Ảnh: Xuân Hoàng
Xã Quỳnh Lập là địa phương có số tàu thuyền to, nhiều nhất trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, với trên 100 tàu thuyền công suất trên 90CV. Ngư dân Phan Văn Hải, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Lập, cho biết: Phần lớn tàu thuyền của địa phương đều trở về cảng để tránh gió mùa, đa phần tàu thuyền nào cũng mang về từ 3 - 7 tấn hải sản.
Ví như, tàu cá của ông Hải mang về khoảng 7 tấn hải sản các loại. Tuy nhiên, phần lớn hải sản đánh bắt được trong chuyến này, chủ yếu là cá đốm và một số hải sản khác, giá trị kinh tế không cao, nên thu nhập được khoảng 200 triệu đồng, trừ chi phí, lãi trên 100 triệu đồng sau 5 ngày đánh bắt.
Tạị cảng cá Lạch Quèn, hàng chục tàu thuyền công suất lớn của bà con ngư dân cũng cập cảng để tránh gió mùa.
Ông Nguyễn Đức Đông - Trưởng Cảng cá Lạch Quèn cho biết: Đáng lẽ tàu thuyền chưa về, nhưng do có gió mùa, nên ngư dân phải quay về sớm hơn 2 – 3 ngày. Do vậy, đợt này phần lớn tàu thuyền phổ biến từ 2 - 5 tấn cá các loại, chủ yếu là cá đốm và cá trỏng.
Tàu thuyền nối nhau về cảng, là dịp để thương lái thu mua hải sản. Như vậy, trong đợt tàu thuyền về tránh gió mùa này, Cảng cá Lạch Quèn tiếp nhận hàng trăm tấn hải sản các loại.
Nghệ An hiện có 3.510 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó có 1.593 tàu công suất máy trên 90CV, với gần 20 nghìn lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Mỗi năm ngư dân Nghệ An đánh bắt được trên 150 nghìn tấn hải sản.
Ngư dân Núi Thành vươn khơi xa, bám biển dài ngày
Cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam) những ngày này đang chộn rộn. Nhiều tàu đánh bắt xa bờ đã vươn khơi, mang theo kỳ vọng trời yên biển lặng và một vụ đánh bắt bội thu.
Ngư dân xã Tam Giang hối hả sắm chuyến cho vụ đánh bắt dài ngày. Ảnh: T.C
Những ngày qua, ông Huỳnh Văn Khôi (chủ tàu QNa-91829TS, trú thôn Đông An, xã Tam Giang) đã kịp dặn bạn hàng chuẩn bị thực phẩm, nước ngọt, đồ dùng dự trữ cho chuyến biển dài ngày.
Cả 12 lao động hành nghề mành chụp trên tàu có mặt từ vài hôm nay, cùng với chủ tàu chuẩn bị hậu cần cho giờ xuất phát. Là tàu hành nghề mành chụp ở ngư trường Trường Sa, nhiều năm nay tàu của ông Khôi khai thác mang về sản lượng mực cá khá cao.
Năm ngoái, dù tình hình dịch bệnh, thiên tai tác động khá lớn đến việc đánh bắt, song thu nhập mỗi bạn biển bình quân cũng được 60 - 70 triệu đồng.
“Những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đầu năm ảnh hưởng đến tình hình chung. Chúng tôi có một chút lo lắng, sợ dịch bệnh nếu tiếp tục kéo dài có thể ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ sản phẩm hải sản.
Tới thời điểm này, việc chuẩn bị đá để cấp đông, lương thực, ngư lưới cụ đã được chuẩn bị kỹ càng. Anh em bạn biển cũng đã phân công kiểm tra máy móc, nhiên liệu, hy vọng sẽ có chuyến biển bội thu” - ông Khôi chia sẻ.
Cảng cá Tam Giang những ngày sau Tết Nguyên đán có gần 60 tàu câu mực đang neo đậu, trong đó 38 tàu ở địa phương và một số tàu khác của ngư dân huyện Thăng Bình.
Tính trung bình sản lượng mực khô hàng năm về cảng cá này khoảng 15.000 tấn. Ngư dân hối hả chuẩn bị cho chuyến biển, lượng hàng hóa đổ dồn về đây để đưa lên tàu ước tính lên đến hàng chục tấn.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (xã Tam Hải) - vợ ngư dân Huỳnh Cường (chủ tàu câu mực khơi QNa-91964TS) cho hay, tàu câu mực có tổng cộng 42 lao động. “Chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm, chúng tôi đã chuyển nhiều hàng hóa, nước uống, nhiên liệu, đủ để tàu hoạt động trên biển khơi 2 - 3 tháng.
Bạn biển đã có mặt từ trước đó, giúp đỡ rất nhiều trong công tác chuẩn bị. Chi phí cho nhu yếu phẩm, thực phẩm xấp xỉ 120 triệu đồng, chưa kể 25 tấn dầu trị giá hơn 300 triệu đồng. Anh em quyết tâm rất lớn để có thể đạt sản lượng tốt nhất trong mùa đánh bắt này” - chị Dương chia sẻ.
Phần lớn số tàu câu mực khơi của xã Tam Giang tại cảng cá An Hòa đã ra khơi đánh bắt, số còn lại đang sửa soạn rời bến. Ông Nguyễn Ngọc Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, Tam Giang là xã có đội tàu câu mực khơi đông nhất huyện Núi Thành.
Ra quân đầu năm nay, toàn xã có 33 tàu câu mực khơi. Với đặc thù đánh bắt dài ngày (2 - 3 tháng/chuyến) tàu câu mực khơi ở Tam Giang xuất bến đồng loạt sau Tết.
Thuận lợi về điều kiện thời tiết lẫn hậu cần, tạo khí thế mới cho đội tàu đánh bắt mực khơi, bà con chỉ có đôi chút chút lo lắng về diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, có thể gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm.
Được biết, những năm qua, xã Tam Giang duy trì khoảng 47 - 50 tàu đánh bắt hải sản xa bờ, chủ yếu là tàu câu mực khơi, thu hút 1.600 - 1.700 lao động. Hàng năm, sản lượng đánh bắt hải sản bình quân của xã đạt 11.700 tấn, tổng giá trị bình quân 309 tỷ đồng/năm, mỗi lao động có thu nhập 140 - 200 triệu đồng/năm.
Năm 2020, chỉ tính riêng sản lượng mực khô xuất khẩu của ngư dân trên địa bàn Núi Thành đã gần 10.000 tấn. Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Núi Thành cho hay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các tàu đánh bắt hải sản đồng loạt vươn khơi. Tổng cộng đã có 395 tàu ra khơi đánh bắt vụ cánam với tổng công suất 181.385CV. Huyện phấn đấu sản lượng đánh bắt vụ này khoảng 12.000 tấn hải sản. Riêng nghề câu mực bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 10 âm lịch hàng năm, nếu thời tiết thuận lợi, với thời gian bình quân 2 tháng/chuyến. Cả năm, huyện Núi Thành đặt mục tiêu khai thác khoảng 46.000 tấn hải sản các loại.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.