Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 31/6/2016, tổng dư nợ tín dụng toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt gần 398.000 tỷ đồng, tăng 3,39% so với cuối 2015; chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.
Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 tăng 10,1% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng gần 22% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm gần 48% tổng dư nợ cho vay của khu vực.
Cùng với tín dụng thương mại, tín dụng chính sách cũng đã góp phần quan trọng tạo sinh kế, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân khu vực ĐBSCL. Đến nay đã có hơn 2 triệu khách hàng đang được vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, với dư nợ vay đạt gần 26.000 tỷ đồng, tăng 2,87% so với cuối năm 2015.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã huy động được trên 350.000 tỷ đồng, tăng 9,93% so với cuối 2015.
Những số liệu trên được công bố tại hội thảo: “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL”, diễn ra chiều 12/7, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long – MDEC Hậu Giang 2016.
Tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định quyết tâm của ngành ngân hàng cùng các cấp chính quyền địa phương trong khu vực triển khai chính sách tín dụng nhằm khai thác tối đa những tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Hội thảo tập trung thảo luận và trao đổi xoay quanh các vấn đề: Đánh giá chính sách tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; Vấn đề quy hoạch vùng, liên kết vùng, miền, địa phương gắn với phân bổ nguồn lực, cơ cấu đầu tư tín dụng cho vùng ĐBSCL; Đánh giá nhu cầu tín dụng cho các chương trình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL nhằm đối phó với tình trạng hạn hán, xâm ngập mặn gia tăng; Liên kết sản xuất trong nông nghiệp và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam; Kiến nghị cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh dòng vốn tín dụng ngân hàng khuyến khích đầu tư, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cải thiện an sinh xã hội tại các tỉnh ĐBSCL.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, ngành ngân hàng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các chính sách nhằm phục vụ tốt hơn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL.
Tại hội thảo đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp để đầu tư cho 73 dự án thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL với tổng số tiền cam kết cho vay gần 28.500 tỷ đồng.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…