Chuyển đổi số (Digital Transformation) đang diễn ra ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số, có một thách thức lớn mà ngành nông nghiệp gặp phải, đó là thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao...
Xu hướng tất yếu
Trong thời đại công nghệ 4.0, công nghệ số thâm nhập vào mọi ngành nghề, lĩnh vực, vì vậy, ngành nông nghiệp cũng không đứng ngoài cuộc đua công nghệ số. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp không những tập trung vào công nghệ cao có thể áp dụng trong ngành mà còn tập trung vào các công nghệ kỹ thuật đặc thù như kỹ thuật phân tích giống, gen...
Theo ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và thủy lợi Long An: “Việc xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào các vùng sản xuất trên địa bàn được tỉnh đặc biệt chú trọng. Theo đó, các ngành, các cấp đã hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều giải pháp trong việc sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng thông qua ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Tăng cường xúc tiến thương mại, giám sát chuỗi sản phẩm an toàn, tạo thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng nông sản. Trên cơ sở này góp phần tăng thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn từ 15,6 triệu đồng/người (năm 2010) lên trên 60 triệu đồng/người (năm 2021)”.
Còn ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch Hội Làm vườn TP. Hồ Chí Minh, nhận định, việc chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp là điều tất yếu trong thời kỳ 4.0. Tại TP. Hồ Chí Minh, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo chương trình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những hoạt động này được triển khai bằng nhiều hình thức, thông qua các buổi tọa đàm trong sinh hoạt thường kỳ, lồng ghép phù hợp với chương trình khuyến nông. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền và nhân rộng mô hình VAC có hiệu quả cao, liên kết theo chuỗi sản xuất nhằm tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với chủ trương chung của thành phố phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi sản xuất bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực. Theo đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được mở rộng, nhất là các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; năng suất lao động khu vực nông nghiệp tăng cao.
Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số nông nghiệp ở TP. HCM cần thực hiện ngay ở hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số , ở những mặt hàng có tính thế mạnh, cạnh tranh cao và ít rủi ro.
Đẩy mạnh sử dụng robot, thiết bị không người lái, giám sát cây trồng từ xa và tự động hóa trong lĩnh vực nông nghiệp.
Dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình số hóa do người tiêu dùng phải thay đổi thói quen và sử dụng thương mại điện tử. Từ đó, nông dân phải đưa hàng hóa lên sàn và tham gia số hóa sản phẩm...
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Do đó, cần đào tạo kỹ năng số cho nông dân áp dụng trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo, đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử trong nông nghiệp.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, ông Trương Quang An, Chủ tịch HĐQT HTX thanh long Tầm Vu (Châu Thành - Long An) cho biết: “Thời gian qua, nông dân trồng thanh long tham gia chuỗi giá trị liên kết được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm, với giá thu mua cao hơn giá thị trường 3.000 - 5.000 đồng/kg. Hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính bền vững với môi trường”.
Sau khi thăm quan nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây ăn trái, ông Võ Quang Hưng (Bến Cát - Bình Dương) đã đầu tư hệ thống tưới tự động cho toàn bộ 10ha chanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, vườn chanh đang cho trái, với giá bình quân 20.000 đồng/kg thì sang năm thứ ba, ông sẽ thu hồi vốn, năm thứ tư sẽ thu lãi. Ứng dụng công nghệ tưới tự động giúp tiết giảm chi phí lao động, chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng/10ha/ngày.
Nhanh chóng hội nhập và phát triển
Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực khu vực nông thôn trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Theo đó, để thay đổi bức tranh nông nghiệp nước nhà, đưa nền nông nghiệp hội nhập và phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Trong đó nhấn mạnh những định hướng về phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như: “Hiện đại hóa, thương mại hóa nông nghiệp, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất lớn, dựa vào khoa học - công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất lương thực là chủ yếu sang phát triển nền nông nghiệp đa dạng phù hợp với lợi thế của từng vùng”…
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, đến năm 2025, ngành nông nghiệp nước ta thiếu khoảng 3,5 triệu nhân lực nông nghiệp đã qua đào tạo. Hiện tại, do chưa qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn nghiệp vụ nên phần lớn lao động nông nghiệp chưa đủ năng lực làm chủ công nghệ tiên tiến, hạn chế đến việc tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến nông sản.
Mới đây, vào giữa tháng 11/2021, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ về những cơ hội và thách thức của nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới trong một buổi toạ đàm được tổ chức Hà Nội. Theo Bộ trưởng, cần chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ theo đuổi giá trị gia tăng sang vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường... Từ đó, hình thành hệ sinh thái kinh tế nông thôn, phát triển hạ tầng nông nghiệp, không chỉ phục vụ sản xuất mà phục vụ phát triển kinh tế nông thôn.
Để làm được điều này, theo Bộ trưởng, cần khởi tạo chuyển đổi số một cách phù hợp trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quản lý bài bản, khoa học các khâu canh tác, sản xuất, thu hoạch, phân phối. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí cho nông dân, hướng đến thái độ sống tích cực, khuyến khích tinh thần tự lực, tự chủ, liên kết và hợp tác.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số. Cụ thể là việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực nông thôn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Một thách thức rất lớn và là một đòi hỏi cấp thiết trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để kịp thời cung ứng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số ngành nông nghiệp là, các địa phương, đơn vị cần xây dựng các mô hình đào tạo trên cơ sở gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất.
Mặt khác, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp thành lập cơ sở dạy nghề công nghệ nông nghiệp, thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tại các vùng sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị trong nghiên cứu và đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp. Thực hiện các ưu đãi trong việc hình thành, phát triển các vườn ươm khởi nghiệp và tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo công nghệ.
Tăng cường mở các lớp tập huấn tại cơ sở sản xuất cho lao động nông thôn, để họ nhanh chóng tiếp cận và kịp thời ứng dụng công nghệ cao vào thực tế sản xuất, song song với ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động dịch vụ nông nghiệp.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.