Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 7 năm 2020 | 15:39

Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc

Trong 2 ngày 9-10/7, tại tỉnh Hải Dương, Sở NN-PTNT Hải Dương phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức chương trình diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc”.

Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh; lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương; lãnh đạo Cục KTHT và PTNT, Trung tâm KNQG, Sở NN và PTNT Hải Dương.

Các đại biểu tham quan cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy.
Các đại biểu tham quan cơ sở sản xuất mạ khay cấy máy.

Trong chương trình, các đại biểu đã được tham quan cơ sở sản xuất mạ khay cấy tại HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Mộ Trạch, chứng kiến trình diễn máy cấy lúa trên đồng ruộng, trình diễn máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ và ốc bươu vàng tại xã Tân Hồng, huyện Bình Giang.

Sau khi tham quan, hội nghị diễn đàn được tổ chức tại TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương dưới sự chủ trì của Cục KTHT và PTNT, Trung tâm KNQG, Sở NNPTNT Hải Dương.

 

Trình diễn máy cấy tại thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Trình diễn máy cấy tại thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn tại diễn đàn, thực trạng cơ giới hóa sản xuất lúa hiện tại tính chung cả nước số lượng máy động lực, máy móc, thiết bị  phục vụ sản xuất nông nghiệp có mức tăng nhanh.

Trong đó, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp mà đặc biệt là cơ giới hóa lúa tăng nhanh nhất; nhiều loại máy móc, thiết bị được sử dụng trong nông nghiệp như thu gom, cuốn rơm vùng ĐBSCL; nhiều khâu sản xuất có mức độ cơ giới hóa cao, nhất là với sản xuất lúa nổi bật là vùng ĐBSCL, ĐBSH khâu làm đất đạt gần 100%, thu hoạch trên 90%.

 

Phun thuốc sâu bằng máy bay không người lái mang lại nhiều hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều khâu sản xuất lúa đã được cơ giới hóa, một số khâu đạt mức độ cao như khâu gieo xạ, khâu chăm sóc, khâu thu hoạch, khâu thu gom rơm rạ.

Cơ giới hóa nông nghiệp được áp dụng đã  giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của một số nông sản góp phần tạo các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới; Thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ ở nông thôn.

Tuy nhiên, so với cả nước cơ giới hóa sản xuất lúa các tỉnh phía Bắc vẫn thấp hơn phía Nam và còn nhiều hạn chế như mức độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp nói chung, cơ giới hóa lúa nói riêng chưa toàn diện mà chỉ tập trung ở một số khâu; trình độ trang bị máy móc còn lạc hậu; thiếu tính thực thi trong cơ chế chính sách đã ban hành; nguồn lực về tài chính còn hạn chế,…

Vì vậy, để đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn đánh giá cần phải tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ, khoa học công nghệ, công nghệ mới vào chế biến, bảo quản nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp; Đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng ruộng, giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, tưới nước tiết kiệm và ngăn chặn xâm nhập mặn bảo đảm thực hiện cơ giới hóa; Phát triển thị trường máy nông nghiệp; Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách.

 

Cơ giới hóa sản xuất lúa góp phần nâng cao năng suất, giải quyết được khâu nặng nhọc và lực lượng lao động.

Qua đó, sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ trước hết ở các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; chăn nuôi gia súc, gia cầm qui mô trang trại; đến năm 2030 phương thức sản xuất được thay đổi căn bản từ sản xuất thủ công sang cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu sản xuất với hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao hơn.

 

 

Phạm Nguyên
Ý kiến bạn đọc
Top