Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng lúa và nuôi tôm rất lớn. Những năm gần đây, mô hình tôm lúa được đánh giá là có tiềm năng lớn trong áp dụng hệ thống chứng nhận hữu cơ, sinh thái tạo giá trị cao cho cộng đồng.
Diện tích tôm - lúa tăng nhanh
Mô hình canh tác tôm - lúa là hệ thống canh tác đặc thù của những vùng bị nhiễm mặn theo mùa tại các tỉnh ven biển ĐBSCL. Vào mùa mưa là thời vụ trồng lúa vì tận dụng được nguồn nước mưa để rửa mặn, ngọt hóa đồng ruộng. Các tháng còn lại bị nước mặn xâm nhập, ruộng lúa lại trở thành vuông tôm với phương thức lấy giống và thức ăn tự nhiên.
Do vậy, trong kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì mô hình tôm - lúa được ưu tiên phát triển, nhằm thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn. Đây được xem là mô hình thủy sản bền vững, có hiệu quả kinh tế và hạn chế rủi ro, dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu so với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác.
Diện tích tôm - lúa tại các tỉnh ĐBSCL tăng theo từng năm. Năm 2000, diện tích này chỉ đạt khoảng 71.000 ha nhưng đến năm 2020 tăng hơn 211.900 ha, sản lượng ước đạt hơn 84.700 tấn. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có khoảng 100.000 ha, Bạc Liêu hơn 57.800 ha, Cà Mau hơn 38.000 ha, Sóc Trăng khoảng 9.700 ha. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, mô hình nuôi tôm - lúa mặn - lợ có thể nuôi 2 vụ, một vụ tôm và một vụ lúa; hiệu quả kinh tế đạt 60-70 triệu đồng/ha/năm.
Theo ông Mã Văn Hồng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Đê (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), năm 2006, HTX bắt đầu triển khai mô hình tôm - lúa, tuy nhiên sản lượng còn thấp. Sau đó, HTX chuyển đổi từ trồng lúa thường sang lúa ST5 theo định hướng và phát động của ngành nong nghiệp nhờ đó tăng năng suất, giá bán cao. Từ giai đoạn 2016-2019, HTX bắt đầu sản xuất theo hướng hữu cơ, dưới sự hỗ trợ của doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm, phát triển các giống lúa ST20, ST24.
Cũng theo ông Hồng, khi thực hiện mô hình, nông dân tận dụng để nuôi trồng thêm các sản phẩm khác như trồng hoa màu trên bờ bao lúa. Bên cạnh đó, nông dân kết hợp nuôi cá, vịt con để ăn sâu rầy trên ruộng lúa. Hạt gạo và con tôm trong ruộng lúa ngon hơn lúa và tôm có sử dụng thuốc và phân hóa học, kháng sinh; giá thành của lúa trồng trong mô hình tôm - lúa cao hơn lúa thường.
Gỡ khó cho mô hình tôm - lúa
Theo TS Vũ Nam Sơn, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng trong canh tác tôm - lúa, để tăng giá trị sản phẩm, chúng ta đã có tôm - lúa, tôm sinh thái. Tuy nhiên, chỉ số nào trong sản phẩm tôm sinh thái hay tôm hữu cơ là quyết định để thấy sự khác biệt với sản phẩm thông thường. Đây cũng là cơ sở để nhận thấy giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong khi đó nhiều chuyên gia lo ngại, mô hình canh tác tôm - lúa hữu cơ đang bị ảnh hưởng bởi nguồn nước thải ra từ những vùng chỉ chuyên sản xuất lúa hoặc chuyên nuôi tôm, dẫn đến lây nhiễm chéo.
Cùng với đó, chưa có sự đầu tư về giống tôm, chất lượng giống và môi trường; sản xuất lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn nước ngọt; bà con chưa liên kết để làm mô hình, làm đất và gieo theo lịch đồng loạt.
Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, mô hình tôm - lúa ở ĐBSCL đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như: quy mô nhỏ lẻ, manh mún; sản lượng thấp; chưa có nhiều biện pháp kỹ thuật áp dụng trong mô hình tôm - lúa. Đặc biệt, là ngày càng bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và biến động thời tiết.
Cùng với đó, chưa kiểm soát chặt chẽ vật tư đầu vào; chưa có nhiều liên kết tiêu thụ sản phẩm cho cả tôm và lúa; việc áp dụng các hệ thống chứng nhận bền vững, hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn do tập quán canh tác của người dân còn chưa được cải thiện…
Một số chuyên gia khác lại cho rằng, để sản xuất được tôm - lúa hữu cơ là cả một quá trình. Trong mô hình tôm - lúa, muốn có tôm hữu cơ thì phải có lúa hữu cơ. Trong khi hiện nay, tôm hữu cơ chỉ được chứng nhận cho tôm sú, mà chỉ có ở mô hình tôm - rừng tại Cà Mau.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, nếu áp dụng các giải pháp công nghệ nuôi tiên tiến, phù hợp sẽ nâng cao năng suất, sản lượng tôm, lúa sẽ mở ra bước phát triển ổn định, bền vững và thân thiện môi trường của mô hình này, trực tiếp mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân…
ĐBSCL có nhiều thuận lợi, lợi thế để phát triển mô hình tôm - lúa. Trong khi hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển mô hình tôm - lúa cũng là cách thích ứng với biến đổi khí hậu.
Do vậy, các bộ ngành, chính quyền các tỉnh, thành ở ĐBSCL cần nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, có chiến lược phát triển dài hơi, từ đó biến khó khăn, thách thức thành thắng lợi mang lại giá trị kinh tế cao.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…