Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 15 tháng 5 năm 2022 | 21:44

ĐBSCL triển khai các giải pháp ứng phó với giá phân bón tăng cao

Hiện, giá phân bón tăng cao chưa từng có trong 50 năm qua đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Là vựa lúa, vựa cây ăn quả lớn nhất nước, nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL triển khai nhiều giải pháp để ứng phó giá phân bón tăng phi mã.

Phân bón tăng cao nông dân gặp khó

Tại các tỉnh ĐBSCL tháng 4 vừa qua, giá các loại phân bón đều tăng 1.000 - 1.900 đồng/kg, so với tháng trước. Đây là đợt tăng thứ 4 liên tiếp. Giá bán lẻ phân DAP Trung Quốc hiện đã lên tới 1,3 triệu đồng/bao, phân DAP nội địa là 1,1 triệu đồng/bao, phân kali 975.000 đồng/bao, phân urê 910.000 đồng/bao...

Với chi phí cho phân bón chiếm từ 30 - 50% giá trị đầu vào của sản xuất nông nghiệp, việc giá phân bón tăng cao đã tác động trực tiếp đến giá thành các sản phẩm. Đặc biệt, từ sau Tết nguyên đán tới nay, giá các vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp đồng loạt tăng mạnh, trong khi, giá cả một số loại nông sản lại giảm, làm sản xuất nông nghiệp tại các địa phương khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đang phải gồng mình gánh lỗ khi thị trường tiêu thụ bấp bênh.

Tỉnh Tiền Giang có diện tích cây ăn trái lớn nhất cả nước, việc giá phân bón tăng cao đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, thu nhập của nhà vườn. Người trồng cây thanh long ở đây đang bị thiệt hại kép khi giá cả đầu ra sụt giảm trong khí đó phân bón thì liên tục tăng. Trước thực trạng này nhiều nhà vườn muốn phá bỏ vườn cây thanh long trước áp lực về phân bón.

Ông Lê Văn Lập, nhà vườn ở xã Tân Thuận Bình (Chợ Gạo, Tiền Giang) cho biết, giá thanh long không theo nổi giá phân bón, kho mua giá bình quân từ 5.000 đồng - 6.000 đồng/kg. So với giá phân bón này thì không có lãi, lỗ nặng. Nói chung giá thanh long so với giá phân hiện nay dưới 10.000 đồng/kg thì từ hoà vốn cho đến lỗ, giá 15.000 đồng thì có lãi chút đỉnh. Bây giờ dân phá vườn quá nhiều. Do ảnh hưởng của tình hình thế giới, bây giờ làm sao phải ổn định tình hình giá phân bón chứ kiểu này thì thua.

 

 Giá phân bón tăng cao kỷ lục đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân. 
 

An Giang là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất khu vực ĐBSCL, mặc dù vụ đông-xuân vừa qua, việc sản xuất lúa tương đối thuận lợi về thời tiết, tình hình dịch bệnh không nhiều, năng xuất lúa đạt khá cao. Tuy nhiên, do giá lúa thấp, giá vật tư nông nghiệp lại tăng cao, nên lợi nhuận không cao, thậm chí là lỗ. Với vụ lúa hè-thu năm nay, những chi phí đầu vào rất cao đang đè nặng lên đôi vai người nông dân, kể cả những hộ dân có diện tích lúa sản xuất có liên kết hợp đồng bao tiêu.

Ông Lê Văn Á, ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang chia sẻ, giá lúa vụ đông-xuân năm nay rẻ hơn năm ngoái nhưng giá phân bón nó lại cao gấp mấy lần, do vậy, nông dân làm lúa rất khó có lời. Vụ này rất lo vì giá phân cao quá, đối với nông dân có ruộng thì phải làm thôi, chứ bỏ ruộng thì không dám bỏ. Ước mong sau này giá lúa cao lại, giá phân giảm lại thì nông dân mới có lời.

Ông Nguyễn Trường Lợi, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Tịnh Biên (An Giang) cho biết, do giá phân bón hiện tại vẫn ở mức cao nên so với các năm trước sức mua nhiều loại phân bón tại cửa hàng đã giảm mạnh. Giá phân bón tăng cao trong khi giá nhiều loại nông sản trồi sụt thất thường, làm cho nhiều nông dân thua lỗ nặng. Điều này dẫn tới việc cửa hàng khó thu hồi các khoản tiền nông dân mua nợ phân bón từ đầu vụ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ thông tin, hiện giá phân bón NPK 20-20-15 Đầu Trâu tăng 30% so với vụ hè thu 2021; NPK 16-16-8 Việt Nhật, tăng 37%; Urea Phú Mỹ, Kali Canada tăng 45%; DAP xanh tăng 36%. Nhiều loại phân bón khác sản xuất trong nước và nhập khẩu giá cũng tăng cao. Giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật thì tăng từ 10 đến 12%. Năm 2021, bình quân người dân tốn khoảng 5 triệu tiền phân bón cho 1ha trồng lúa thì nay phải chi đến gần 8 triệu đồng.

Phân Urea cùng kỳ năm ngoái hiện giờ cao hơn gấp đôi, năm ngoái giá phân khoảng 450.000 đồng/bao, năm nay lên 900.000 đến hơn 900.000 đồng/bao, lên một gấp đôi giá so với cùng kỳ năm ngoái. Về phân DAP cũng cao trên 50%, các mặt hàng khác cũng vậy, còn mặt hàng thuốc lên khoảng từ 25 đến 30% so với cùng kỳ.

Nhiều giải pháp giảm chi phí

Để giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, nhất là phân bón, vài năm trở lại đây, ngành nông nghiệp các địa phương trong khu vực ĐBSCL đã phối hợp với các Viện, trường, doanh nghiệp để nghiên cứu, đưa ra các giải pháp trong sản xuất nông nghiệp; thay đổi phương thức canh tác, giảm lượng phân bón…nhưng vẫn giữ được chất lượng hạt và năng suất lúa. Đồng thời, giúp nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng bón phân cân đối, giúp giảm chi phí, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Ông Đinh Văn Chiêu, một người trồng lúa tại thành phố Cần Thơ cho biết, trước thực trạng giá phân bón tăng, nông dân buộc phải thay đổi biện pháp canh tác theo hướng an toàn để giảm giá thành từ giống, phân bón và thuốc trừ sâu. Nếu như trước đây người dân canh tác lúa sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều thì nay người dân thay đổi tư duy chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ.

 

 Theo ông Đinh Văn Chiêu,trước thực trạng giá phân bón tăng, nông dân buộc phải thay đổi biện pháp canh tác theo hướng an toàn để giảm giá thành từ giống, phân bón và thuốc trừ sâu (ảnh: VOV).

 

Theo ông Chiêu, lợi nhuận thấy rõ nhất là giảm được lượng giống gieo sạ, chính việc sạ thưa nên lượng phân bón đã giảm, sâu bệnh cũng ít giảm được chi phí khoảng vài trăm ngàn đồng so với canh tác lúa truyền thống như trước đây, tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường, sản xuất ra lúa an toàn.

Hay phương pháp “Xạ cụm lúa theo hàng, kết hợp bón vùi phân và phun thuốc diệt cỏ mầm” là một phương pháp canh tác sản xuất lúa hiệu quả đã và đang được khuyến cáo và nhân rộng trên địa bàn tỉnh An Giang. Đặc biệt, việc bón vùi sâu phân đạm đã làm giảm sự bốc hơi của phân, không giảm bớt đi thành phần dinh dưỡng, gia tăng hấp thụ phân bón, tăng hiệu suất sử dụng phân của cây lúa.

Anh Nguyễn Ngọc Thành, một nông dân ở thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang là người đã thực hiện phương pháp này tâm sự, mô hình này giúp giảm được lượng giống so với mình sản xuất kiểu truyền thống. Diện tích 1ha, mình chỉ sử dụng 65kg lúa giống trong khi sản xuất theo kiểu truyền thống phải sử dụng từ 180kg đến 200kg lúa giống. Mật độ sạ thưa thì cây lúa mình phát triển tốt, chồi lúa nó khỏe mạnh, hạn chế đổ ngã…Mình tiết kiệm được chi phí sản xuất như: chi phí xịt thuốc, xạ phân và cả xạ giống nữa. 1ha thì mình tiết kiệm được từ một triệu rưỡi đến hai triệu đồng.

Ngoài các biện pháp tiết kiệm phân, bón phân đúng kỹ thuật, một số nông dân và các nhà vườn tại các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL còn sử dụng phân hữu cơ, phân gia súc gia cầm đã được xử lý hoại mục thay thế phân bón hóa học. Ông Võ Thanh Nhàn, nhà vườn ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre có sáng kiến nuôi gà trên mặt ao, tận dụng phân gà cho cá ăn. Sau đó lấy nước trong ao tưới cây và bùn ở đáy ao bón cho cây. Nhờ vậy mà vườn bưởi da xanh của ông tươi tốt, không sử dụng phân hóa học.

 

 Xạ cụm lúa theo hàng, kết hợp bón vùi phân và phun thuốc diệt cỏ mầm để giảm chi phí đầu vào (Ảnh: VOV).

 

Ông Nhàn tâm sự, mô hình này tôi đã nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ sinh học mà nước ngoài đã áp dụng lâu rồi. Miếng vườn này khi phá ra trồng thì mình đào ao nuôi cá trước, rồi nuôi gà, trồng cây lấy nước tưới. Miếng vườn này trên 2.000m2 nếu bà con bón phân mỗi năm mất vài chục triệu đồng nhưng tôi chỉ mất 2-3 triệu thôi, không sử dụng thuốc trừ sâu. Phân nếu bón thì chỉ bón phân trùn quế, vì con trùng làm tơi xốp đất. Mô hình này tiết kiệm phân bón, tiết kiệm nhân công đủ thứ luôn. Mình trồng sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ, sản xuất lúa hữu cơ không chỉ giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người dân hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Đồng thời, nông dân nên chọn các loại phân bón có uy tín và chất lượng để giảm bớt tốn kém mà hiệu quả lại cao; sử dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ và bón theo từng thời điểm, từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Sản xuất lúa mình có lượng thực phẩm là rơm, rạ, thì mình lấy rơm, rạ đó phun các loại nấm để cho phân hủy theo hướng hữu cơ; sau đó bón lại cho rau màu, cây ăn quả, như vậy là tiết kiệm được một phần chi phí phân bón nữa.

Để bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho diện tích sản xuất nông nghiệp trước tình hình “bão giá” phân bón, ngành nông nghiệp và các địa phương còn khuyến khích nông dân đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất; hình thành các cánh đồng lớn để có điều kiện cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nông dân nâng cao được lợi nhuận nhờ giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Ngoài ra, việc liên kết sản xuất, nông dân còn có điều kiện gieo sạ tập trung, đồng loạt trên một cánh đồng giúp dễ quản lý sâu bệnh và áp dụng đồng bộ các gói kỹ thuật tiên tiến như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái… để giảm chi phí tiền giống, phân bón, thuốc BVTV và công chăm sóc.

Trong lúc giá phân bón, vật tư nông nghiệp đang tăng cao, bện cạnh những giải pháp người dân tự thực hiện, thiết nghĩ các cơ quan chức năng ở ĐBSCL cần chủ động xây dựng giải pháp pháp hướng dẫn người dân áp dụng từ đó giảm được chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, để người nông dân có nhiều lợi nhuận hơn từ sản xuất.

 

 

 

hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top