Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 11 tháng 8 năm 2018 | 15:33

Để chủ động hội nhập, Lào Cai tăng cường phát triển cây dược liệu

Triển khai Đề án Tái cơ cấu nông - lâm nghiệp giai đoạn 2015-2020, ngành Nông nghiệp Lào Cai và các địa phương tăng cường phát triển cây dược liệu, điều chỉnh các chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư có năng lực

Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”, một số doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất và kinh doanh dược liệu, theo các chuỗi sản xuất, từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản, chế biến thành sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường tiêu thụ, từng bước khẳng định thương hiệu dược liệu Lào Cai, góp phần tăng thu nhập, tạo vùng sản xuất hàng hóa, chủ động, tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế.

thu-tuong.JPG
Đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu trong một lần tới thăm nhà máy của doanh nghiệp sản xuất dược liệu tại Lào Cai.

 

Khuyến khích phát triển cây dược liệu

“Hội nhập quốc tế” (International integration) là thuật ngữ được dùng phổ biến hiện nay, thường được hiểu là quá trình tiến hành các hoạt động tăng cường sự gắn bó giữa các nước với nhau, dựa trên sự chia sẻ về lợi ích, mục tiêu, nguồn lực..., tuân thủ các nguyên tắc chung trong khuôn khổ quốc tế.

Tại Lào Cai, vùng cao biên giới của đất nước, hội nhập quốc tế trong ngành Nông nghiệp cũng là tất yếu, là đặc trưng trong xu thế hiện nay; điều này sẽ đem tới nhiều cơ hội đan xen thách thức.

Lào Cai được biết đến có nhiều khu vực núi cao, địa hình chia cắt và phân bố cao thấp khác nhau, điều kiện khí hậu đa dạng từ nhiệt đới đến á nhiệt đới; được biết đến với nhiều loại cây dược liệu quý số lượng hàng trăm loài, có sâm quý hiếm giá trị y dược cao mọc trên dãy Hoàng Liên Sơn, như: Bình vôi, tam thất hoang, chè dây, giảo cổ lam, đỗ trọng… Một số loài dược liệu hoang dã được người dân Lào Cai thuần hóa gắn bó từ nhiều năm nay, là cây trồng quen thuộc với những kinh nghiệm chăm sóc và thu hái sản phẩm. Tuy nhiên, bởi quá trình khai thác quá mức ngoài tự nhiên và việc nhân giống gieo trồng chưa đáp ứng nhu cầu, nên nhiều loài dược liệu quý đã bị cạn kiệt và hiện nay  nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Để khai thác tiềm năng của địa phương, ngành Nông nghiệp Lào Cai chủ động đề xuất tổ chức phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Cuối năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, đến năm 2020, tỉnh sẽ ưu tiên quy hoạch phát triển 10 chủng loại cây dược liệu đầu vị thuốc Bắc có thế mạnh về thị trường tiêu thụ, trên cơ sở khai thác các điều kiện của các tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới và rừng tự nhiên, với tổng diện tích 1.200 ha.

Đến năm 2030, mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh lên 22 chủng loại chính, với diện tích 3.799ha, 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO).

Đến năm 2030, sẽ có 12 cơ sở thu gom, sơ chế và bảo quản dược liệu, với diện tích từ 500 đến 1.000 m2/khu sơ chế, 3 cơ sở chế biến sản phẩm dược liệu tại huyện Sa Pa, Bắc Hà và thành phố Lào Cai; sản lượng cây dược liệu hàng hóa đạt từ 4.500 tấn đến 5.000 tấn sản phẩm (năm 2020) và từ 11.000 tấn đến 11.500 tấn sản phẩm (năm 2030).

Bên cạnh việc quy hoạch phát triển ngành dược liệu, tỉnh Lào Cai cũng ban hành một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đầu tư vào sản xuất dược liệu, như: miễn giảm, hỗ trợ tiền thuê đất và hỗ trợ kinh phí cải tạo đồng ruộng, hỗ trợ đào tạo…

 Ngoài ra, trong Đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”, tỉnh đã quy hoạch mở rộng diện tích trồng cây dược liệu ứng dụng quy trình sản xuất công nghệ cao 350ha tại các huyện: Bát Xát (80ha), Bắc Hà (50ha), Sa Pa (65ha), Si Ma Cai (45ha), Mường Khương (65ha), Văn Bàn (45ha). Các loại cây dược liệu được trồng chủ yếu như: Đương Quy, Xuyên Khung, Actiso, Đan sâm, Tam thất…

Lào Cai cũng khuyến khích nông dân các huyện chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất sẵn có, lồng ghép các chương trình mục tiêu như nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135... để hỗ trợ nguồn lực phát triển mở rộng diện tích trồng dược liệu. 

 

cham-cay1.jpg
Người dân huyện Si Ma Cai chăm sóc cây tam thất.

 

Doanh nghiệp đặt hàng nông dân

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã hình thành vùng trồng hàng hóa theo nhu cầu đặt hàng của các công ty sản xuất, kinh doanh dược liệu đóng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Điển hình như trồng actiso và chè dây tại Sa Pa, Bắc Hà; xuyên khung tại Bát Xát; đương quy tại Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai; ý dĩ tại Si Ma Cai, Bắc Hà; sa nhân tím tại Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn và Bảo Yên. Đã có hơn 2.500 gia đình tại 6 huyện Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn chuyển sang trồng cây dược liệu, diện tích khoảng 1.000ha. Hàng trăm buổi tập huấn đã được tổ chức, giúp nâng cao thu nhập từ dược liệu lên đến 120-150 triệu đồng/ha. Còn về đầu ra, hiện đã có sáu doanh nghiệp đứng ra tiêu thụ toàn bộ dược liệu (Công ty cổ phần Traphaco Sa Pa, Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam, Công ty Nam Dược, Công ty TNHH Tài Nguyên Xanh, Công ty TNHH Tâm Phát Green, Công ty cổ phần Dược liệu xuyên Việt). Các doanh nghiệp đều cam kết ghi rõ trong hợp đồng là thu mua dược liệu lâu dài. Giá ổn định, đảm bảo giá trị trên đơn vị canh tác đạt từ 120 triệu đồng/ha, cá biệt có loại dược liệu đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm, người trồng có lãi trên 40%. 

Từ nguồn nguyên liệu của Lào Cai, Công ty cổ phần Traphaco Sa Pa đã sản xuất, cung ứng ra thị trường các sản phẩm hàng hóa như: Trà phun sương actiso, trà dây leo Sa Pa, trà túi lọc giảo cổ lam,... Công ty Nam Dược có sản phẩm: Thuốc ho bổ phế, viên ngậm, cảm ích nhi, thông xoang tán, hoạt huyết dưỡng não được tách chiết từ cây cát cánh, đan sâm và bạch chỉ. Công ty cổ phần Dược liệu Việt Nam với sản phẩm giảm đau xương khớp Boskaba được tách chiết từ cây xuyên khung, sản phẩm bổ não Citi-boot được tách chiết từ cây đương quy,... Ngoài ra, các công ty này còn cung cấp số lượng lớn sản phẩm dược liệu sơ chế, cho các cơ sở, viện y học cổ truyền để làm thuốc y học cổ truyền như: Ý dĩ, bạch truật, xuyên khung, cát cánh, đan sâm, tam thất, bạch chỉ,...

tra-actiso.jpg
Sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất dược liệu tại Lào Cai. Ảnh: 247Shop

 

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa (Sapanapro) xây dựng thương hiệu thuốc tắm người Dao, cổ đông là hơn 60 hộ người Dao ở xã Tả Phìn (huyện Sa Pa) góp vốn, góp đất hoặc góp vùng trồng nguyên liệu cây thuốc tắm... cùng kinh doanh. Công ty đã cho ra thị trường các sản phẩm độc đáo như: cao thuốc tắm, sữa tắm dược liệu... với doanh thu đạt gần 10 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 60 lao động, hơn 300 hộ nông dân gián tiếp hưởng lợi từ việc bán dược liệu; những sản phẩm này đã theo chân khách du lịch quốc tế đến với khu du lịch quốc gia Sa Pa đi các nước trên thế giới. Các sản phẩm dược liệu hàng hóa đều có truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch lưu thông trên thị trường.

Công ty cổ phần Dược phẩm Việt Nam, Công ty cổ phần Thương mại Hùng Dũng... cũng đang liên kết với nông dân các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai... trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế như: tam thất, đương quy, chè dây, bạch truật, cát cánh, đẳng sâm... dưới tán rừng theo hướng trồng bổ sung cây dược liệu kết hợp tăng tỷ trọng diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng. Điều này giúp củng cố và phát triển thị trường dược liệu trong nước, phát huy nội lực, góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ.

vung-duoc-lieu.jpg
Một góc vùng trồng dược liệu tại Bắc Hà. Ảnh: CTDLVN

 

Liên kết hình thành vùng sản xuất dược liệu trọng điểm

Trong xu thế hội nhập, để phát triển bền vững và từng bước giữ vững được thương hiệu của nông sản Lào Cai, thời gian tới, Lào Cai sẽ thực hiện Nghị định 57/NĐ-CP và Nghị định 65/NĐ-CP của Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù với nhiều ưu đãi hơn nữa nhằm thu hút các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, người dân tham gia đầu tư vào phát triển nuôi trồng dược liệu, theo quy chuẩn đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chú trọng khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến, bằng giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ quản trị, để tạo ra các sản phẩm làm nguyên liệu chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng và phát triển các cây trồng mới cũng như chất lượng dược liệu, hiệu quả kinh tế thực sự tương xứng với tiềm năng; không chỉ từng bước đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước mà có thể vươn ra thế giới. Bên cạnh đó, Lào Cai sẽ tiếp tục phát triển mạnh các tổ hợp tác, hợp tác xã, đổi mới hình thức liên kết sản xuất, tích tụ đất đai để tạo ra các vùng sản xuất dược liệu tập trung có quy mô. 

Theo định hướng của ngành Nông nghiệp, Lào Cai sẽ phát triển cây dược liệu thành vùng hàng hóa gắn với phát triển du lịch; tiếp tục lựa chọn doanh nghiệp trở thành đối tác phát triển, sản xuất theo cơ chế doanh nghiệp đặt hàng, đảm bảo đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho người trồng. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với 2 tỉnh Hà Giang và Lai Châu để tạo thành vùng liên kết sản xuất dược liệu trọng điểm tại Việt Nam, góp phần chủ động, tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế./.

 Nguyễn Anh Tuấn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai

 

Ý kiến bạn đọc
Top