Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 9 năm 2017 | 1:16

Để hạn chế nhập khẩu ngô: Cần xây dựng chuỗi ngành hàng chặt chẽ

Cả nước hiện có khoảng 1 triệu hecta, năng suất trung bình 4,6 tấn/ha. Hàng năm, Việt Nam phải bỏ ra hơn 1,6 tỷ USD để nhập khẩu 8,3 triệu tấn ngô phục vụ nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước.

Những năm tới, diện tích trồng ngô có thể giảm xuống dưới 1 triệu hecta, điều này đồng nghĩa chúng ta tiếp tục phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu.

Ứng dụng công nghệ sinh học giúp năng suất, chất lượng ngô vượt trội.

Khó tăng diện tích

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), ở Việt Nam, ngô là cây lương thực có vị trí quan trọng sau cây lúa. Hiện, diện tích trồng ngô cả nước khoảng hơn 1 triệu hecta (chiếm 0,65% diện tích ngô toàn thế giới; 1,94% diện tích ngô châu Á; 11,6% diện tích ngô khu vực Đông Nam Á). Việt Nam đứng thứ 24/166 nước trồng ngô trên thế giới; năng suất trung bình 4,6 tấn/ha, trong đó vùng Trung du miền núi phía Bắc có diện tích đất trồng ngô lớn nhất (474.000ha, chiếm 45,81%).

Theo ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện nay, tỷ lệ sử dụng giống ngô lai trong sản xuất đạt gần như tuyệt đối (100% diện tích gieo trồng) với khoảng 50 giống. Hàng năm, tổng lượng hạt giống ngô cung cấp cho sản xuất khoảng 20.000 tấn. Kể từ năm 2014, Việt Nam chính thức chấp nhận ứng dụng ngô chuyển gen (GMO). Tính đến hết tháng 6/2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công nhận đặc cách tổng cộng 16 giống ngô biến đổi gen. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, diện tích ngô hầu như không tăng.

Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích ngô lớn. Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh, ngô được coi là loại cây trồng chính, diện tích gieo trồng hàng năm  chiếm trên 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. 

Theo ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La: “Diện tích ngô 6 tháng đầu năm 2017 đạt 138.164ha, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trên 80% sản lượng ngô hàng năm được các hộ nông dân và các doanh nghiệp thu mua, sấy bảo quản và trở thành sản phẩm hàng hóa được thu gom bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc ở ngoài tỉnh, còn lại phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân. Dù có nhiều thuận lợi song việc phát triển ngô tại tỉnh đang gặp không ít khó khăn”.

Diện tích đất trồng ngô ở Sơn La phần lớn là đất đồi có độ dốc cao, hiện tượng xói mòn, rửa trôi, thoái hoá đất rất lớn là nguy cơ làm giảm dần năng suất, giảm hiệu quả trong sản xuất ngô. Đặc biệt, khâu thu hoạch và bảo quản ngô chưa được quan tâm đúng mức, làm giảm chất lượng sản phẩm ngô sau thu hoạch. Hiện tại, Sơn La chưa có cơ sở nào chế biến các sản phẩm từ ngô, mà chủ yếu là xuất ngô hạt đi tỉnh khác.

Đề xuất giải pháp phát triển sản xuất ngô bền vững trong thời gian tới, ông Dương Gia Định cho rằng: “Để nâng cao giá trị kinh tế của sản xuất ngô, cần có sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương trong việc đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ giới hóa trong canh tác như làm đất, thu hoạch, sơ chế. Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp sản xuất ngô giống cần đầu tư nghiên cứu đưa vào sản xuất các giống ngô mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chịu hạn, có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp vào cuộc giúp tiêu thụ sản phẩm ngô”. 

Chi 1,6 tỷ USD/năm để nhập khẩu ngô

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, 7 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu ngô đạt 4,13 triệu tấn, trị giá 825 triệu USD, tăng 9% về khối lượng và tăng hơn 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Việt Nam là 1 trong 10 nước tiêu thụ nhiều ngô trên thế giới. Năm 2016, nước ta chi 1,6 tỷ USD để nhập khẩu 8,3 triệu tấn ngô. “Đó chính là mâu thuẫn nội tại của ngành trồng trọt, khi mà gạo xuất khẩu ngày một khó khăn, còn ngô thì nhập gần như chiếm già nửa về giá so với giá trị xuất khẩu gạo”, ông Trần Xuân Định thừa nhận.

Theo dự báo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD), nhu cầu về thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đến năm 2020 sẽ cần khoảng 9 triệu tấn ngô và sản xuất trong nước vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Nếu không sớm có phương án để chủ động tốt hơn cho sản xuất ngô nội địa, Việt Nam sẽ gặp khó theo xu hướng này.

Hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh

Bài toán của Việt Nam và nhiều nước trồng ngô khác hiện nay là, cần tăng năng suất trên diện tích sẵn có để gia tăng sản lượng.

Theo Cục Trồng trọt, dự kiến đến năm 2020, cả nước gieo trồng 1,16-1,26 triệu hecta ngô, phân bổ ở các vùng như Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu, trên cơ sở quy hoạch sản xuất ngô toàn quốc, các tỉnh, thành phố rà soát quy hoạch sản xuất ngô trên địa bàn; phương án quy hoạch cần gắn chặt sản xuất với thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngô.

Chọn tạo những giống ngô lai năng suất, chất lượng cao, kháng sâu; giống lai chịu lạnh, hạn, úng, phèn...; giống có hàm lượng protein cao, sinh khối lớn phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi; giống ngô thực phẩm (ngô đường, ngô nếp...) nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất.

Khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi liên kết với nông dân/HTX sản xuất, thu mua ngô tươi tại các vùng sản xuất tập trung để sấy đạt độ ẩm tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp/tổ chức/HTX/cá nhân đầu tư hệ thống sấy ngô cho nông dân tại các vùng sản xuất tập trung.

Riêng về đầu ra cho sản phẩm, theo ông Trần Xuân Định, hiện nay, sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40-45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sản xuất ngô trong nước tiếp tục hướng vào thị trường nội địa. Vấn đề cần đặt ra đối với sản xuất ngô trong thời gian tới là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh với ngô nhập khẩu.

Vân Nhi

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top