Là quốc gia định hướng xuất khẩu, nhưng là xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dưới dạng chế biến còn ít, do đó chúng ta cần tuân thủ đầy đủ các quy định về truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ việc tuân thủ các quy định này.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông nghiệp Việt sẽ tạo tiền đề và cơ sở thúc đẩy các sản phẩm nông sản đặc sản phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, góp phần nâng cao vị thế và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý: Còn ít
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng trong quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại các nước, đặc biệt là những thị trường trọng điểm, có giá trị kinh tế cao rất quan trọng và cần thiết.
Năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT-Bộ Khoa học và Công nghệ) tiếp nhận 10 đơn đăng ký, 02 đơn yêu cầu sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và cấp 12 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, trong đó có 01 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Khác với những năm trước đây, các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý trong năm 2021 đã đa dạng hơn về chủng loại; trong đó sản phẩm thủy - hải sản chiếm ưu thế với tỷ lệ 41,7% (bao gồm cua biển Bến Tre, tôm càng xanh Bến Tre, cá bỗng Hà Giang, tôm sú Cà Mau và ốc hương Khánh Hòa); các sản phẩm chế biến chiếm 33,3% (bao gồm chè Shan tuyết Na Hang, miến dong Bắc Kạn, tiêu Đắk Nông và chè Shan Phình Hồ); 16,7% còn lại là trái cây và dược liệu (bao gồm bưởi Soi Hà và sâm nam Núi Dành).
Đặc biệt, năm 2021, Việt Nam bảo hộ thêm 01 chỉ dẫn địa lý cho Nhật Bản với sản phẩm quả hồng sấy khô Ichida, đây là một trong những kết quả thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục SHTT Việt Nam và Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản về cam kết thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý của hai nước.
Trong số đó, phần lớn các tổ chức nộp đơn đăng ký và quản lý các chỉ dẫn địa lý vẫn là các cơ quan nhà nước, bao gồm UBND cấp tỉnh/huyện, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ (10/12 chỉ dẫn địa lý). Chỉ có 01/12 chỉ dẫn địa lý do hội nghề nghiệp nộp đơn và quản lý (chỉ dẫn địa lý ốc hương Khánh Hòa của Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa).
Bắt tay bảo hộ chỉ dẫn nông sản Việt
Luật sư Nguyễn Bá Hội, thành viên tham gia dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho ba sản phẩm Việt: vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, hai bên khẳng định nỗ lực tạo các thuận lợi về thủ tục cho phép xuất khẩu cam, quýt của Nhật Bản vào Việt Nam và quả vải, nhãn của Việt Nam vào Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Theo Khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019): Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Nó có thể là những từ ngữ, tên gọi, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh được sử dụng để chỉ ra rằng sản phẩm có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc đặc tính khác của loại hàng hóa này có được chủ yếu do nguồn gốc địa lý tạo nên. |
Việc chia sẻ và hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ chỉ dẫn địa lý là tiền đề, cơ sở hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mở rộng thị trường, bảo vệ danh tiếng và giá trị sản phẩm truyền thống của mỗi quốc gia.
Với định hướng trên, từ ngày 2/6/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ giao Cục SHTT và Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) giao Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB) ký Bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và Nhật Bản với 3 nội dung chiến lược gồm: thúc đẩy việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở hai quốc gia; trao đổi thông tin về chính sách bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tăng cường nhận thức công chúng về chỉ dẫn địa lý.
Thực hiện Bản ghi nhớ, Việt Nam đã lựa chọn một số sản phẩm đặc thù, có thế mạnh để đăng ký thử nghiệm, gồm: vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và càphê Buôn Ma Thuột.
Ba sản phẩm này được phê duyệt dự án đặt hàng thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020. Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 8/2018 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2019, tuy nhiên, do sự khác biệt về quy định của pháp luật và quy trình xét nghiệm của Nhật Bản, dự án phải gia hạn lần thứ 4 và kết thúc sau 3 năm (tháng 6/2021).
Sau gần hai năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ ba chỉ dẫn địa lý, ngày 12/3/2021, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên trong ba sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Thực tế, khi vải thiều Lục Ngạn được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam, giá trị quả vải tăng cao, thị trường xuất khẩu mở rộng, trong đó có Nhật Bản, nhưng phải gắn tên của đơn vị cung cấp sản phẩm phía Nhật Bản trong quá trình tiêu thụ.
Do đó, với việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, chỉ dẫn địa lý “vải thiều Lục Ngạn” được gắn lên các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, giá trị gia tăng của sản phẩm cao hơn, cơ hội được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn hơn.
Gỡ “nút thắt” trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài
Qua thực tế thực hiện Bản ghi nhớ Việt Nam - Nhật Bản về chỉ dẫn đại lý thấy, thời gian đăng ký chỉ dẫn địa lý bị kéo dài do gặp rất nhiều khó khăn bởi sự khác biệt về pháp luật trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và Nhật Bản; khả năng vận hành của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý yếu; tài chính và các nguồn lực khác...
Bảo hộ chỉ dẫn đại lý góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, là động lực cải thiện nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản địa phương, đồng thời còn giúp đảm bảo quyền và lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Là một yêu cầu của phát triển nông nghiệp bền vững. |
Đáng chú ý, Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về vải thiều Lục Ngạn, thiếu các tài liệu có cơ sở khoa học nghiên cứu đặc tính của sản phẩm, do đó, đáp ứng chậm các yêu cầu từ phía Nhật Bản.
Bên cạnh đó, phần lớn các nghiên cứu về cây vải ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào kỹ thuật canh tác, giống, phương pháp bảo quản... mà ít có nghiên cứu sâu về quả vải.
Do đó, Việt Nam bị động khi phía Nhật Bản đề nghị chứng minh cơ sở khoa học “vị ngọt đậm” của quả vải, những yếu tố mang lại độ ngọt đó như: thổ nhưỡng, khí hậu, hay quy trình sản xuất. Ngoài ra, dữ liệu về đặc tính sản phẩm không được cập nhật thường xuyên, các nghiên cứu về điều kiện địa lý tự nhiên còn rời rạc, không thống nhất. Hoạt động sản xuất nhiều khi không đúng với phương pháp sản xuất đã tuyên bố trong hồ sơ đăng ký.
Từ thực tiễn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản thấy, việc thiếu các nghiên cứu khoa học, tài liệu, cơ sở khoa học, thực hành sản xuất không đồng đều, sự khác biệt về pháp luật... đã kéo dài thời gian cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, vì vậy, cần sớm gỡ “nút thắt” và phổ biến cho các địa phương để có sự chuẩn bị tốt nhất trong đăng ký chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, thúc đẩy việc xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.
Không quan tâm đến bảo hộ SHTT, doanh nghiệp sẽ đánh mất cơ hội
Theo đại diện Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục SHTT), bảo hộ chỉ dẫn địa lý mở ra cánh cửa đầu tiên cho tiêu thụ và gia tăng giá trị chuỗi nông sản.
Việc tăng cường kiểm soát chất lượng là điều cần thiết để phát huy giá trị của những sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhất là trong bối cảnh tiêu chuẩn của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ngày càng cao.
Điều này đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên khác nhau. Trong đó, đối tượng gắn bó với sử dụng chỉ dẫn địa lý trong thực tế gồm các nhà sản xuất, hộ kinh doanh,… sẽ trực tiếp thực hiện các hoạt động quản lý nội bộ. Nhà nước đóng vai trò điều phối chung trong hoạt động quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý.
Để các bên chủ động hơn, cần cụ thể hóa quy định trao quyền quản lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra, các chính sách cần tập trung nâng cao năng lực cho các tổ chức tập thể, các tổ chức đại diện cho cộng đồng dân cư, các nhà kinh doanh,… chứ không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ. Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan đến quá trình sản xuất và thương mại các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy gia tăng thương mại, xuất - nhập khẩu hàng hóa, nếu không quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền SHTT, doanh nghiệp sẽ tự đánh mất đi nhiều cơ hội phát triển, mất cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, đối mặt với rủi ro về mặt pháp lý…
Theo các chuyên gia, để không bị mất thương hiệu và nhãn hiệu của mình, các doanh nghiệp Việt phải chủ động rà soát và đăng ký sớm các quyền SHTT ở các thị trường nước ngoài. Đặc biệt, cần lưu ý bảo hộ: nhãn hiệu, thương hiệu, kiểu dáng, sáng chế, giải pháp hữu ích. Khi phát hiện quyền SHTT của mình bị mất, cần nhanh chóng nghiên cứu thu thập chứng cứ, nộp đơn phản đối, hủy bỏ hoặc đình chỉ hiệu lực quyền SHTT.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có giải pháp tổng thể tuyên truyền, hỗ trợ về thông tin, pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa về vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu/thương hiệu nói riêng và bảo hộ quyền SHTT nói chung.
Ở khía cạnh khác, ThS. Vũ Xuân Trường, chuyên gia thương hiệu (Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh), đánh giá, Việt Nam đặt được nền móng ban đầu cho các thương hiệu nông sản nổi tiếng. Tuy nhiên, việc dựng xây và phát triển thương hiệu chưa làm được nhiều. Đặc biệt, việc bảo vệ thương hiệu nông sản ở Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập.
Ông Trường phân tích, để hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, ở cấp độ vĩ mô, từ năm 2003, Việt Nam đã có Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, đáng chú ý là, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá thờ ơ với chương trình này. Một số liệu thống kê cho thấy, có đến 80% số doanh nghiệp chỉ chi ra 5% doanh số cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Đó là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng các sản phẩm nông sản của Việt Nam dù có chất lượng cao nhưng vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở cả thị trường nội địa lẫn quốc tế.
Đừng thờ ơ với chỉ dẫn địa lý
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong 5 năm gần đây, số lượng chỉ dẫn địa lý của Việt Nam gia tăng nhanh, nhưng nhìn chung, nước ta chưa khai thác hết được tiềm năng và thế mạnh để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản Việt. Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các ngành Khoa học – Công nghệ, Nông nghiệp - PTNT và Công Thương ở một số địa phương đã làm cho quá trình tổ chức mô hình quản lý chỉ dẫn địa lý như một trách nhiệm của riêng ngành Khoa học – Công nghệ.
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí nhận định, trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hướng tới đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của thị trường quốc tế, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản được xác định là giải pháp quan trọng. Quy chế phối hợp giữa 3 bộ Khoa học – Công nghệ, Nông nghiệp - PTNT và Công Thương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để các bộ phối hợp, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ các chỉ dẫn địa lý phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của sản phẩm được bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế. Đặc biệt, sự phối hợp giữa 3 bộ sẽ phát huy được ưu thế về năng lực chuyên môn, nguồn lực con người và tài chính của từng bộ, đồng thời tạo ra sự thống nhất, bổ trợ lẫn nhau trong các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, việc phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý là vấn đề cấp thiết đối với ngành Nông nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, giá trị nông sản Việt. Hiện nay, ngay đối với thị trường trong nước và thế giới đều đặt vấn đề về “truy xuất nguồn gốc” nên việc đảm bảo yêu cầu chất lượng hàng hóa sản phẩm nông nghiệp rất quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thì cho rằng, không chỉ ngành Công Thương mà các ngành khác nếu làm tốt việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại giá trị gia tăng cho giá trị hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước và xuất khẩu; đồng thời, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới. Tuy nhiên, cần có sự tham gia tích cực và có tính chủ động của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. Các bộ ngành không thể làm thay mà chỉ hỗ trợ, đồng hành để các đối tượng đó làm tốt công việc và xây dựng chỉ dẫn địa lý đúng định hướng.
Đến nay, có 1096 sản phẩm nông sản (83,6%) và 215 sản phẩm nông thôn khác (16,4%) được bảo hộ. Đặc điểm của các sản phẩm được đăng ký bảo hộ là các sản phẩm đặc sản, tiểu thủ công nghiệp của các địa phương, sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, gắn với cộng đồng ở khu vực nông thôn. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.