Ở Sa Pa, những chậu địa lan dạng “khủng” còn rất ít và đang được các nhà vườn chào bán với giá 80 đến 100 triệu đồng/chậu.
Mặc dù còn cách Tết hơn nửa tháng nhưng theo các chủ vườn lan ở Sa Pa, đến thời điểm này họ đã bán gần hết địa lan (chủ yếu lan Trần Mộng).
Một số vườn đã không còn lan để cung cấp cho khách hàng và 70% lan ở các nhà vườn tại Quốc lộ 4D (đường nối thành phố Lào Cai đi Sa Pa) đều đã có người đặt mua từ cách đây cả tháng.
Anh Sùng A Chia (người Mông, 45 tuổi), kinh doanh địa lan từ năm 2007, chủ một nhà vườn địa lan Trần Mộng ở xã Tả Phìn, cho biết gần 700 chậu lan của gia đình đã bán gần hết. Khách hàng chủ yếu là đại lý hoa các tỉnh miền Bắc và một số công ty lớn. Nhiều đầu mối báo số lượng đặt hàng từ đầu năm. Căn cứ trên đơn hàng, anh Chia lên kế hoạch trồng lan để bảo đảm cuối năm không bị dư thừa nguồn cung.
Gia đình còn trồng thêm 70 chậu lan loại nhỏ để bán cho khách hàng lẻ. Dự kiến đến ngày 17 Âm lịch (tức 26/1/2016) cũng sẽ bán hết - anh Chia phấn khởi khoe.
Anh Lê Thành (52 tuổi, chủ một vườn lan khác tại Sa Pa) cũng cho hay từ đầu năm đến giờ gia đình anh đã bán 500 chậu địa lan lớn-nhỏ, bằng cả năm ngoái. Trong số đó, gần 50% khách hàng đặt trước, còn lại là khách vãng lai. Hiện trong vườn nhà anh vẫn còn 200 chậu nữa đang chúm chím hoa, dự tính sẽ nở đẹp vào đúng ngày Tết.
Ở Sa Pa, những chậu địa lan dạng “khủng” còn rất ít và đang được các nhà vườn chào bán với giá 80 đến 100 triệu đồng/chậu bởi hầu hết khách chơi lan sành sỏi đã lên “săn” hàng từ trước Tết Dương lịch. Nhiều khách hàng đã thất vọng và tiếc nuối bởi sau khi chọn được cây lan ưng ý mới phát hiện ra cây đã được đặt trước bằng dấu hiệu chữ ký trên thân chậu. Mặc dù có khách mê quá đã trả mức giá cao lên gấp nhiều lần nhưng chủ hàng vẫn nhất quyết không bán vì "giữ chữ tín" - anh Phạm Văn Trí, khách hàng đến từ tỉnh Hưng Yên cho biết.
Qua khảo sát cho thấy, so với năm ngoái, lan Sa Pa năm nay tiêu thụ mạnh hơn dù mức giá cao gấp đôi. Nhiều nhà vườn năm ngoái chỉ bán được những chậu to với 100-150 nhánh hoa, nhưng năm nay, các chậu nhỏ từ 10-40 nhánh lan cũng bán rất chạy.
Giá bán một chậu lan loại nhỏ khoảng 4 triệu đồng, loại trung bình từ 8-12 triệu đồng. Cá biệt, những chậu lớn, hoa đẹp được bán với giá từ 50-100 triệu đồng.
Ngoài các tiêu chí phân biệt lan đẹp, xấu, người dân còn định giá trực tiếp thông qua việc đếm nhánh lan lấy tiền. Trung bình, một nhánh hoa giá 400.000-500.000 đồng.
Nhắm tới khách hàng cao cấp, ngay từ đầu năm, một số chủ vườn đã trồng riêng các chậu lan loại lớn, chăm chút cẩn thận để cuối năm bán giá cao. Ước tính với tốc độ tiêu thụ như hiện nay, sau vụ lan này, mỗi nhà vườn sẽ thu về trên dưới 1 tỷ đồng. Còn những hộ trồng nhỏ, lẻ cũng có thể bỏ túi được trăm triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sa Pa, huyện cung ứng gần 10.000 chậu địa lan cho thị trường hoa Tết năm 2016, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa địa lan Trần Mộng Sa Pa được khách hàng cao cấp ở các thành phố lớn ưa thích vì đẹp, hương thơm độc đáo và đặc biệt hơn cả là hoa nở 2-3 tháng mới tàn. Hơn nữa, do thời tiết năm nay khá thuận lợi và các nhà vườn cũng đã kịp thời đưa các chậu địa lan chuẩn bị xuất bán từ thị trấn Sa Pa xuống vùng thấp ấm hơn để tránh rét hại ngay từ đầu mùa Đông nên hầu hết các chậu hoa thương phẩm đều đạt chất lượng cao./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.