Năm 2020, ngành nông nghiệp và PTNT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với nỗ lực lớn toàn ngành đã "gặt hái" được những kết quả đáng ghi nhận. Dưới đây Kinh tế nông thôn xin điểm 5 dấu ấn nổi bật nhất trong năm của ngành.
Bất chấp một năm khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dịch bệnh trên vật nuôi cây trồng phức tạp, biến đổi khí hậu, năm 2020 ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục cho thấy vai trò sống còn và là bệ đỡ quan trọng cho nền kinh tế.
Theo đó, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tác động đến đời sống kinh tế - xã hội làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu tiêu thụ nông sản; dịch tả lợn châu Phi giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên gây không ít khó khăn cho tăng đàn, tái đàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát khi tổng đàn đang rất lớn.
Lũ lụt hạn hán xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền, nhất là khu vực miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long; thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ hàng rào kỹ thuật.
Trong bối cảnh đó khó khăn, ngành NN&PTNT đã thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống tốt dịch bệnh...Nhờ vậy, năm 2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%.
Đối với chăn nuôi, số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT cho biết sản lượng thịt các loại năm 2020 đạt 5,27 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%. Trong khi đó, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8,4 triệu tấn, tăng 3,6% so với năm 2019.
Mục tiêu của ngành NN&PTNT trong năm 2021 phấn đấu tốc độ tăng trưởng khoảng 2,7-3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên 2,8-3,1%, trong đó trồng trọt tăng 1,3%, chăn nuôi tăng 5,7% và thủy sản tăng 3,8%.
Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục mới với 41,25 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước 18,54 tỷ USD, giảm 0,5%; thuỷ sản 8,47 tỷ USD, giảm 0,8%; lâm sản và đồ gỗ ước đạt trên 12,8 tỷ USD, tăng 13,4%.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đã tiếp tục duy trì được 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
Trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 8% so với cuối năm 2019); 173 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 61 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) và có 03 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên) đã được công nhận hoàn thành và 9 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2020, các địa phương đánh giá, phân hạng và công nhận 3.200 sản phẩm, vượt 800 sản phẩm so với kế hoạch đề ra. Hội đồng OCOP cấp quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng xem xét xếp hạng 43 sản phẩm 5 sao.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã tạo sự hưởng ứng lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các chủ thể sản xuất. Đến hết năm 2020, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án, kế hoạch OCOP cấp tỉnh. Số lượng địa phương tham gia, số lượng, chất lượng sản phẩm OCOP liên tục tăng.Một điểm đáng chú ý là với hơn 1400 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP có đến 38% cácchủ thể là hợp tác xã. Như vậy, Chương trình OCOP đã tạo ra sân chơi, cơ hội để nông dân liên kết, xây dựng hợp tác xã để sản xuất ra sản phẩm. Ở đó có sự nâng cấp về chất lượng, bao bì, mẫu mã, tiêu chuẩn và định hướng thị trường tiêu thụ, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Những tỉnh khó khăn lại triển khai Chương trình OCOP rất hiệu quả như Lai Châu, Lào Cai, Bắc Kạn, Bến Tre… Những vùng khắc nghiệt, sản xuất quy mô nhỏ nhưng tạo ra các sản phẩm thực sự đặc hữu, đặc sắc… Bên cạnh đó, Chương trình OCOP còn tạo điều kiện để các vùng khó khăn, kể cả các hợp tác xã quy mô nhỏ được cạnh tranh bình đẳng.Nhiều chuỗi siêu thị như Big C, VinMart… đều mong muốn có một khu riêng dành cho sản phẩm OCOP. Việc triển khai chương trình đã đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng mà người dân mong muốn được sử dụng các sản phẩm phẩm đặc sản mà được đảm bảo bởi cơ quan quản lý nhà nước. Bởi, mỗi sản phẩm được công nhận phải được xét duyệt qua hội đồng từ cấp huyện, tỉnh đánh giá chi tiết từ vấn đề an toàn thực phẩm, nguồn gốc suất xứ, nguồn nguyên liệu…
EVFTA đi vào thực thi từ ngày 1/8, đã và đang mở ra cơ hội đáng kể với những doanh nghiệp đã có hoạt động xuất khẩu với đối tác EU. Không chỉ là đàm phán với giá tốt hơn, mà sản lượng cũng có thể tăng lên nhanh nếu doanh nghiệp có đủ năng lực cung ứng và đáp ứng yêu cầu chất lượng.
Theo đó, một số nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu đã tận dụng được ưu đãi thuế quan và giá cả nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Chỉ hơn 1 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, tăng trưởng trong các tháng sau khi EVFTA có hiệu lực đã tăng từ 17-20% so với tháng trước đó.
Theo Bộ NN&PTNT, trong tương lai ngắn xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tỷ USD như cà phê, trái cây, gạo, tôm... sang EU sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Thậm chí, trong tương lai xa hơn, EU còn là "mảnh đất" màu mỡ để nông sản Việt "đào xới" khi thị trường này có nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn, chiếm 8,4% tổng trị giá nhập khẩu hàng năm./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.