Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 3 năm 2017 | 10:46

Điêu đứng vì tiêu chết

Chư Sê và Chư Pưh được xem là thủ phủ hồ tiêu của Gia Lai với gần 10.000 hộ trồng, tổng diện tích khoảng 5.000 ha. Cây tiêu là “vàng đen”, giúp hàng ngàn hộ ở đây vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Nhiều tỉ phú hồ tiêu xuất hiện ở vùng đất này. Năng suất hồ tiêu của Gia Lai cũng đứng đầu cả nước. Có hộ đã đạt hơn 10 tấn/ha trong khi bình quân chỉ đạt sản lượng 3 - 5 tấn/ha.

Nhiều vườn tiêu bị bệnh chết, chỉ còn trơ trụẢNH: TRẦN HIẾU

Tuy nhiên, thời gian gần đây, thủ phủ hồ tiêu của Gia Lai lâm vào tình cảnh ngặt nghèo. Hàng trăm héc ta tiêu bị nhiễm bệnh. Có nhiều vườn cây chết hàng loạt, khiến người nông dân trắng tay, nợ ngân hàng không trả được. Có nơi như H.Chư Sê, trong khoảng 4 năm qua đã có trên dưới 500 ha hồ tiêu bị chết. Còn tại H.Chư Pưh, khoảng 30 - 40% trong hơn 2.500 ha hồ tiêu đang kinh doanh bị bệnh, chết. Ở nhiều huyện khác của Gia Lai cũng xảy ra tình trạng tiêu bị chết, tuy không xuất hiện ồ ạt. Ông Nguyễn Cường, một người dân ở xã Đăk Smei, H.Đăk Đoa, lo lắng: “Gia đình tôi trồng hơn 3 ha tiêu, mỗi héc ta đầu tư hàng trăm triệu đồng. Nhưng nay mới đến năm thứ hai, chưa cho thu hoạch mà tiêu đã chết gần 2/3 diện tích”.

Trong khi đó, nhiều vườn tiêu ở Phú Yên có nguy cơ chết sạch vì nhiễm bệnh do mưa kéo dài. Một trong những hộ bị thiệt hại nặng là gia đình ông Phan Văn Quảng ở thôn Sơn Tây, xã Sơn Thành Tây, H.Tây Hòa. Hiện 3,5 sào (1 sào = 1.000 m2) với 640 trụ tiêu đã chết sạch không sót lại dây nào. Chưa dừng lại, mấy ngày qua, lô tiêu non (trồng từ năm 2014) rộng 5 sào của gia đình ông Quảng lại tiếp tục phát bệnh. Mấy ngày qua vợ chồng ông Quảng phun thuốc trừ bệnh nhưng chưa thấy công dụng. “Đây là lô tiêu đang trong kỳ kiến thiết, toàn bộ tiền đầu tư chưa thu lại được đồng nào, nếu dịch bệnh không dừng lại thì gia đình tôi trắng tay”, ông Quảng ngao ngán.

Do mưa kéo dài, nhiều trụ tiêu ở Phú Yên bị héo dây, vàng lá và chếtẢNH: ĐỨC HUY

Ở vùng trồng tiêu thuộc H.Sông Hinh (Phú Yên) cũng đã có gần 180 ha tiêu ở xã Ea Ly và Sông Hinh phát bệnh rồi chết với tỷ lệ khoảng 30%. Theo những hộ trồng tiêu ở Phú Yên, tiêu là loại cây công nghiệp dài ngày với chi phí đầu tư lớn. Để trồng được vườn tiêu kinh doanh (bắt đầu cho thu hoạch), người dân phải mất 5 năm chăm sóc (4 năm kiến thiết và 1 năm thu trái bói), chi phí khoảng 500.000 đồng/trụ. Bình quân, mỗi héc ta người dân trồng 1.600 trụ tiêu với chi phí khoảng 800 triệu đồng. Chi phí mỗi gia đình đầu tư cho vườn tiêu từ vài trăm đến hơn cả tỉ đồng, nhưng cây tiêu đang lũ lượt chết và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Khả năng diện tích tiêu nhiễm bệnh, tiếp tục chết có thể tăng cao trong thời gian tới nếu không có biện pháp điều trị hiệu quả, kịp thời.

Đối với những cây tiêu còn sống có triệu chứng vàng lá nhẹ, bà con bổ sung bón các loại phân lân dễ hòa tan và sử dụng các loại thuốc phòng trừ nấm gây bệnh chết nhanh, chết chậm; dùng thuốc phòng trừ tuyến trùng rễ. Đối với những cây tiêu đã chết nên nhanh chóng thu dọn tiêu hủy, đào và xử lý hố bằng vôi để hạn chế nấm bệnh tồn tại trong đất, ảnh hưởng đến vụ sau 

Ông Đặng Văn Mạnh,
Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Phú Yên hạn chế nấm bệnh tồn tại trong đất, ảnh hưởng đến vụ sau 

 

Ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tây Hòa (Phú Yên), cho biết tại xã Sơn Thành Tây có hơn 237 ha tiêu bị nhiễm bệnh với tỷ lệ chết khoảng 40%. Hiện người dân đang rất lo lắng vì dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, các lô tiêu vẫn đang tiếp tục chết. Theo ông Dũng, nguyên nhân là mưa kéo dài từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay khiến nhiều vườn tiêu của nông dân nhiễm bệnh tràn lan, trong đó một diện tích không nhỏ đã bị chết.

Theo ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT Phú Yên), mưa lớn từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay đã làm mực nước ngầm trong khu vực trồng tiêu dâng cao, khiến nhiều vườn tiêu bị ngập úng dài ngày, cây tiêu bị thối rễ, nhiều loại nấm xâm hại gây bệnh chết nhanh, chết chậm. Ông Mạnh khuyến cáo: “Để khắc phục, chi cục đề nghị người dân sớm khai thông nước cho vườn tiêu. Đối với những cây tiêu còn sống có triệu chứng vàng lá nhẹ, bà con bổ sung bón các loại phân lân dễ hòa tan và sử dụng các loại thuốc phòng trừ nấm gây bệnh chết nhanh, chết chậm; dùng thuốc phòng trừ tuyến trùng rễ. Đối với những cây tiêu đã chết nên nhanh chóng thu dọn tiêu hủy, đào và xử lý hố bằng vôi để hạn chế nấm bệnh tồn tại trong đất, ảnh hưởng đến vụ sau”.

Nhìn lại cách trồng

Theo thống kê từ Sở NN-PTNT Gia Lai, hiện toàn tỉnh có trên 15.500 ha tiêu, tập trung ở các huyện như Chư Sê, Chư Pưh, Đăk Đoa, Chư Prông. Diện tích tiêu tăng chóng mặt, vượt quy hoạch của tỉnh đến gần 10.000 ha. Riêng năm 2016 đã có trên 1.200 ha tiêu trồng mới. Hiện giá tiêu dao động trong khoảng 120.000 - 130.000 đồng/kg, giảm hơn 80.000 đồng so với cùng kỳ và đang vào mùa thu hái tiêu.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND H.Chư Pưh (Gia Lai) - một người có kiến thức khá sâu về nông nghiệp, chia sẻ: “Quy trình kỹ thuật về trồng, chăm sóc hồ tiêu đến nay vẫn chưa thống nhất. Mỗi nông dân làm một kiểu, các nhà khoa học cũng không hề có “công thức chuẩn” về lĩnh vực này. Nông dân không hiểu đất cần loại phân gì, cây cần loại phân gì vì thiếu kiến thức lẫn không có những phương tiện để “khám bệnh” cho tiêu. Việc bón phân vô tội vạ khiến đất bị ngộ độc, rồi mầm bệnh, thời tiết... dẫn đến nhiều vườn tiêu chỉ còn trơ trụ. Đây cũng là cơ hội để nông dân nhìn lại cách trồng tiêu của mình. Thổ nhưỡng, giống, dinh dưỡng tốt, chế độ chăm sóc phù hợp là những điều kiện tiên quyết giúp trồng tiêu thành công. Còn nếu cứ mò mẫm trong đêm tối như thế này thì không thể có một vùng chuyên canh hồ tiêu vững bền”.

 

 

 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top