Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 3 năm 2022 | 16:11

Điều hành giá xăng dầu: Cần sự nỗ lực của các cơ quan

Giá xăng dầu tăng cao gây sức ép lớn lên mặt bằng giá cả thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát tăng dưới 4% của năm nay. Do đó, điều hành giá xăng dầu ổn định rất cần sự nỗ lực của các cơ quan Nhà nước.

Từ chiều 11/3, giá xăng dầu tiếp tục tăng lần thứ 7 liên tiếp trong năm nay, xăng A95 có mức tăng nhiều nhất, gần 3.000 đồng/lít, giá các mặt hàng dầu từ hơn 20.000 – 25.000 đồng/lít tuỳ loại.

Giá xăng dầu tăng cao gây sức ép lớn lên mặt bằng giá cả thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát tăng dưới 4% của năm nay.

Gây sức ép lớn lên mặt bằng giá cả thị trường

Trước sức ép lớn từ tăng giá dầu thế giới, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện giá xăng dầu chịu nhiều tác động lớn và khó đoán định, nhất là xung đột Nga - Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng. Giá dầu bình quân tháng 1 vừa qua chỉ 98 USD/thùng, hiện đã lên tới 130 USD/thùng, kéo theo đà tăng cao của giá than, khí (nguyên liệu cho điện), sắt thép, vật liệu xây dựng…

Hiện, lạm phát của các nước châu Âu đều vượt mức 5%, Mỹ trên 7%..., nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể phải nhập khẩu lạm phát do độ mở của nền kinh tế rất lớn. Bên cạnh đó, năm 2022 giá dịch vụ công sẽ phải điều chỉnh vì nhiều năm trước chưa tăng, cụ thể như giá dịch vụ y tế, giáo dục, điện, nước… “Năm nay, ở kịch bản điều hành giá khả quan nhất thì lạm phát nước ta sẽ trong mức từ 3,6% - 4,3%, còn kịch bản kém khả quan hơn là lạm phát trên 4%”, ông Định nói.

Ông Nguyễn Bá Khang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia (Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia) cũng cho rằng, giá xăng dầu tăng đột biến tác động tiêu cực lên kiểm soát lạm phát thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Nam bắt đầu triển khai gói phục hồi và phát triển kinh tế quy mô lớn (khoảng 350.000 tỷ đồng). Do đó, việc điều chỉnh giá một số dịch vụ công, chính sách hỗ trợ lãi suất cần tính toán lại lộ trình thực hiện cho phù hợp, ngăn chặn tín dụng chảy vào lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

“Những thách thức đó sẽ tác động lớn lên mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay. Nếu lạm phát tăng cao sẽ gây sức ép lên mục tiêu tăng trưởng 6-7% trong năm nay”, ông Khang nói. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng cao cũng che mờ hiệu quả từ gói giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong năm nay.

Giá xăng dầu ở Việt Nam tăng thấp hơn thế giới

Trong báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công Thương cho biết, giá xăng dầu ở Việt Nam tăng nhưng đã được điều hành ở mức thấp hơn nhiều so với mức tăng của thị trường thế giới. Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11/3/2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 44,01% đến 60,02%  nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 11/3/2022 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 24,91% - 39,56%.

 

xang-dau1.jpg
 Giá xăng dầu tăng cao gây sức ép lớn lên mặt bằng giá cả thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát tăng dưới 4% của năm nay.

 

Trước đó, trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Qua theo dõi giá xăng dầu tại một số quốc gia, giá xăng dầu của nước ta hiện đang thấp hơn so với mặt bằng chung của nhiều nước trong khu vực".

Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu của Global Petrol Prices ngày 31/1/2022 cho thấy, giá xăng của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Trung Quốc là 26.611 đồng/lít, Lào là 30.665 đồng/lít và Campuchia là 26.184 đồng/lít. So với nhiều nước trên thế giới, tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỉ trọng thuế trong giá bán xăng dầu ở nhiều nước chủ yếu trong khoảng 45- 60% (ngoại trừ một số nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỉ trọng thấp hơn), trong khi đó, đối với nước ta, tỉ trọng thuế đối với xăng khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%. Ngoài ra, trong giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức nhưng các khoản này cũng chỉ chiếm khoảng từ 5%-8% mức giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu.

Theo Bộ Công Thương, công tác điều hành giá xăng dầu luôn được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP nêu trên, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ vào các ngày 01, 11, 21 hàng tháng tức là 10 ngày điều hành/lần (trước đây là 15 ngày/lần), trường hợp giá xăng dầu có diễn biến bất thường ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và người dân, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng quyết định thời điểm điều hành giá cho phù hợp.

Nỗ lực của Bộ Công Thương

Trước diễn biến tăng liên tục của giá xăng dầu thế giới trong tháng 01 năm 2022 và kỳ điều hành giá ngày 1/2/2022 trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sẽ được chuyển sang kỳ điều hành tiếp theo (ngày 11/2/2022), ngày 28 tháng 01 năm 2022, Bộ Công Thương đã có Công văn số 37/BCT-TTTN về bảo đảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, theo đó Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu phù hợp để giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Đồng thời, tại cuộc họp ngày 08/02/2022 do Lãnh đạo Chính phủ chủ trì về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đã nêu vấn đề về việc điều hành sớm giá xăng dầu. Tuy nhiên, sau khi nghe ý kiến của một số Bộ, ngành, xét việc điều hành sớm trong giai đoạn Tết Nguyên đán (nhu cầu hàng hóa, đi lại tăng cao) sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý người dân vào giai đoạn đầu năm mới Âm lịch, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và tác động lớn đến CPI cả nước nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương thực hiện điều hành giá xăng dầu theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 95/2022/NĐ-CP (kỳ điều hành vào ngày 11/2/2022).

Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương - Bộ Tài Chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Việc điều hành giá xăng dầu thông qua sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; hỗ trợ việc duy trì nguồn cung xăng dầu từ các nguồn (kể cả nhập khẩu) cho thị trường và bảo đảm duy trì công cụ Quỹ Bình ổn ở mức phù hợp để có dư địa điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới.

Để bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường xăng dầu thời gian tới, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: Chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được Bộ Công Thương giao trong Quý II nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

 Trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước thực hiện điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022.

 Phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu (doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng), khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

 Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 của Bộ Công Thương, đặc biệt kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Giá xăng dầu thế giới dự báo còn tăng

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, giá xăng, dầu từ đầu năm tới nay đã tăng rất mạnh, tạo áp lực rất lớn với nền kinh tế. Kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng, dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.

Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng, dầu. Chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng, dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.

Giá xăng, dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng, dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng, dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng, dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng, dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 %, mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng, dầu tới tăng trưởng kinh tế.

Giá xăng, dầu sẽ còn tăng cao do nhu cầu xăng, dầu tăng cao sau đại dịch. Trong khi trữ lượng không tăng bởi thời gian qua thế giới không đầu tư vào thượng nguồn để khai thác dầu mỏ, sản lượng khai thác gần như đang ở mức cao nhất. Điều này dẫn tới giá xăng, dầu sẽ tiếp tục tăng cao. Chiến sự giữa Nga và Ukraina chỉ là yếu tố làm cho việc tăng giá này nhanh hơn.

Cần kiểm soát được nguồn cung – cầu

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá và được Nhà nước quản lý. Do đó, điều hành của Bộ Công Thương là rất quan trọng. Bộ Công Thương cần kiểm soát được nguồn cung và cả nguồn dự trữ để bảo đảm chủ động nguồn cung trong nước. Đồng thời, trong việc điều hành giá cần linh hoạt để khi giá xăng dầu giảm thấp thì tăng thêm phần trích vào Quỹ bình ổn giá và khi giá xăng tăng cao thì phải sử dụng Quỹ bình ổn đó để bù cho giá xăng. Phải điều hành mức dự trữ, kiểm soát dự trữ của các nhà cung cấp để không có tình trạng nhà cung cấp găm hàng, đầu cơ om hàng, không đưa xăng ra bán, đợi giá tăng trong tương lai.

Ông Cường cũng cho rằng, phải tăng nguồn cung nhập khẩu, khuyến khích doanh nghiệp bằng cách giảm thuế nhập khẩu. Về lâu dài, cần tạo ra thị trường cạnh tranh tốt hơn để các nhà phân phối xăng dầu cạnh tranh và tự tìm được nguồn cung cấp tốt nhất. Nguồn dự trữ quốc gia cũng phải tăng nguồn lực để tăng nguồn dữ trữ xăng dầu trong nước như một số nước dữ trữ xăng dầu cho khoảng 5-6 tháng để bảo đảm bình ổn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Thời gian qua, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục xu hướng tăng là nguyên nhân chính tác động làm tăng chi phí đầu vào, qua đó tác động tăng giá xăng dầu trong nước và gây áp lực lên điều hành giá xăng dầu nói riêng, điều hành giá nói chung.Trước áp lực như vậy, đi đôi với việc đánh giá đảm bảo nguồn cung, kiểm soát thị trường và tăng cường dự báo, thì điều hành giá xăng dầu đã cố gắng bám sát diễn biến thị trường; đồng thời linh hoạt sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, để giảm tác động tăng giá mặt hàng xăng dầu trong nước. Nếu không sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá thì biến động giá xăng dầu trong nước còn phức tạp hơn. Ngoài ra, cần tiếp tục chú trọng thông tin, tuyên truyền về điều hành giá xăng dầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Chính phủ, cơ quan điều hành khi điều hành giá xăng dầu cân nhắc rất nhiều chiều, nhiều yếu tố, phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân, mục tiêu quản lý CPI... tránh tạo ra tiền lệ, tránh để bản thân doanh nghiệp sử dụng sức ép đối với cơ quan điều hành để điều hành chỉ có lợi cho doanh nghiệp. Ở bối cảnh công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn, Bộ Công Thương kiên trì quan điểm phải sử dụng công cụ thuế, phí.

Giải pháp của Chính phủ

Trước tình hình vừa qua, nhất là những ngày gần đây, giá cả một số mặt hàng trong nước tăng, do giá xăng dầu thế giới tăng cao, chiều 14/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã họp với một số bộ ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu (xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu, sắt thép, phân bón, nông sản, dịch vụ vật tư y tế...).

Trình bày báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn nêu rõ: Trước những biến động về giá một số hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu thời gian qua, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Báo cáo nhấn mạnh, thực tế trong hơn 2 tháng đầu năm cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã chủ động nắm bắt tình hình và có các giải pháp kịp thời về công tác điều hành giá.

Theo Bộ Tài chính, đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục gia tăng. Điều này tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung. Công tác quản lý điều hành giá đến cuối năm rất khó khăn, không được chủ quan.

Trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, Bộ Tài chính dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng.

Tuy nhiên, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm sẽ ở mức từ 2-2,1% và vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra từ đầu năm.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 9 tháng còn lại của năm 2022, Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo các giải pháp cụ thể về công tác điều hành giá năm 2022 như: Văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022, Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 2/3/2022. Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đến hết quý II/2022, có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc hệ thống để đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, đề nghị tập trung vào những biện pháp sau:

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và điều hành, bình ổn giá phù hợp.

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top