Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 10 năm 2021 | 10:1

Định vị lại năng lực nền kinh tế: Cơ sở để xây dựng kế hoạch khôi phục và phát triển

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư ở Việt Nam được đánh giá là khốc liệt gấp nhiều lần so với ba đợt dịch trước. Đời sống kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tính mạng, sức khỏe của nhân dân bị đe dọa, DN và người lao động lao đao vì khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đến nay, dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã được kiểm soát và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

 

trong-ảnh-dây-chuyền-chế-biến-tôm-đông-lạnh-xuất-khẩu-của-công-ty-cp-thuỷ-sản-minh-phú-hậu-giang-ở-kcn-sông-hậu-xã-đông-phú-huyện-châu-thành-tỉnh-hậu-giang-ảnh-ttxvn.jpg
Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Công ty CP thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang ở KCN Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Ảnh: TTXVN

 

Cần có quyết sách khôi phục kinh tế

Theo ông Trương Văn Phước, thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cần có quyết sách để khôi phục kinh tế, đó là nguyện vọng của người dân, DN với Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 2 đang diễn ra.

Ông Phước nói: Dịch bệnh còn phức tạp, nhưng chúng ta đã trở lại sống thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Trước mắt, đời sống người dân rất khó và còn khó thêm nếu sản xuất đình đốn. Tương tự, DN lo thiếu lao động, lo mất đơn hàng, tài chính cạn kiệt. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng chỉ đạt 1,42%, rất thấp so với mục tiêu, vì thế có nhiều việc phải làm để phục hồi kinh tế.

Năm ngoái, Việt Nam chống biến thể Alpha thành công, là điểm đến của các nhà đầu tư, chúng ta “lót ổ đón đại bàng”. Nay với biến thể Delta, các nước cùng mở cửa lại, cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các nước rất gay gắt, buộc chúng ta phải tạo sự khác biệt trong khôi phục kinh tế.

Ông Phước chia sẻ, dịch bệnh kéo dài gần 2 năm, các nước phải dùng chính sách tài khóa mạnh để hỗ trợ. “Con khóc mẹ phải cho bú”, nhưng hiện cả đàn con cùng khóc... Dân khó, DN khó, địa phương nào cũng khó... Muốn bớt khó phải cần nhiều tiền, Chính phủ vay mượn nhiều hơn qua phát hành công trái, trái phiếu. Vậy bao nhiêu là đủ?

Tính đến tháng 5/2021, các nước ASEAN đã sử dụng khoảng 7,8% GDP để kích thích kinh tế. Hiện gói này của Việt Nam khoảng 2% GDP, nếu được có thể nâng lên tối thiểu 5% GDP, tương đương ít nhất 20 tỉ USD (khoảng 450.000 tỉ đồng). Có gói hỗ trợ với quy mô phù hợp mới có thể hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, kích thích đầu tư, tạo lan tỏa cho cả nền kinh tế, thêm hấp dẫn đầu tư nước ngoài.

Quốc hội đang đứng trước bối cảnh lịch sử để có quyết sách mạnh mẽ, đủ liều lượng đưa đất nước, DN, người dân vượt qua khó khăn.

Rất nhiều ý kiến đồng tình rằng, dư địa để tạo nguồn lực phục hồi kinh tế từ chính sách tài khóa còn rất lớn. Vấn đề này rất cấp bách, khi Quốc hội thảo luận, tạo ra đồng thuận để người dân ủng hộ chương trình khôi phục kinh tế quốc gia, nhất là khi Chính phủ phát hành công trái, trái phiếu...

Tập trung các đối tượng hỗ trợ

Ông Phước cho rằng, trước hết cần có quỹ từ ngân sách để hỗ trợ người lao động từ quê trở lại khu công nghiệp làm việc và ổn định đời sống, nông dân khôi phục việc đồng áng, người dân mở lại kinh doanh dịch vụ thương mại. DN đang kiến nghị giảm, hỗ trợ lãi suất và dự báo tới đây sẽ khó vay vốn do tài chính xấu đi vì dịch bệnh, trong khi họ cần vốn rẻ. Ngân hàng không thể giảm lãi suất nhiều hơn vì họ cũng là DN, chỉ có thể tiết giảm chi phí để bớt chút lãi vay.

Vì vậy, chỉ có cấp bù lãi suất từ ngân sách mới giúp người vay tiền giảm gánh nặng về chi phí. Việc hỗ trợ lãi suất phải chọn ngành, DN có tác động tạo việc làm, tạo tăng trưởng cho nền kinh tế, không hỗ trợ dàn trải.

Hiện ngân hàng cho vay khoảng 10 triệu tỉ đồng, nên chọn hỗ trợ lãi suất cho 15-20% tổng dư nợ (1,5 - 2 triệu tỉ đồng), nếu ngân sách cấp bù 3%, cần 45.000 - 60.000 tỉ đồng.

Ngân sách không cần đưa tiền tươi mà trừ vào thuế thu nhập ngân hàng nộp hằng năm. Bên cạnh đó cũng cần cho DN được chuyển lỗ sang năm sau, nếu năm sau lời, họ được cấn trừ dần số lỗ năm trước, thay vì phải nộp thuế thu nhập DN. Như vậy, nguồn thu ngân sách sẽ hạn hẹp hơn, phải tìm nguồn khác bù vào.

Định vị lại vị trí, năng lực nền kinh tế

Đại biểu Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ, sau những tác động rất xấu của dịch Covid-19, nền kinh tế bị tổn thương nghiêm trọng, đặc biệt ở những khu vực chịu tác động mạnh. Dịch bệnh làm phá hủy cơ thể kinh tế, đứt gãy tất cả các chuỗi cung ứng, giá trị. Ở giai đoạn cao điểm, các trung tâm kinh tế như TP.HCM có khoảng 15-20% số DN hoạt động cầm chừng, rất khó khăn. Do vậy, Chính phủ cần có đề án chi tiết về kế hoạch, giải pháp phục hồi kinh tế.

Nếu đề án trình kịp ở kỳ họp thứ 2 này, Quốc hội có thể dành riêng 1-2 ngày để bàn sâu và đưa ra nghị quyết riêng hoặc một nhóm giải pháp trong nghị quyết chung của kỳ họp. Nếu Chính phủ trình không kịp, Quốc hội có thể tổ chức kỳ họp chuyên đề để bàn về vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Chí Dũng (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Đề án phục hồi kinh tế tập trung vào 4 chương trình

Đề án phục hồi kinh tế 2022 - 2023 đang tham khảo ý kiến nhiều nơi, chưa có dự thảo cuối, sẽ tập trung vào 4 chương trình:

Thứ nhất là mở cửa nền kinh tế đi đôi với kiểm soát dịch bệnh.

Thứ  hai là hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ lao động - việc làm cho những đối tượng bị tổn thương cần có gói hỗ trợ để ổn định đời sống.

Thứ ba là hỗ trợ DN, mạch máu của nền kinh tế.

Thứ tư là hỗ trợ về đầu tư hạ tầng, kích thích tăng trưởng.

 

Đề án phải đánh giá lại tăng trưởng GDP để định vị lại vị trí, năng lực nền kinh tế hiện nay, từ đó có giải pháp điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Điều tiên quyết là, phải có những gói hỗ trợ từ phía Nhà nước, song song với việc điều chỉnh, nới lỏng có kiểm soát chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thích hợp để mở cửa trở lại nền kinh tế.

Nhà nước đóng vai trò chủ trì để chia sẻ khó khăn với DN, người dân bằng việc hỗ trợ lãi suất cho vay giúp DN, hộ gia đình có nguồn lực khôi phục sản xuất kinh doanh. Cùng với đó có chính sách miễn giảm thuế, phí, đặc biệt các loại phí liên quan đến việc tạo nguồn lực cho DN.

Mặt khác, đề án cũng phải đánh giá lại tác động của đại dịch đối với các nhóm dễ tổn thương như người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, những người trụ cột kiếm sống cho cả gia đình ở đô thị nay vì dịch phải về quê trở thành gánh nặng cho gia đình hay vấn đề giải quyết việc làm ở các khu công nghiệp thiếu nguồn lao động khi mở cửa lại... Từ đó, Nhà nước chia sẻ và hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội.

Đại dịch vừa qua cũng tác động đến nhận thức, hành vi của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và là cơ hội để cải cách thể chế. Trước hết cải cách thể chế tổ chức nhân sự theo hướng tinh giản, tinh gọn, đưa công nghệ quản lý, tích hợp, số hóa dữ liệu thích ứng với điều kiện dịch bệnh để tiết giảm chi phí trung gian, giảm chi phí chi thường xuyên.

Mặt khác, đại dịch cho thấy năng lực nhận thức và năng lực hành vi của một bộ phận cán bộ các cấp chưa đáp ứng yêu cầu, đề án phải phân tích cũng như đưa ra các giải pháp để đổi mới tư duy quản lý, đòi hỏi năng lực, tầm nhìn, tính quyết đoán, sự chịu trách nhiệm và thanh lọc đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu mới.

 

trong-ảnh-doanh-nghiệp-sản-xuất-3-tại-chỗ-dễ-phục-hồi-hoạt-động-trở-lại-sau-tình-hình-dịch-bệnh-diễn-ra-căng-thẳng-ảnh-huỳnh-phúc-hậu.jpg
Trong ảnh doanh nghiệp "xứ dừa" sản xuất 3 tại chỗ dễ phục hồi hoạt động trở lại sau tình hình dịch bệnh diễn ra căng thẳng. Ảnh Huỳnh Phúc Hậu.

 

Tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và tăng cường kết nối chuỗi liên kết

Trước thực tế hiện nay, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Chính quyền thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung hỗ trợ các DN, các nhà đầu tư nước ngoài vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Chính quyền Thủ đô đã chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội thực hiện ngay việc gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất của năm 2021 cho trên 31.000 người nộp thuế, với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn vào khoảng 22.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định số 52 ngày 19/4/2021 của Chính phủ...

“Với tiềm năng, lợi thế và chính sách ưu việt của mình, Hà Nội sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực đến và đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. Chính quyền thành phố Hà Nội cam kết sẽ bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ngoài việc ổn định sản xuất và kênh phân phối, các địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp kết nối cung cầu nhằm tiêu thụ hàng hóa trong giai đoạn bình thường mới.

Theo Vụ Thị trường trong nước, tại TP. Hồ Chí Minh, đến ngày 15/10, đã có 68 chợ truyền thống chính thức hoạt động và những chợ có quy mô lớn như Bến Thành (quận 1), Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5)... đều đã được cho mở trở lại; trong đó chợ An Đông cho mở lại với tất cả các ngành hàng.

Bên cạnh đó, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền vẫn tiếp tục hoạt động ổn định, duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm cho các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố và các tỉnh, trung bình 1.000-1.200 tấn thực phẩm, rau củ quả/đêm. Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên.

Các địa phương cũng đang tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cung cấp thông tin, kết nối sản phẩm nông sản thực phẩm các tỉnh vào các kênh phân phối, khôi phục hoạt động các chợ truyền thống, siêu thị, nhà hàng kinh doanh ăn uống.

Linh hoạt thích ứng trong tình hình mới

Trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nhiều DN đã chủ động thích ứng với tình hình mới với tinh thần “tự cứu mình trước khi người khác cứu.” Nhiều DN đã xây dựng các phương án sản xuất phù hợp, duy trì hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp.

Để thích ứng trong tình hình mới, hầu hết các công ty, xí nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long khi mở cửa hoạt động trở lại đã có một số giải pháp thay đổi phương thức sản xuất cũng như trong việc phân phối, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các DN thủy sản.

Tại Cà Mau, các công ty chế biến thủy sản đã tổ chức hoạt động theo quy trình khép kín tất cả các khâu một cách nghiêm ngặt như công nhân trước khi vào nhà máy phải khai báo y tế, đo thân nhiệt và test nhanh Covid-19 định kỳ; tổ chức sản xuất theo từng khu vực, đồng thời phát huy tối đa dây chuyền công nghệ sản xuất để giảm bớt số lượng công nhân.

Các công ty đều chuyển từ sản xuất tập trung sang sản xuất theo từng cụm, từng ca với số lượng hạn chế và hầu hết các khâu sơ chế ban đầu đều được chế biến ngay tại các phân xưởng nhỏ lẻ.

Ông Bùi Thành Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng An Giang, cho biết, để đảm bảo hoạt động tại Cảng Mỹ Thới không bị đứt gãy, Xí nghiệp Cảng Mỹ Thới đã cho thực hiện song song 2 mô hình “3 tại chỗ” đối với công nhân ở xa và mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến” đối với công nhân ở gần cảng.

Tại Cần Thơ, Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành được đánh giá là đơn vị có phương án sản xuất tốt trong thời điểm dịch bệnh. Hiện, công ty có hơn 500 công nhân đang làm việc. Thời gian qua, nhà máy của công ty vẫn hoạt động theo phương án “3 tại chỗ.”

Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành, hiện nay, nhà máy của công ty triển khai theo chủ trương của Chính phủ “thích ứng an toàn, linh hoạt.”

Vì vậy, nhà máy của công ty này vẫn thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhưng công ty đang triển khai hướng dẫn, đào tạo người lao động thích ứng phương án sản xuất trong giai đoạn mới “2 điểm đến, 1 vùng xanh” kết hợp “5K+A+L” (5K+an toàn+linh hoạt) tại nhà máy từ ngày 1/11.

Phương án “5K+A+L” được Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành triển khai cho toàn bộ công nhân. Người lao động sẽ được hướng dẫn vị trí, khu vực để xe riêng, lối đi riêng, buồng vệ sinh riêng, nơi ăn riêng... Trong quá trình triển khai phương án sản xuất “5K+A+L,” người lao động hạn chế mức thấp nhất mức tiếp xúc giữa công nhân.

Nhà máy của Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành sẽ giảm số công nhân mỗi nhóm/cụm từ 5 -7 người xuống còn 2-3 người/nhóm để có tình huống xấu nhất (có F0 tại nhà máy) thì dễ dàng truy vết.

Ngoài ra, Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành đang trình Cơ quan chức năng xem xét phê duyệt phương án cách ly F1 tại 1 tầng của khách sạn, để đảm bảo nhà máy chủ động trong phương án sản xuất trong trường hợp có ca bệnh, cần cách ly F1. DN đảm bảo tự chủ trong phòng, chống dịch, đồng thời chia sẻ gánh nặng với ngành y tế.

DN đã cố gắng, nỗ lực vượt khó khăn nhưng vẫn cần có sự đồng hành, giúp sức từ chính quyền địa phương để “nâng đỡ” DN trên chặng đường còn “gập ghềnh” phía trước.

 

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN vừa quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trực thuộc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhiệm vụ của Tổ công tác là chỉ đạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tích cực nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chống đói nghèo, bài học Việt Nam nhìn từ NHCSXH

    Chính sách xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và xác định là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

Top