Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 6 năm 2021 | 16:50

Đối thoại quốc gia về xây dựng hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm, bền vững

Chủ đề xuyên suốt trong chuỗi đối thoại nhằm hướng tới việc xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) Việt Nam minh bạch - trách nhiệm - bền vững.

nongsan.jpg
Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững không chỉ giúp chấm dứt đói nghèo mà còn giúp phát triển nhiều lĩnh vực khác nhau.

 

Nhằm chuẩn bị cho Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) của Liên Hợp quốc diễn ra vào tháng 9/2021. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư; Liên hợp quốc tại Việt Nam và các đối tác quốc tế vừa tổ chức Đối thoại quốc gia lần thứ nhất với chủ đề “Hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam: Minh bạch, trách nhiệm, bền vững”.

Hội nghị thượng đỉnh năm 2021 của Liên Hợp quốc nhằm định hướng cho hệ thống lương thực thực phẩm được phát triển bền vững hơn, toàn diện hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn, tạo ra tác động đa chiều để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030. Hội nghị tập trung vào năm mục tiêu hành động bao gồm: đảm bảo quyền tiếp cận lương thực thực phẩm an toàn và cân bằng dinh dưỡng cho mọi người; chuyển đổi xu thế tiêu dùng theo hướng lành mạnh và bền vững; thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường; tăng cường bình đẳng trong chia sẻ giá trị và sinh kế và xây dựng khả năng chống chịu trước các tổn thương và cú sốc.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc, các quốc gia thành viên hưởng ứng tổ chức các cuộc đối thoại cấp quốc gia và khu vực nhằm định hướng hành động, xây dựng lộ trình để phát triển hệ thống LTTP của các quốc gia theo hướng bền vững trong bối cảnh “bình thường mới”.

Phát biểu tại Đối thoại quốc gia lần thứ nhất vừa được tổ chức sáng nay (15/6), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, hệ thống LTTP của Việt Nam rất đa dạng, phong phú nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ. Những dự báo và thực tế về biến đổi khí hậu toàn cầu trong những năm gần đây cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Lực lượng sản xuất chưa phát huy hết sức mạnh để nâng cao năng suất lao động và giá trị tích lũy. Quan hệ hợp tác giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng thiếu bền vững, năng lực ứng phó trước các rủi ro về thị trường, thiên tai, dịch bệnh còn hạn chế. Sự vận hành của hệ thống lương thực thực phẩm còn chú trọng nhiều đến mục tiêu kinh tế mà chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề môi trường.

 

luong-thuc-15621.jpg
 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại cuộc đối thoại quốc gia lần thứ nhất tại Hà Nội.

 

“Việt Nam cần có những hành động cụ thể để thúc đẩy hợp tác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, không chỉ cho gần 100 triệu người dân Việt Nam mà còn trở thành nhà cung ứng lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững cho toàn cầu”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Việt Nam sẽ làm tốt hơn, hiệu quả hơn các chương trình hành động của từng ngành, lĩnh vực trong xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, nhất là những vùng dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, sáng kiến cùng hỗ trợ thúc đẩy Hệ thống lương thực, thực phẩm thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng không chỉ cho người dân Việt Nam mà còn trở thành nhà cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch và có trách nhiệm và bền vững cho toàn cầu.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam cho rằng, hệ thống lương thực thực phẩm bền vững không chỉ giúp chấm dứt đói nghèo mà còn giúp thế giới đạt được tiến bộ quan trọng trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm 2021 tạo ra bước ngoặt trong nỗ lực trên con đường tiến tới 17 mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Rana Flowers hi vọng, các bên liên quan cùng trao đổi nhằm tìm ra phương án tái cấu trúc và vận hành hệ thống lương thực thực phẩm quốc gia, các phương án giải quyết những vấn đề đang phát sinh; mở ra ra các cuộc đối thoại tiếp theo ở cấp quốc gia và địa phương, qua đó xác định hướng đi phù hợp với thực tế cấp quốc gia và địa phương nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam theo hướng toàn diện, bền vững và có khả năng chống chịu hơn.

Việt Nam đã đăng ký tham gia Hội nghị thượng đỉnh 2021 của Liên Hợp quốc. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ thay mặt Chính Phủ tổ chức 02 đối thoại Quốc gia và 03 đối thoại cấp vùng từ 15/06 – 15/07 theo hình thức trực tuyến. Chủ đề xuyên suốt trong chuỗi đối thoại nhằm hướng tới việc xây dựng hệ thống LTTP Việt Nam minh bạch - trách nhiệm - bền vững./.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top