Năm 2019, một cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ Đông Anh, đã có sản phẩm OCOP 3 sao, và giải thưởng nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Dự kiến, năm 2020, đơn vị tiếp tục có thêm sản phẩm OCOP, và nhiều giải thưởng mới.
Nhiều giải thưởng năm 2019
Ông Đỗ Văn Cường, chủ Cơ sở gỗ Mỹ nghệ Hiệp Sỹ, thôn Thiết Ứng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh (Hà Nội), cho biết, ông tham gia nghề đã 22 năm nay, trong một gia đình có nghề mộc truyền thống từ nhiều đời nay.
Ông Cường đang chế tác một sản phẩm mới
Do vậy, ông rất có “hoa tay” trong các dòng sản phẩm đồ gỗ chạm khắc, đòi hỏi nghệ thuật cao và sự khéo léo như: hoa sen mùa thu, lan hồ điệp, mít cảnh, cá cảnh, tê giác 1 sừng, lợn phú quý; đài nến hoa sen…
Tuỳ theo khách đặt hàng, những sản phẩm của cơ sở chủ yếu được làm bằng gỗ hương, trắc, sưa, hoặc gỗ đen châu Phi (đắt hơn cả gỗ sưa), bình dân hơn nữa có gỗ gõ, gỗ hương Nam Phi. Hiện, những loại gỗ quý hiếm kể trên ở Việt Nam đã hết, chỉ còn lại gốc, do vậy, chỉ để chế tác những sản phẩm đơn chiếc.
Các tác phẩm cũng có giá cả khác nhau, tuỳ theo chất liệu gỗ, ví như: “Ông thọ gánh đào” cao 2,2m, nếu làm bằng gỗ sấu, có giá 18 triệu đồng, nhưng nếu là gỗ trắc, phải lên tới 2,5 – 3 tỷ đồng.
Năm 2019, hưởng ứng phong trào phát triển sản phẩm OCOP, do Sở Nông nghiệp và PTNT phát động, Hiệp Sỹ đã tham gia 3 tác phẩm: Quả mít; cá kim long; tê giác một sừng, và cả 3 tác phẩm đã đoạt giải OCOP 3 sao.
Đặc biệt, năm 2019, ông Cường còn có 2 sản phẩm: “Lợn phú quý”, “Đài nến hoa sen”, tham dự hội thi “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Tỉnh”. Trong đó, tác phẩm “Lợn phú quý” đã đạt giải thưởng Nghệ nhân cấp tỉnh do Sở Công Thương trao tặng.
Năm 2020, “Lợn phú quý” tiếp tục được giới thiệu tham gia cuộc thi: “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực”. Hiện, Cơ sở đang hoàn thiện hồ sơ để dự thi.
Mặt khác, đây cũng chính là 2 tác phẩm để Cơ sở gỗ mỹ nghệ Hiệp Sỹ, tiếp tục tham gia sản phẩm OCOP năm 2020, do Sở Nông nghiệp và PTNT phát động.
Ngoài những giải thưởng trên, ông Cường còn dành nhiều giải thưởng khác như: Giải Nhì cuộc thi thiết kế sản phẩm mẫu Thủ đô; Giải ba Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc, và có 5 tác phẩm được chọn và trưng bày tại triển lãm.
Do đạt được nhiều thành tích như đã kể trên, năm 2019, Cơ sở gỗ mỹ nghệ Hiệp Sỹ đã được Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, tặng Giấy khen về thành tích góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế hàng năm của huyện.
Việc dành được nhiều giải thưởng thời gian qua của Hiệp Sỹ, chính là bước tạo đà, để nỗ lực hoàn thiện, có thêm nhiều sản phẩm OCOP năm 2020, và giai đoạn tiếp theo.
“Đáng ghi nhận là, các làng nghề mộc những năm gần đây được chính quyền địa phương rất quan tâm, nên vẫn khởi sắc, giữ được thương hiệu của làng nghề truyền thống.
Nếu như trước đây, thế hệ cha anh chúng tôi, khách hàng tự tìm đến với làng nghề, thì ngày nay, các sản phẩm của làng nghề, được chính quyền địa phương hỗ trợ, giới thiệu với bà con cả nước, và nước ngoài nhiều hơn, thông qua các hội chợ, triển lãm.
Hiện, Hiệp Sỹ đã có hàng trăm mẫu mã sản phẩm, với hàng ngàn tác phẩm lớn nhỏ, phục vụ khách du lịch và các cửa hàng bán đồ gỗ mỹ nghệ, tại các địa phương như: Bạc Liêu, Sài Gòn, Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh và một số khách Trung Quốc.
Đặc biêt, 90% các sản phẩm kể trên, do chủ nhân của Cơ sở tự thiết kế, sáng tác; 10% còn lại do khách đặt hàng theo yêu cầu” – ông Cường cho biết thêm.
Hỗ trợ tích cực của địa phương
Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh, ông Nguyễn Xuân Linh, cho biết: “Ngay sau khi nhận được Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm của Thành phố, huyện Đông Anh cũng đã có kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm đến năm 2020. Đồng thời, phổ biến đến toàn bộ hệ thống chính trị, từ huyện đến các xã, đến chủ thể sản xuất, và đông đảo người dân trên địa bàn.
Ông Cường và tác phẩm Quả mít, đã đạt OCOP hạng 3 sao, năm 2019
Đáng ghi nhận là, thời gian qua, Cơ sở gỗ mỹ nghệ Hiệp Sỹ, đã có rất nhiều tác phẩm, đạt giải thưởng cao, làm rạng danh cho làng nghề mộc cổ truyền của địa phương.
Hy vọng, với những sản phẩm OCOP, đã dành được trong năm 2019, và rất nhiều giải thưởng của Thành phố, của huyện Đông Anh, năm 2020, Cơ sở Hiệp Sỹ, tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm OCOP mới, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế của huyện”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ, cho biết: “Đông Anh là địa phương đầu tiên trên địa bàn Hà Nội, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, và được Thành phố đánh giá cao trong công tác tổ chức thực hiện.
Đồng thời, Thành phố đã có quyết định công nhận 20 sản phẩm OCOP của huyện Đông Anh năm 2019. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 18 sản phẩm đạt 3 sao.
Để Chương trình OCOP Thủ đô ngày càng thiết thực, hiệu quả, năm 2020, Văn phòng Điều phối XDNTM Hà Nội, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất, có đăng ký kinh doanh, về nội dung, mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP.
Giúp bà con quảng bá, và kết nối tiêu thụ sản phẩm, thực hiện thành công Chương trình OCOP của Thành phố”.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.