Với chỉ số cạnh tranh (PCI) cao, sản vật trù phú, những năm gần đây, Đồng Tháp thu hút hàng loạt tập đoàn kinh tế đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Vùng đất giàu tiềm năng
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2019 vượt mốc 1 tỷ USD. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, cho biết, hoạt động xuất khẩu năm 2019 trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi bởi hầu hết các mặt hàng đều tăng trưởng tốt, nổi bật là thủy sản, gạo và sản phẩm ngành may mặc.
Ngoài các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như gạo, thủy sản, bánh phồng tôm, may mặc... thì xuất hiện sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao gồm: collagen, dầu cá, trái cây chế biến... Sản phẩm xuất khẩu của tỉnh ngày càng đa dạng.
Cùng đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu của Đồng Tháp ngày một nâng lên. Một số doanh nghiệp khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường thế giới.
Hiện, hàng hóa của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, châu Á chiếm 46%, châu Âu 13%, châu Mỹ 35%, thị trường khác 6%.
Về sản xuất, Đồng Tháp có nhiều mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình canh tác lúa lý tưởng, sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”, “Ruộng nhà mình”… Đặc biệt, mô hình “Hội quán nông dân” là nơi kết nối tri thức, chia sẻ thông tin… giữa các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp với bà con nông dân. Qua đó, kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ, hiện nay tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng mô hình hội quán liên kết chia sẻ về kỹ thuật trồng trọt bảo đảm kích cỡ, màu sắc, hoa văn họa tiết nhằm hướng đến các sản phẩm chất lượng, bắt mắt người tiêu dùng và định hướng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp thông báo đến các chủ thể có sản phẩm OCOP về mẫu “Tem chứng nhận sản phẩm OCOP”.
Tem chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ được sử dụng dán trên 70 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Đồng Tháp ký quyết định công nhận.
Các sản phẩm OCOP giao thương trên thị trường phải được dán “Tem chứng nhận sản phẩm OCOP” theo đúng xếp hạng sản phẩm OCOP đạt “3 sao” hoặc “4 sao”. Đây là cách giúp định vị chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả cao.
Nhiều “ông lớn” đầu tư vào Đồng Tháp
Đồng Tháp luôn được xếp vào nhóm đầu quốc gia về chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và cải cách hành chính. Tỉnh được đánh giá cao về mô hình cầu thị lắng nghe và chia sẻ với nhà đầu tư, đặc biệt, trong cải cách hành chính và tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.
Các ngành chức năng của Đồng Tháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn quốc tế như: ISO, HACCP, TQM, BVQI… và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.
Cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ, hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp tại đây.
Tập đoàn T&T ký hợp tác chiến lược toàn diện với tỉnh Đồng Tháp.
Theo đó, lĩnh vực chế biến thủy sản đã có 20 doanh nghiệp hoạt động tốt, công suất lên đến hàng triệu tấn/năm, thu hút 21.000 lao động, xuất khẩu thủy sản sang hơn 100 nước. Có 26 doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất hơn 3 triệu tấn/năm; 644 doanh nghiệp, cơ sở chế biến lương thực để xuất khẩu gạo sang hơn 20 nước. Nhiều sản phẩm mới chế tác từ phụ phẩm nông nghiệp được thị trường ưa chuộng và có giá trị cao như: Chả cá, dầu tinh luyện, collagen, dầu cám, thực phẩm chức năng, trái cây sấy, các loại trà và các sản phẩm từ thịt…
Đối với lúa gạo, từ năm 2015 đến nay, nhiều hợp tác xã trong tỉnh đã liên kết bao tiêu với nhiều doanh nghiệp, đem lại lợi nhuận cho nông dân từ 300-700 đồng/kg. Các doanh nghiệp đưa ra quy trình sản xuất, tạm ứng một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cam kết thu mua toàn bộ sản lượng nông sản đạt tiêu chuẩn.
Điển hình là mô hình sản xuất của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), có trụ sở tại huyện Lai Vung, là đơn vị đang quản lý Nhà máy xay xát và chế biến gạo. Nhà máy đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở xay, xát thóc gạo” QCVN 01-164: 2013/BNN-PTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Nhà máy tổ chức thu mua lúa gạo từ nông dân, sau đó xay xát, chế biến, đóng gói thành phẩm với quy trình sản xuất chế biến khép kín đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn xuất sang các thị trường trên thế giới.
Với năng lực chế biến 45.000 - 50.000 tấn/năm, gạo Đồng Tháp của Hapro đã có mặt ở Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, châu Âu. Đặc biệt, từ đầu năm 2019, Hapro đã xuất khẩu những lô hàng gạo đầu tiên đóng bao 5kg, 10kg/túi từ Nhà máy sản xuất chế biến gạo tại tỉnh Đồng Tháp vào chuỗi Siêu thị Dubai - Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE).
Đối với cây ăn trái, chủ yếu là nhãn, chanh, thanh long..., nông dân liên kết tiêu thụ với Công ty VINA T&T xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ và đạt mức giá 30.000 - 40.000 đồng/kg. Công ty VINECO, Công ty Viet Dela tiêu thụ chanh cho nông dân với giá bán ổn định. Công ty Thành Vũ và Công ty Vạn Phát liên kết tiêu thụ thanh long cho nông dân với giá hợp lý, tạo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.
Hay mới đây nhất, tại TP. Cao Lãnh, Tập đoàn T&T và UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện.
Theo thỏa thuận, Tập đoàn T&T sẽ đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp trong việc xây dựng quy hoạch khu vực phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. T&T Group sẽ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tiềm năng, đề xuất ý tưởng đầu tư và chiến lược phát triển đối với những dự án trọng điểm, có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, trong đó có các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển ngành công nghiệp chế biến lúa gạo chất lượng cao; đề xuất bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác lợi thế của Vườn Quốc gia Tràm Chim, đưa vườn quốc gia này thành khu du lịch xanh và bảo tồn thiên nhiên quốc tế; hợp tác phát triển hệ thống đào tạo bóng đá trẻ.
Có thể thấy, việc liên kết với doanh nghiệp sẽ giúp người nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị; giải quyết được chuỗi sản xuất thì mới tránh được tình trạng được mùa, mất giá, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản. Liên kết với doanh nghiệp là liên kết đặc biệt để tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt trong nông nghiệp hiện nay.
Để tối ưu mối liên kết này, các địa phương cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nhất quán chủ trương “Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp”; hỗ trợ tối đa, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.