Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2019 | 20:52

Đồng Tháp: Sinh kế mùa lũ cho người dân vùng đầu nguồn

Thay vì khai thác ngay từ đầu vụ, người dân một số huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp có cách làm mới hơn để nâng cao sinh kế, đó là tận dụng nguồn nước lũ để nuôi cá đồng, tôm, vịt, trữ cá tự nhiên và sẽ thu hoạch sau khi lũ rút.

Những mô hình kết hợp lúa và thuỷ sản

02 lúa - 01 tôm; 02 lúa - 01 cá; 02 lúa - vịt, cá; 01 lúa - 01 màu - 01 cá; sen - cá - du lịch v.v. là những mô hình được nông dân tại thị xã Hồng Ngự và các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình triển khai thực hiện trong mùa lũ năm 2019 này. Đây cũng chính là mô hình sinh kế của Tiểu Dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” thuộc Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”.

Ông Nguyễn Văn Châu (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình) là một trong những nông dân được Dự án hỗ trợ thực hiện mô hình 02 lúa - 01 cá. Trên diện tích 12 ha, mùa lũ này gia đình ông Châu không bỏ đất trống như những năm trước. Sau khi thu hoạch xong 02 vụ lúa, vụ thứ 3 này ông nuôi cá lóc và trữ cá tự nhiên.

Ông đắp đê bao lửng, bao lưới quanh ruộng để giữ lại nguồn cá tự nhiên từ nguồn nước lũ tràn vào. Bên cạnh đó, hơn 50 ngàn con cá lóc được nuôi trước đó, trọng lượng 300 - 400 gram cũng được ông chuẩn bị xuất bán phân nửa, phần còn lại ông sẽ thả ra ruộng. Cá lóc và số cá tự nhiên ông nhữ vào ruộng sẽ ăn nguồn thức ăn sẵn có trên đồng. Trong nguồn nước tự nhiên, số cá sẽ lớn nhanh và dự kiến được thu hoạch sau khi lũ rút.

ông-nguyễn-văn-châu-vui-mừng-khi-lượng-cá-đồng-được-trữ-lại-nhiều.png
Ông Nguyễn Văn Châu vui mừng khi lượng cá đồng được trữ lại nhiều.

 

Theo ông Châu, khi chưa làm mô hình này, ruộng ngập nước chỉ bỏ không, chờ đến khi hết lũ thì bắt đầu sạ lúa. Quanh năm chỉ có trồng lúa. Giá lúa bây giờ cũng bấp bênh lắm, nếu chỉ trông chờ vào cây lúa thì thu nhập cũng chẳng bao nhiêu. Chính vì vậy, khi nghe được mô hình sinh kế mới này là ông mạnh dạn tham gia, bởi vì thấy có nguồn lợi và cũng phù hợp với điều kiện hiện nay.

Mặc dù mới bắt đầu làm mô hình mới này, kết quả thu hoạch cuối cùng chưa biết sẽ thế nào nhưng ông Châu tin là sẽ có lợi nhuận. Trước mắt là bán được cá lóc, rồi lượng cá đồng trên ruộng nhiều lắm, chưa kể cá nhỏ trên ruộng cũng làm được thức ăn cho ao cá chạch lấu rộng 01 ha mà gia đình đang nuôi - ông Châu phấn khởi.

Thay vì đặt dớn, giăng lưới để bắt mỗi khi lũ về, bà Lê Thị Huệ (ấp Bình Chánh, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự) nhữ cá tự nhiên vào ruộng. Bà cho biết, nhữ cá vô thì cũng dễ, chỉ cần thả cám với thức ăn khoảng nửa tháng là nghỉ, cá tự nhiên ở ngoài nó sẽ vô ruộng. Cá mè dinh, cá chày, đủ thứ hết, hầu như không thiếu mặt cá phổ biến nào hết.

bà-huệ-cho-cá-tự-nhiên-ăn-để-dẫn-dụ-vào-ao-ruộng.png
Bà Huệ cho cá tự nhiên ăn để dẫn dụ vào ao, ruộng.

 

Cùng với bà Huệ, mùa lũ năm 2019 này, từ mô hình sinh kế của Tiểu Dự án “Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười” (WB9), thị xã Hồng Ngự đã hỗ trợ cho 02 hộ dân thực hiện mô hình nuôi trữ cá, với tổng diện tích gần 15 ha.

Ông Nguyễn Văn Định (ấp Bình Thành A, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự) chia sẻ, mô hình này thấy hiệu quả khoảng 80%, cách làm cũng không khó, chỉ cần đăng lưới quanh ruộng cho kín, làm cái hom để cá bên ngoài vô là được. Năm nay, nước lũ ít nhưng thấy cá vô cũng rất đa dạng.

Những hộ dân tham gia mô hình sinh kế 02 lúa - 01 cá cho hay, sau khi thu hoạch cá xong sẽ chuẩn bị cho vụ lúa mới. Ruộng lúa vừa được bồi đắp lớp phù sa, các loại sinh vật gây hại cũng được cá ăn bớt nên chi phí phân thuốc cũng sẽ giảm xuống, lúa làm ra cũng sạch hơn.

Còn tại xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, gia đình chị Trần Thị Thuỳ Linh và 02 hộ nông dân khác cũng đang kỳ vọng năm nay “trúng lớn” vụ cá và vịt.

Chị Linh cho biết, mô hình 02 lúa - 01 vịt, 01 cá mà vợ chồng chị đang bỏ công, bỏ sức vào làm đang có nhiều tín hiệu khả quan. Với 03 ha đất ruộng, chỉ làm lúa 02 vụ, vụ thứ 3 làm mô hình sinh kế này tuy có cực nhọc hơn nhưng thấy ổn định được nguồn thu nhập, không phải phụ thuộc vào may rủi của mỗi đêm câu, lưới nữa.

Vừa sử dụng nguồn vật tư được hỗ trợ từ chương trình WB9, vừa sử dụng nguồn kinh phí, vật tư của gia đình, chị Linh lên đê bao lửng quanh ruộng, thả 600 kg cá sặc rằn và 300 con vịt, cùng với đó là dẫn dụ cá tự nhiên vào. Vịt được nuôi thả trong ruộng sẽ ít tốn thức ăn, không bao lâu sẽ bán được. Tận dụng quanh bờ ruộng, chị trồng thêm rau muống để tăng thu nhập.

Dự án WB9 triển khai nhiều mô hình sinh kế cho các hộ dân tại các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự, với việc canh tác lúa và nuôi thuỷ sản hoặc trồng hoa màu, trồng cây thuỷ sinh, từ đó giảm được diện tích lúa 3 vụ, đồng thời tạo ra vùng ngập lũ, trữ lũ đầu nguồn ở vùng Đồng Tháp Mười để tránh việc thay đổi ngập lũ và ảnh hưởng đến các vùng khác.

Các mô hình sinh kế cũng tạo điều kiện sản xuất, giúp nông dân lựa chọn được các loại hình sinh kế trong mùa lũ một cách thích hợp nhất, bảo đảm ổn định và an sinh xã hội trong mùa lũ. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 50% kinh phí sản xuất, nuôi thủy sản trong mùa lũ về. 

Theo nhận định của ngành chức năng, trong điều kiện thời tiết có nhiều yếu tố bất thường như hiện nay, mô hình sinh kế mùa lũ đang được thực hiện là khá phù hợp và hiệu quả. Bởi mô hình dễ thực hiện, không tốn quá nhiều chi phí, đặc biệt tính rủi ro không cao.

“Hướng tới, để tạo sinh kế mùa lũ cho bà con thì chúng ta nên tổ chức theo hình thức cộng đồng, từng khu lớn, chủ yếu nuôi nhữ cá tự nhiên là chính, rồi thả bổ sung một ít giống, nhằm tận dụng nguồn nước mùa lũ. Nếu lũ lớn thì cá phát triển tốt, còn lũ ít thì chúng ta vẫn có khả năng nuôi nhữ ở các kênh, mương trong đồng” - ông Nguyễn Huấn, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Hồng Ngự tính toán.

ông-võ-thành-ngoan.png
Ông Võ Thành Ngoan: Để giảm lúa vụ 3, ngành nông nghiệp đang tính toán đến nhiều phương án chuyển đổi từ trồng lúa sang hoa màu, thuỷ sản, vịt, các loài gia súc v.v..

 

Hiện nay người dân ở các huyện đầu nguồn tham gia các mô hình sinh kế rất phấn khởi, tính hiệu quả cũng rất khả quan. Những mô hình này đã góp phần giảm diện tích sản xuất lúa vụ 3 của tỉnh - ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.

Ông Ngoan thông tin thêm, điểm bất lợi của mô hình sinh kế mùa lũ năm nay là lũ lên chậm nhưng lại rút xuống nhanh, do đó điều kiện nuôi thuỷ sản không được như ý muốn. Tuy nhiên, yếu tố bất lợi này cũng được lường trước nên đã đầu tư đê bao lửng, trạm bơm điện để trong điều kiện lũ nhỏ hoặc không có lũ người dân vẫn có thể nuôi thuỷ sản được. Trường hợp rất cần thiết thì mới bơm nước lên ruộng để đáp ứng sinh trưởng của thuỷ sản.

Để thực hiện dự án, các giải pháp công trình được thực hiện như: Nạo vét các tuyến kênh trục chính để tăng khả năng dẫn lũ và thoát lũ, nạo vét kênh kết hợp lên đê bao, xây dựng cống, trạm bơm điện. Cùng với đó là các hoạt động phi công trình nhằm tuyên truyền đến người dân về dự án, tạo cảnh quan và vệ sinh môi trường nông thôn, nghiên cứu và thử nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới đáp ứng yêu cầu dự án...

 

 

Thanh Huyền
Ý kiến bạn đọc
Top