Gần 100 hộ dân trồng dưa hấu tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đang khóc ròng vì ruộng dưa gần đến kỳ thu hoạch bị úng rễ, thối trái.
Bà con nông dân lâm cảnh trắng tay khi ruộng dưa gần tới ngày thu hoạch bị thối trái. Ảnh: Thanh Trần.
Những ngày này, người dân thôn Trường Định vẫn cố vớt vát số dưa hấu non chưa kịp thối đem bán với giá rẻ bèo. Bà Ngô Thị Nhật Yến (57 tuổi) cho hay bà trồng 4 sào dưa ra quả rất sai, tuy nhiên gặp trúng đợt mưa kéo dài gần 2 tuần vào tháng trước nên ruộng bị ngập, không thoát nước kịp khiến cây úng rễ, hàng trăm quả dưa ngâm nước lâu ngày cũng bị thối.
“Mọi năm mỗi sào thu trên dưới một tấn dưa, vậy mà giờ 4 sào tui mót kỹ lắm chỉ được có 2 tạ, bán chưa được 1 triệu đồng. Coi như trắng tay vì đổ vào đây mấy chục triệu tiền vốn”, bà ngao ngán.
Cạnh ruộng dưa bà, bà Trần Thị Nữ tất bật lau chùi rổ dưa lấm bùn vừa được mót dưới ruộng lên. Bà Nữ có 6 sào dưa, cũng chỉ thu được hơn 2 tạ. Bà cho hay chừng chục ngày nữa là dưa sẽ nặng từ 2 – 5kg/quả, nhưng giờ phải bán tháo khi chỉ nặng trên dưới 1kg.
“Năm trước thương lái nghe dưa hữu cơ Trường Định là chạy xe về thu tận ruộng vì dưa ngon ngọt có tiếng, tụi tui mô phải ngồi nài nỉ bán từng trái như ri. Chừ được giá lắm thì bán 5.000 đồng/kg, còn bị ép thì chỉ được tầm 3.000 đồng/kg thôi”, bà Nữ thở dài.
Hàng chục nông dân khác cũng lâm cảnh trắng tay khi ruộng dưa bị úa vàng. Theo họ, do thời tiết quá thất thường, giữa mùa hè mà mưa kéo dài khiến dưa phải ngâm nước quá lâu. Hiện tại bà con đang dồn sức để cứu những quả dưa còn sót lại với hy vọng số dưa trên sẽ tiếp tục lớn để bán được giá.
Trao đổi với PV., ông Ngô Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên cho hay hiện thôn có 24ha dưa hấu của 97 hộ trồng. Trong đó 16 ha thiệt hại hoàn toàn, 8 ha còn lại thiệt hại khoảng 80%.
“Nguyên nhân là do ảnh hưởng của bão số 2 với lượng mưa lớn và kéo dài. Những ngày đầu ruộng bị ứ nước, sau đó bà con đã khẩn trương khơi thông cho nước thoát ra để cứu dưa. Tuy nhiên, mưa vẫn tiếp tục kéo dài trong khi cây dưa hấu không chịu được nước lâu ngày nên úng rễ, thối trái. Hiện tại chính quyền xã đã thống kê thiệt hại và đề xuất cấp trên phương án hỗ trợ cho bà con”, ông Xuân thông tin.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.