Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 29 tháng 11 năm 2020 | 14:59

Dừng thả giống tôm hùm vào thời điểm này để tránh thiệt hại

Đây là khuyến cáo từ Tổng cục Thủy sản, trước ảnh hưởng của bão số 12 vừa qua dẫn đến chất lượng môi trường vùng nuôi tôm hùm ở Phú Yên đang có xu hướng suy giảm.

Theo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường và theo dõi sức khỏe tôm hùm nuôi lồng tháng 11 năm 2020 tại Phú Yên, Khánh Hòa của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III sau cơn bão số 12 cho thấy chất lượng môi trường vùng nuôi tôm hùm có xu hướng suy giảm.

Đặc biệt tại Xuân Phương, Xuân Yên, Xuân Thành (Phú Yên) và Xuân Tự, Lạch Cổ Cò, Trí Nguyên, Bình Ba (Khánh Hòa), một số yếu tố môi trường có hàm lượng vượt giá trị cho phép: Độ mặn thấp từ 5-27‰, N-NH4+<0,1 mg/l; mật độ vi khuẩn Vibrio vượt ngưỡng cho phép từ 1,1-3,4  lần ở các vị trí ven bờ và vùng nuôi tôm hùm; bên cạnh đó đã xuất hiện dấu hiệu bệnh sữa, bệnh đỏ thân trên tôm hùm nuôi và xảy ra hiện tượng tôm chết tại thị xã sông Cầu (tăng khoảng 30-40% so với trước khi xảy ra bão, lũ).

 

tom-hum.jpg
Người nuôi tôm hùm lồng tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên lâm vào cảnh trắng tay do tôm hùm chết hàng loạt bởi mưa bão.

 

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, thúc đẩy phát triển nuôi tôm hùm một cách bền vững, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa khẩn trương phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III và chỉ đạo các đơn vị có chức năng liên quan bám sát tình hình thực tế, hướng dẫn người nuôi triển khai ngay một số nội dung, cụ thể như sau:

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản tại Công văn số 2191/TCTS-NTTS ngày 4/11/2020 về việc khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất nuôi trồng thủy sản do bão, lũ gây ra; công văn số 381/TCTS-NTTS ngày 4/3/2020 của Tổng cục Thủy sản về việc tăng cường quản lý nuôi tôm hùm lồng; công văn số 712/TCTS-NTTS ngày 16/4/2020 về việc tăng cường quản lý nuôi tôm hùm lồng thời điểm giao mùa và các khuyến cáo tại bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III.

- Vùng nuôi tôm hùm lồng tại thị xã sông Cầu, tỉnh Phú Yên hiện nay bị ảnh hưởng bởi nước ngọt do bão số 12 gây ra nên độ mặn giảm mạnh (nhất là nước tầng mặt), cần triển khai ngay một số nội dung cụ thể như sau:

+ Hạ lồng nuôi xuống thấp và cách đáy khoảng 1,0-1,5m để tránh thiếu oxy cục bộ và ảnh hưởng từ ô nhiễm nền đáy. Đối với vùng có nguy cơ cao nên di chuyển lồng bè đến nơi an toàn, có điều kiện môi trường phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi.

+ Vệ sinh sát trùng toàn bộ lưới lồng, dụng cụ nuôi bằng thuốc sát trùng; treo túi vôi xung quanh lồng nuôi nhằm tạo điều kiện trao đổi nước giữa, trong và ngoài lồng nuôi.

 + Sử dụng thức ăn tươi, sống đảm bảo chất lượng, sát trùng thức ăn; định kỳ bổ sung vitamin và khoáng vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

+ Khi tôm có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết, người nuôi cần báo cáo cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương. Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

+ Dừng thả giống tôm hùm vào thời điểm này.

- Tổ chức phòng, trị bệnh theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và quy định của Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 quy định về phòng và chống dịch bệnh thủy sản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tổ chức thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa khẩn trương triển khai và chịu trách nhiệm về kết quả tổ chức triển khai thực hiện; Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất khi xảy ra sự cố và kết quả triển khai về Tổng cục Thủy sản (qua Vụ Nuôi trồng thủy sản, số 10, Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội và email [email protected]) để phối hợp xử lý, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

 
P.V
Ý kiến bạn đọc
Top