Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho hươu; mưa thuận gió hòa khi ra khơi, nông dân, ngư dân miền Trung đã thu tiền tỷ.
Nghệ An: Mùa cắt lộc nhung hươu, nông dân thu tiền tỷ
Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là địa phương có tổng đàn hươu, nai tương đối lớn với hơn 14 nghìn con. Nhờ chú trọng áp dụng các khoa học kỹ thuật trong cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, hàng năm vào mùa cắt lộc đã cho người nuôi trên địa bàn huyện thu nhập hàng chục tỷ đồng.
Thời điểm này, gia đình ông Nguyễn Văn Kế ở xóm 5, xã Quỳnh Yên có 22 con hươu, nai đang trong giai đoạn cắt lộc. Một cặp nhung hươu đạt trọng lượng bình quân từ 8 - 9 lạng/con, đối với nai từ 1,5 - 3 kg/con, cho ông thu về hơn 100 triệu đồng trong đợt cắt lộc đầu năm.
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường ngày càng cao, ông đã thu mua nhung hươu, lộc nai ở các hộ nuôi trong huyện và các huyện lân cận như Diễn Châu, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Yên Thành… Hàng năm, ông đem bán sản phẩm đến tận các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh từ 600 - 700 kg.
Trong chuồng nuôi của gia đình ông Hồ Thanh Bình ở xóm 4, xã Quỳnh Nghĩa thường xuyên có 10 con hươu. Ông Bình cho biết: Mùa cắt lộc rộ của hươu thường tập trung vào tháng Giêng, tháng Hai và tháng Ba ÂL; đến tháng 6 thì hươu sẽ cho thêm một lần cắt lộc trái.
Để đạt về chất lượng và trọng lượng nhung hươu, khi bắt đầu ra lộc ngoài cho ăn lá, cỏ, ngô thì ông bổ sung thêm những thức ăn giàu chất béo để cho lộc lên nhanh.
Quỳnh Lưu hiện có hơn 14 nghìn con hươu, nai, mỗi năm từ bán nhung hươu, lộc nai, người nuôi thu nhập hàng chục tỷ đồng.
Với hai lần cắt lộc, mỗi con cho từ 1,4 - 2kg, trừ chi phí thức ăn ông thu lãi 70 triệu đồng/năm. Ngoài nuôi hươu lấy nhung, ông còn năng động mua bán con giống thu nhập từ 120 - 130 triệu đồng/năm.
Xã Quỳnh Nghĩa hiện có 1.600 con hươu. Nghề nuôi hươu ở địa phương đã có từ hàng chục năm nay, nhưng trước đây người nuôi chỉ lấy nhung hươu được một lần trong năm. Những năm gần đây, nhờ chú trọng đầu tư nguồn thức ăn dồi dào, chăm sóc tốt nên mỗi con đều cho 2 lần lộc nhung, chất lượng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Mỗi năm, địa phương xuất bán ra thị trường 6 tạ nhung, với giá trị đạt 5,4 tỷ đồng.
Theo nhận định của địa phương, giá cả của lộc nhung tương đối ổn định, đem lại nguồn thu nhập cao cho bà con. Vì vậy, Quỳnh Nghĩa xem hươu là giống con chủ lực trong ngành chăn nuôi. Xã đã chỉ đạo thành lập các tổ hợp tác nuôi hươu trên địa bàn để hỗ trợ nhau trong quá trình nuôi. Đồng thời phát triển diện tích trồng cỏ voi, ngô nhằm có nguồn thức ăn tại chỗ. Bên cạnh đó, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, tác dụng của nhung hươu qua trang Web của địa phương, hay những người con xa quê để nhiều người biết đến nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Bùi Xuân Kỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa cho biết: “Năm nay, đầu mùa giá nhung hươu đạt 11 - 12 triệu đồng/kg, sau đó giá xuống còn 950.000 đồng/kg, nên người nuôi hươu yên tâm với hướng phát triển kinh tế này. Hiện địa phương có chủ trương duy trì tổng đàn nhằm giữ vững truyền thống nghề nuôi hươu ở địa phương, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển”.
Đầu tư vào nuôi hươu để phát huy tiềm năng, lợi thế về địa hình, đất đai đang là hướng đi đúng của nông dân Quỳnh Lưu. Từ ưu thế, giá trị vượt trội hơn hẳn so với nhiều loại con vật khác trong nhiều năm qua đã giúp nhiều hộ gia đình ở các địa phương nuôi hươu, nai trên địa bàn huyện có cuộc sống khá giả, đủ đầy hơn.
Ngư dân Quỳnh Lưu trúng đậm cá hố
Từ Sau Tết Nguyên đán đến nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân Quỳnh Lưu đã tích cực ra khơi; trong đó có những chuyến thuyền về đầy ắp cá hố - một loại cá xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, nông dân thu về tiền tỷ.
Tàu thuyền cập cảng Lạch Quèn, ngư dân vận chuyển cá hố xuống bờ bán cho thương lái các địa phương
Có mặt tại cảnh Lạch Quèn, xã Tiến Thủy vào sáng 28/3/2018, hàng chục phương tiện tàu cá của ngư dân Quỳnh Lưu lần lượt cập bến, thuyền viên ai cũng phấn khởi vì chuyến biển trúng đậm cá hố.
Ngư dân Tô Duy Truyền - chủ tàu cá ở xã Quỳnh Nghĩa chia sẻ, tàu của ông ra khơi 7 ngày và đánh bắt được hơn 2 tấn cá hố, hiện đang vào đại mùa nên chuyến đi nào cũng trúng đậm. Ước tính trừ chi phí mỗi chuyến lãi mấy trăm triệu đồng, như chuyến vừa về sáng nay thu lãi chừng 200 triệu đồng.
Cá hố về bến bán trực tiếp cho thương lái với giá 120.000/kg, loại nhỏ hơn có giá 100.000/kg. Một ít còn lại được các tiểu thương mua, đem bán lẻ tại các chợ trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh lân cận với giá từ 150.000 -180.000 đồng/kg.
Theo ngư dân Hồ Văn Mạnh ở xã Tiến Thủy, cá hố là loại cá chủ yếu đánh bắt bằng lưới hoặc câu vào ban đêm, cách bờ từ 40 - 50 hải lý. Mùa cá hố bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 ÂL năm sau. Đây là loại hải sản có giá trị cao, có những tàu thuyền lớn thu nhập một chuyến lên đến tiền tỷ. Cá hố giá cao, nhưng được người dân ưa chuộng bởi khi chế biến thịt cá bùi, thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng.
Quỳnh Lưu hiện có gần 1.200 phương tiện tàu thuyền, trong đó có khoảng 700 phương tiện khai thác xa bờ chuyên đánh bắt cá hố, mực... Mỗi năm, ngư dân Quỳnh Lưu đánh bắt được khoảng 4.000 tấn cá hố; cá hầu hết đều xuất khẩu đi các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc...
Hà Tĩnh: Ngư dân vui đón “lộc biển”
Từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận lợi, ngư dân Hà Tĩnh và các địa phương khác đánh cá trên vùng biển Hà Tĩnh bội thu hơn so với vài năm trước. Nhiều chủ tàu thu về hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến ra khơi…
Cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim- Lộc Hà) từ nhiều tháng nay, hầu như sáng nào cũng tấp nập kẻ mua, người bán. Đang được mùa cá trích, cá cơm nên sáng nào đội tàu cũng cập cảng với từ 100-200 tấn cá trích. Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh Bùi Tuấn Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, cảng Cửa Sót đón 2.615 tấn cá, 17,5 tấn mực, 19 tấn tôm, 1.450 tấn hải sản khác, tăng hơn 20% so với năm ngoái.
Có mặt tại cảng vào ngày cuối tuần, chúng tôi chứng kiến cảnh mua bán thật nhộn nhịp, vui vẻ. Thương lái vui mừng vì thu mua được nhiều hàng; ngư dân phấn khởi vì đánh bắt được nhiều hải sản. Anh Nguyễn Chính Hồng, một chủ thu mua hải sản tại cảng Cửa Sót, cho biết: Tôi làm nghề thu mua hải sản ở đây từ nhiều năm nay. Từ đầu năm đến nay, nhìn chung ngư dân trúng rất đều. Thời gian gần đây đang được mùa cá trích, cá cơm, ốc mỡ. Hàng tươi ngon nên rất được thị trường ưa chuộng. Mỗi ngày tôi thu mua hàng tấn hải sản các loại, bán vào TP Hồ Chí Minh. Giá cá thu mua tại cảng khá cao nên ngư dân rất phấn khởi”.
Anh Nguyễn Văn Liên, một chủ tàu đến từ huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, chia vui: “Tàu tôi có 3 người, chuyên đánh ốc mỡ. Mỗi đêm trung bình đánh được 30-40 kg, bán với giá 130 nghìn đồng/kg, cũng thu được 4-5 triệu đồng. Hiện tại có khoảng 50-70 tàu thuyền chuyên đánh ốc mỡ khu vực biển Hà Tĩnh này, cũng đều được tầm 30-40 kg mỗi đêm. Do đánh gần bờ, chi phí thấp, nên tính ra, mỗi tháng thu nhập trên chục triệu đồng mỗi người”.
Ngư dân Xuân Hội năm nay cũng phấn khởi vì đánh bắt thuận lợi, hiệu quả. Đội tàu xa bờ nhiều người thắng lớn. Chủ tịch UBND xã Xuân Hội Trần Sông Hương, cho biết: “ Nhìn chung, các chủ tàu thuyền thời gian gần đây đều có thu nhập khá. Đội tàu xa bờ 24 chiếc thì có 6 chiếc tàu vỏ thép, loại trên 800 CV, chuyên đánh cá thu, gần đây thu nhập rất khá. Sau 5-6 ngày ra khơi, mỗi tàu thu về trung bình 5-7 tạ. Cá biệt như tàu ông Lê Văn Ất, cách đây mấy ngày trúng hơn 1 tấn cá thu, bán giá 160 nghìn/kg, thu về trên 150 triệu. Ngoài ra, từ ra tết âm lịch đến nay, ngư dân cũng trúng đậm cá trích, cá cơm. Mới đây, tàu anh Trần Quốc Dũng học đánh dạ bay từ miền Nam về, trúng hơn 20 tấn cá trích. Nhiều tàu thuyền đánh vùng lộng cũng đều thu về hàng tấn cá trích mỗi ngày, thu nhập rất khá”.
Bí thư Đảng ủy xã CẩmNhượng Nguyễn Sỹ Huyền, cho biết: “ Năm nay rất phấn khởi là thời tiết thuận lợi, đánh bắt khá và giá cả hải sản đã thực sự quay lại như trước đây. Những ngày gần đây, ngư dân Cẩm Nhượng trúng nhiều cá trích, cá nục, cá cơm… Trung bình, sau mỗi đêm có khoảng 60-70 tàu thuyền đánh các loại cá này cập bến, với sản lượng mỗi tàu 4-5 tạ. Một số tàu thuyền đánh mực ống cũng cho thu nhập cao vì giá mực năm nay tăng vọt lên gấp đôi năm ngoái, đạt mức 420 – 450 nghìn/kg . Đặc biệt, một số tàu đánh cá thu có những chuyến lời hang trăm triệu đồng”.
Ngư dân Tôn Đức Vinh (Cẩm Nhượng), phấn khởi: “Ra tết đến nay, tàu tôi đi chuyến nào cũng tương đối. Đặc biệt, có chuyến đánh được 1,3 tấn, lại toàn cá to, bán giá 250 nghìn đồng/kg, thu về trên 300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 60%”.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản, từ đầu năm đến nay, cá xuất hiện nhiều, đặc biệt là như trích, cơm, mực… Sản lượng đánh bắt hải sản 3 tháng đầu năm đạt 6.254 tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, ngư dân có thu nhập rất khá từ hoạt động đánh bắt.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.