Với địa hình đồi núi thoáng mát, người dân xã Hương Nhượng (Lạc Sơn - Hòa Bình) có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng nuôi thả tự nhiên.
Với địa hình đồi núi thoáng mát, người dân xã Hương Nhượng (Lạc Sơn - Hòa Bình) có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng nuôi thả tự nhiên. Trong đó phải kể đến Hợp tác xã Hương Nhượng được thành lập và đi vào hoạt động hơn 1 năm qua, bước đầu rất thành công với mô hình nuôi gà đồi.
Với sự tham gia của 20 hộ trong vùng, Hợp tác xã đã phát triển mô hình nuôi gà đạt tiêu chuẩn theo các điểm nông hộ. Giống gà lựa chọn đưa vào nuôi chủ yếu là gà Ri bản địa và gà Ri lai Dabaco. Gà giống được tuyển chọn nghiêm ngặt để đảm bảo mang lại những lứa gà đồi khỏe mạnh, chất lượng, an toàn với người tiêu dùng. Chuồng trại chăn nuôi được bố trí khoa học, ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè và đặc biệt, nơi đặt chuồng của các hộ đều gần đồi núi nhiều bóng cây mát.
Gà con sau 20 ngày quây nhốt nuôi úm sẽ được thả ra đồi núi làm quen với môi trường để gà tự tìm kiếm thức ăn ngoài tự nhiên. Đồng thời hàng ngày bổ sung thêm ngô, cám cho gà.
Thời tiết lúc nắng, lúc mưa, nguy cơ gà thả ngoài trời mắc bệnh cao, các hộ chăn nuôi đã bổ sung dinh dưỡng qua thức ăn kết hợp với cách phòng, chữa bệnh dân gian, ít khi sử dụng thuốc kháng sinh.
Chị Quách Thị Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng, cho biết: Chăn nuôi gà thì khâu nào cũng quan trọng, từ việc chọn con giống, khẩu phần ăn, vệ sinh và phòng bệnh… Với số lượng nuôi lớn của mỗi hộ, hộ ít vài trăm con, hộ nhiều 3.000 - 4.000 con/lứa nên chuồng nuôi được sử dụng đệm lót sinh học, nền chuồng gần như không có mùi hôi tạo cho gà luôn khỏe mạnh. Ngoài ra, hợp tác xã đã sử dụng một số loại thảo dược như: tỏi, lá xạ đen, lá ổi và các loại lá có vị chát… để chữa một số bệnh thông thường cho gà như bệnh tiêu chảy, bệnh đường hô hấp. Nhờ vậy, gà luôn khỏe mạnh, đảm bảo an toàn về chất lượng thịt khi xuất bán.
Đối với gà Ri bản địa, sau 5 - 6 tháng nuôi thì xuất bán, gà hoạt động nhiều trên các quả đồi, sườn núi nên thịt săn chắc, thơm ngon. Trọng lượng trung bình của giống gà Ri thả đồi đạt từ 1,3 - 1,5kg/con. Đối với giống gà Ri lai Dabaco nuôi 4 - 5 tháng là có thể xuất bán, trọng lượng đạt 1,8 - 2,5kg/con. Giá bán cho thương lái với gà Ri là 100.000 - 150.000 đồng/kg, gà lai Dabaco 80.000 - 90.000 đồng/kg.
Năm 2017, hợp tác xã nuôi 2,5 vạn con, xuất ra thị trường hơn 40 tấn gà, thu lãi 600 triệu đồng. Năm 2018, hợp tác xã sẽ tăng đàn lên 4 - 5 vạn con/năm. Hiện tại, đơn vị đang xây dựng lò ấp và lò giết mổ để tiến tới sản xuất theo chu trình khép kín từ con giống cho đến thành phẩm nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng gà sạch khi đưa ra thị trường. Ngoài ra, sản phẩm gà của Hợp tác xã Hương Nhượng đã được gắn vòng chân với gà sống và tem truy xuất nguồn gốc với gà thịt.
Có thể nói, đến nay, sản phẩm của Hợp tác xã gà đồi Hương Nhượng đã được người tiêu dùng biết đến và yên tâm sử dụng, nhiều hộ dân tham gia hợp tác xã đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu như gia đình chị Quách Thị Hải, Quách Thị Ninh,...
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…