Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 7 năm 2017 | 3:19

Gà Việt xuất ngoại: Giấc mơ thành hiện thực

Đưa sản phẩm gà Việt sang thị trường Nhật Bản trong năm 2017, tiếp tục mở rộng thị trường  sang một số nước châu Á, châu Âu là một trong những mục tiêu đặt ra tại Đề án Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Dây chuyền giết mổ gia cầm hiện đại tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu.

Tín hiệu tích cực

Trong lúc ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn do cung vượt cầu, dẫn đến giá gia súc, gia cầm có thời điểm giảm sâu thì vẫn có những tín hiệu lạc quan khi trong tháng 6/2017, Nhật Bản chính thức đồng ý nhập khẩu thịt gà của Việt Nam, với nhà xuất khẩu là Koyu & Unitek (Đồng Nai). Dự kiến, lô sản phẩm chế biến từ ức gà đầu tiên sẽ xuất khẩu sang thị trường này với số lượng 300 tấn vào tháng 7. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên thịt gà Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch.

Để có được kết quả này, tháng 3/2017, Koyu&Unitek đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến thịt gà mới để chuẩn bị xuất sang Nhật Bản với công suất chế biến 50.000 con/ngày, tổng vốn đầu tư 6 triệu USD. Hiện, công ty đang chuẩn bị thủ tục mở thêm nhà máy, xúc tiến đưa gà sang EU và vài thị trường khác.

Theo đại diện Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Koyu & Unitek là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam đăng ký và thực hiện việc xúc tiến xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản. Tuy nhiên, ngay sau doanh nghiệp này, Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam cũng đã đăng ký xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường Nhật.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, đánh giá, cho đến nay, Koyu & Unitek là một trong số rất ít doanh nghiệp đầu tư hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín từ khâu chế biến thức ăn chăn nuôi đến sản phẩm thịt gà chế biến xuất khẩu đã được kiểm tra và đánh giá. Đồng Nai cũng là địa phương duy nhất tính đến thời điểm hiện tại chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch cụ thể và bố trí kinh phí để triển khai giám sát tại trang trại cung cấp gia cầm cho Công ty TNHH Koyu & Unitek và các vùng đệm xung quanh nhà máy chế biến xuất khẩu.

Mới đây nhất, với sự hỗ trợ của Chính phủ Cộng hòa Slovak, Bộ Nông nghiệp  và PTNT, IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, vừa khởi động dự án hỗ trợ các công ty nông nghiệp cải thiện an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm giữ chân những khách hàng quan trọng cũng như tiếp cận các thị trường xuất khẩu và Công ty Bel Gà (Lâm Đồng) đã được lựa chọn.

Theo đó, IFC sẽ giúp 54 nhà nuôi gà thuộc 3 trang trại gia cầm độc lập trong chuỗi khách hàng của Bel Gà thực hiện chứng nhận GlobalGAP. Việc đạt các tiêu chuẩn quốc tế là bước chuẩn bị đầu tiên để đưa thịt gà Việt Nam xuất khẩu.

Ở miền Bắc, Công ty TNHH ĐTK cũng là doanh nghiệp 100% vốn trong nước mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến trứng, thịt gia cầm khép kín. Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK Phú Thọ ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trong chăn nuôi gà đẻ trứng của Nhật Bản, Mỹ, Isarel. Quy trình ở đây khép kín từ sản xuất nguyên liệu thức ăn đầu vào, con giống, chăn nuôi gà hậu bị, chăm sóc gà thương phẩm, xử lý môi trường, đến thu gom, xử lý và đóng gói trứng thành phẩm ở quy mô lớn và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng trong từng khâu sản xuất.

Theo ông Khương Ngọc Khải, Giám đốc nhà máy, Nhà máy trứng gà sạch ĐTK không chỉ phục vụ thị trường trong nước, mà sẽ xuất khẩu trứng gà sạch an toàn sinh học sang các nước khó tính trên thế giới. Tập đoàn ISE Food (Nhật Bản) đã đặt hàng trứng gà ĐTK để đưa ra sang thị trường Nhật Bản, công ty cũng sẽ hướng đến các thị trường trong khu vực ASEAN và Hàn Quốc. 

Đẩy mạnh phát triển theo chuỗi

Thực tế, những doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị xuất khẩu thịt gà sang Nhật và các thị trường khác phải chấp nhận thay đổi phương thức nuôi, chế biến, xây dựng chuỗi liên kết khép kín. Được biết, Công ty TNHH Bel Gà đang sản xuất 1 triệu con gà công nghiệp mỗi tháng theo chuỗi liên kết bốn bên, trong đó Công ty De Heus cung cấp thức ăn, Bel Gà làm con giống, nông dân đầu tư trang trại và Công ty San Hà lo phần giết mổ, phân phối. Quy trình kỹ thuật nuôi theo tiêu chuẩn của Hà Lan và Bỉ, trại gà được thiết kế thân thiện với môi trường, xa khu dân cư, nuôi chuồng kín có gắn máy điều hoà không khí. Gà giống phải đảm bảo sạch bệnh, ít sử dụng kháng sinh, không còn tồn dư các chất cấm tại thời điểm xuất chuồng.

Tương tự như vậy, Koyu & Unitek cũng áp dụng toàn bộ quy trình kiểm soát theo tiêu chuẩn Nhật Bản với những quy định cực kỳ khắt khe đến nỗi những nông dân đầu tiên tiếp xúc đều than trời vì khó. Theo đó, từ công thức cám cho gà ăn, sử dụng chất kháng sinh đến việc xác nhận con giống thả nuôi đều do người Nhật quản lý.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay, nhiều thị trường nhắm đến sản phẩm gà từ Việt Nam, ngoài Nhật Bản, còn có New Zealand, Nga và một số nước Đông Âu. Nhưng ông Đông thừa nhận, trở ngại lớn nhất để gà Việt cũng như các sản phẩm chăn nuôi khác vươn tới thị trường quốc tế là chúng ta vẫn chưa xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế. Một số loại bệnh dịch nguy hiểm trên gia cầm (cúm gia cầm, Newcastle,...) vẫn xảy ra ở các hộ nhỏ lẻ...

Trước thực tế đó, nhằm nâng cao hiệu quả ngành chăn nuôi, đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng Đề án Phát triển chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu.

Theo ông Đông, mục tiêu cụ thể của đề án đối với sản phẩm thịt gà là ngay trong năm 2017 sẽ hoàn thành xây dựng chuỗi thịt gà chế biến chín xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản cho Công ty Koyu & Unitek và một số công ty khác. Từ năm 2018 sẽ mở rộng sang thị trường một số nước châu Á, châu Âu.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ sẽ tiến hành rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp có nguồn lực tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất động vật, sản phẩm động vật khép kín (từ khâu sản xuất thức ăn, con giống, nuôi thương phẩm, giết mổ, bảo quản, chế biến sâu) đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp có nguồn lực tổ chức xây dựng đề án sản xuất thịt gà theo chuỗi khép kín bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. 

Rà soát lại Đề án thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với gà, hướng tới đạt yêu cầu xuất khẩu tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh; chỉnh sửa, bổ sung để tiếp tục thực hiện hoặc mở rộng hoặc tập trung có trọng điểm gắn với các nhóm giải pháp về chăn nuôi. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh (cúm gia cầm, Newcastle) đối với thịt gà, trứng gia cầm xuất khẩu theo chuỗi sản xuất khép kín nhằm đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE). Xây dựng và thực hiện các chương trình quốc gia về giám sát bệnh động vật phù hợp với mục tiêu xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Hy vọng, với sự mạnh dạn của các doanh nghiệp, sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, sau khi đặt chân sang Nhật Bản, gà Việt sẽ vươn tới nhiều thị trường khó tính khác.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top