Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 13 tháng 1 năm 2021 | 21:40

Gắn sản xuất với chế biến và xúc tiến thương mại ở Tây Nguyên

Để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, bà con Tây Nguyên vừa sản xuất, chế biến, vừa xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm.

Đắk Lắk: Khởi nghiệp từ chế biến nông sản

Từ bỏ công việc cơ khí sau một thời gian gắn bó, anh Đặng Hiếu, khối 3, thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar, Đắc Lắk) quyết định khởi nghiệp với sản phẩm hạt điều rang muối.

 

rau-39.jpg

Chị Kiều chuẩn bị nguyên liệu chế biến bột rau ngót. Ảnh: X. Hoà                                                                                                                 

Nhận thấy vùng nguyên liệu điều của địa phương dồi dào, được nhiều người đặt hàng, đầu ra khá tốt, anh Hiếu nảy ra ý tưởng nhập điều thô từ nông dân về chế biến.

Sau khi tìm hiểu kinh nghiệm từ bạn bè, học hỏi kỹ thuật chế biến, rang sấy điều. Năm 2016, anh Hiếu mở cơ sở rang xay trên diện tích gần 100 m2 để chế biến hạt điều.

Công việc ban đầu phải làm thủ công nên khá vất vả, do phải tự mày mò tìm hiểu và điều khiển máy móc. Dần dần, với kinh nghiệm nhiều năm làm thợ cơ khí, anh đã tự điều chỉnh và vận hành máy rang một cách thuần thục, đảm bảo chất lượng hạt.

Thời gian đầu, chỉ có những đơn hàng nhỏ lẻ. Năm 2017, trong một lần về quê, anh đã kết nối được một khách hàng ở khu vực phía Bắc, với hợp đồng vài tạ hạt điều rang muối.

Cũng từ đây, nhiều người biết đến cơ sở của Hiếu bởi chất lượng hạt điều rất ngon. Khi việc sản xuất dần ổn định, anh Hiếu quyết định mua hai chiếc máy rang hạt điều, để mở rộng sản xuất, cũng như phát triển thêm nhiều sản phẩm mới như: hạt điều rang muối, điều tẩm gia vị, điều nhân trắng

Anh Hiếu chia sẻ, sản phẩm ngon là hạt điều phải giòn, ngọt, thơm mà vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng của hạt điều. Anh khá khắt khe khi chọn nguồn muối, phụ gia, để rang điều sao cho vừa đảm bảo chất lượng; bao bì sản phẩm cũng phải chú trọng, in rõ các thông số, tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất như: nguồn gốc nguyên liệu hạt điều, nhiệt độ rang, thời gian bảo quản.

Hiện cơ sở của Hiếu tạo việc làm cho 2 lao động, với mức thu nhập bình quân 15 triệu đồng/người/tháng. Trung bình, mỗi năm cơ sở của anh thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Dự định sắp tới Hiếu sẽ mở thêm cơ sở ở một số địa phương khác; đồng thời chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ... để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Nhận thấy thực tế, trẻ em ít ăn rau củ, người ốm đau ăn ít nên không được bổ sung chất xơ, người phải bổ sung dinh dưỡng lại lười ăn, hay người dùng mỹ phẩm làm đẹp, khó kiếm nguyên liệu rau củ sạch..., chị Trần Thị Thúy Kiều cùng nhóm nông dân Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ nông nghiệp xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) tìm tòi, học hỏi và chế biến các loại bột sấy lạnh, từ rau củ vườn nhà để phục vụ những nhu cầu đa dạng trên.

Với cách làm đơn giản: nguyên liệu được làm sạch, để khô ráo, cho vào máy sấy 10 – 24 giờ, và xay nghiền mịn, đóng gói. Hiện, nay chị Kiều đã cho ra đời gần 10 sản phẩm bột rau củ sấy lạnh như: rau ngót, bột chùm ngây, bí đỏ, cà rốt...

Cứ 10 kg rau làm được 1 lạng bột rau; 30 kg củ được 1 lạng bột củ sấy lạnh, mỗi sản phẩm có giá bán khác nhau. Ngoài, chị Kiều còn có các sản phẩm chế biến từ tiêu xanh, như: tiêu xanh ngâm giấm chua cay, tiêu chua ngọt, tiêu sấy giòn... dùng làm gia vị chế biến thực phẩm.

Sản phẩm bột rau củ của HTX Ea Bar được sản xuất theo công nghệ sấy lạnh, nên vẫn giữ nguyên hương vị gốc, và màu sắc tự nhiên của rau, củ.

Để có nguyên liệu sản xuất sạch, chế biến bột rau sấy lạnh, chị Kiều và các thành viên HTX đã phá bỏ hơn 3 ha cà phê, để chuyên làm vùng nguyên liệu ổn định và kiểm soát được an toàn thực phẩm.

Thông qua nhiều kênh bán hàng, các sản phẩm bột rau củ sấy lạnh được xem là sản phẩm mới lạ, giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn thực phẩm tiện dụng, an toàn.

Chị Kiều ấp ủ sẽ thiết kế mẫu mã bao bì, chuyển sang bao bì giấy để thân thiện môi trường, đồng thời tiếp tục cải thiện chất lượng sản phẩm, tạo thêm sản phẩm mới, chất lượng cao hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu

Gia Lai: Đẩy mạnh sản xuất organic, xúc tiến thương mại

Mặc dù sản xuất kinh doanh chưa lâu, nhưng HTX Thương mại nông nghiệp và Dịch vụ CPA (HTX Organic CPA), xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh (Gia Lai) đã hỗ trợ thành viên tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm đối tác, thị trường.

 

t-m-9.jpg

Gian trưng bày sản phẩm organic của HTX CPA tại Hội chợ OCOP Gia Lai 2020. Ảnh: Sơn Ca

 

Đây là HTX đầu tiên của xã Nghĩa Hưng với 11 thành viên. Mặc dù còn non trẻ, nhưng khi được chính quyền địa phương, Hội Nông dân quan tâm ủng hộ, HTX đã vừa sản xuất vừa xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm.

Một số thành viên có tiềm lực tài chính, có sản phẩm đạt OCOP, hoặc đã có thị phần ổn định như: bò khô Tùng Phương Du Ký, cà phê MyBella, ngũ cốc phấn hoa mật ong Phước Hỷ, đông trùng hạ thảo HTP, mật ong TBEE… nên có thể dìu dắt các thành viên khác tham gia quảng bá sản phẩm.

Hầu hết, thành viên HTX là nông dân nên khâu tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm yếu và thiếu kinh nghiệm.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (thôn 7, xã Nghĩa Hưng) bộc bạch: “Theo nhu cầu  tiêu dùng hiện nay, tôi sản xuất các loại trà detox thảo dược như: trà mãng cầu, trà sả chanh, chủ yếu bán qua kênh online, quy mô nhỏ lẻ. Để đưa sản phẩm đi xa hơn, một mình tôi không đủ sức. Nhờ sự hỗ trợ của HTX Organic CPA, tôi đã yên tâm”.

Còn chị Đoàn Thị Thúy-cơ sở mật ong Phước Hỷ (xã Nghĩa Hưng) bày tỏ: “Tôi quyết định làm thành viên HTX Organic CPA để hợp tác xây dựng một tập thể mạnh, hỗ trợ nhau mở rộng thị trường, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên”.

Với tinh thần trên, chỉ trong 3 tháng cuối năm 2020, HTX đã tích cực tham gia các chương trình hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.

Đồng thời, HTX đã xây dựng gian trưng bày sản phẩm của thành viên, giới thiệu và kết nối với đối tác, mở rộng cơ hội thị trường cho sản phẩm.

Ông Đoàn Hữu Thắng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Organic CPA-cho biết: “Chúng tôi kết hợp trưng bày, giới thiệu sản phẩm đã có tên tuổi, đạt chuẩn OCOP cùng những sản phẩm mới. Qua đó, tạo cơ hội tiếp cận người tiêu dùng thuận lợi hơn, cũng từ đó, HTX kết nối với đối tác mới tốt hơn”.

Không chỉ kết nối, HTX hiện có một cửa hàng phân phối nông sản, đặc sản tại TP. Hồ Chí Minh; 2 thành viên của HTX là doanh nghiệp nhỏ nên có thể thu mua, bao tiêu một số nông sản khác.

Về kế hoạch năm 2021, anh Đoàn Hữu Thắng cho biết: “HTX sẽ hỗ trợ thành viên hoàn thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm trước khi đưa vào TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, đề xuất với chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp  huyện, xây dựng vùng nguyên liệu VietGAP, đưa sản phẩm chất lượng tham gia Chương trình OCOP”.

Ông Nguyễn Văn Dư-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng-nhìn nhận: “HTX Organic CPA tuy mới thành lập, nhưng đã có sự chuẩn bị chu đáo từ trước đó. Đây là HTX đầu tiên của Nghĩa Hưng nên rất được địa phương quan tâm.

Về phía Hội Nông dân, chúng tôi thấy HTX đã mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên, bằng việc liên kết sản xuất, góp phần tạo việc làm, nhất là thành viên người DTTS, hộ nghèo”.

Lâm Đồng: Vườn dâu tây vượt khó để bù lỗ dịch COVID-19

Vượt qua những khó khăn thị trường do dịch COVID-19, Vườn dâu tây Newzealand công nghệ cao Tùng Nguyên Đà Lạt đã duy trì sản xuất, từng bước khôi phục lại doanh thu và lợi nhuận ban đầu. 

 

dau-19.jpg

 Dâu tây Tùng Nguyên đang khôi phục doanh thu sau dịch Covide – 19

 

Đây là vườn dâu 5.000 m2 nhà kính công nghệ cao, thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt với mức đầu tư 5 tỷ đồng, sản xuất và thu hoạch từ giữa năm 2017 đến nay. Sản lượng đều đặn 40 - 50kg,/ngày tiêu thụ khá nhanh với Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ...

Song, khoảng 8 tháng đầu năm 2020, vườn dâu thường xuyên trong cảnh được mùa nhưng không có người mua vì dịch COVID-19. Còn lại 1 khu nhà kính diện tích 6.000 m2, hàng ngày thu trên 50 kg dâu tây Newzealand cũng bị ách tắc do dịch COVID-19.

Chủ vườn dâu Tùng Nguyên, anh Nguyễn Thanh Trúc cho biết, kho lạnh trữ đông cả ngàn ký dâu tươi Newzealand, vẫn tồn đọng từ đầu năm 2020 đến giờ.

“Không thể đưa số dâu tây trữ đông quá hạn 3 tháng ra thị trường, khi chất lượng, hương vị không còn nữa, dẫn đến nguy cơ người tiêu dùng mất niềm tin với thương hiệu dâu tây VietGAP Tùng Nguyên. Bởi vậy, Tùng Nguyên quyết định tiêu hủy toàn bộ số dâu tây trữ đông này... ”, anh Trúc nói. 

Cũng theo anh Nguyễn Thanh Trúc, 8 tháng đầu năm 2020, ước tổng sản lượng 15 tấn dâu tây Newzealand, trên 4 khu vườn nhà kính công nghệ cao của Tùng Nguyên phải hủy bỏ vì dịch COVID-19.

Giá trị thiệt hại tương đương 1,5 tỷ đồng. Dẫu bị mất khoản doanh thu không nhỏ như vậy, nhưng Tùng Nguyên vẫn kiên trì vượt khó, giữ lại nguyên vẹn từng khu vườn nhà kính sản xuất trái cây đặc trưng của Đà Lạt theo chuẩn VietGAP.

Cụ thể, từng vườn cây dâu tây Newzealand Tùng Nguyên, được cải tạo tách ngó (cây con) trồng dặm thường xuyên cho đủ mật độ theo quy định.

Bổ sung, thay thế các thiết bị trên hệ thống tưới nước nhỏ giọt tự động, kết hợp bón phân; thay mới giá thể xơ dừa định kỳ; lắp đặt mới hệ thống quạt gió nhà kính; nâng cấp hệ thống máng treo từ quay tay sang quay tự động qua mô tơ điện, đảm bảo cách ly mặt đất hơn 1m.

Giữ khoảng cách 60 - 65 cm đối với máng cố định và 30 - 35 cm đối với màng lưu động; tăng cường các giải pháp sinh học để phòng, chống sâu bệnh, nhất là bọ trĩ, nhện đỏ, nấm hại lá, trái...

Kết quả từ tháng 9/2020 đến nay, thị trường dâu tây dần dần thông thương trở lại, Vườn dâu tây Newzealand Tùng Nguyên giữ lại 3 khu, với tổng diện tích 9.000 m2 và 1 khu 2.000 m2, chuyển giao lại cho hộ gia đình khác thâm canh, đạt năng suất trung bình khoảng 10 kg/1.000 m2/ngày.

Hạch toán lợi nhuận khoảng 100.000 đồng/kg dâu, lợi nhuận 30 triệu đồng/1.000 m2/tháng. Như vậy tính riêng 9.000 m2 dâu tây đang thâm canh, Vườn dâu tây Tùng Nguyên nếu ổn định đầu ra gần 6 tháng liên tục sẽ có thừa khoản  bù đắp  thiệt hại 1,5 tỷ đồng năm 2020 nêu trên. 

Một vài kinh nghiệm sản xuất dâu tây Newzealand công nghệ cao của thương hiệu Tùng Nguyên Đà Lạt, anh Nguyễn Thanh Trúc, chia sẻ: Luân phiên sau một năm sản xuất và thu hoạch, phải trồng lại toàn bộ cây giống cấy mô sạch bệnh trên giá thể mới.

Duy trì chế độ tưới tự động từ nước giếng khoan, một ngày tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân 5 lần, mỗi lần tưới 8 - 10 phút. Đảm bảo nhiệt độ phù hợp thông qua việc sử dụng hệ thống quạt gió điều hòa trong nhà kính, theo từng mùa trong năm.

Thường xuyên tách cây con để trồng dặm vào những cây kém phát triển, cắt tỉa cành yếu ớt, tập trung dinh dưỡng nuôi cành khỏe để đậu trái chất lượng, năng suất cao nhất...

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top