Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 12 năm 2018 | 11:32

Gia Lai: Trồng cam trên đất hồ tiêu chết thu lãi lớn

Dốc vốn đầu tư hồ tiêu, nhưng cây chết vì bệnh, khiến bà con Gia Lai trắng tay. Song, có lão nông mạnh dạn chuyển sang trồng cam, và vùng đất “chết” đã cho thu nhập cao.

Năm 1997, ông Phan Minh Tân từ Bình Phước lên huyện Chư Pưh (Gia Lai) lập nghiệp, lúc này, Chư Pưh chỉ là đồi núi, cây cỏ. Sau khi khai hoang, vợ chồng ông vay vốn khắp nơi đầu tư hơn 1.700 trụ tiêu. Tưởng cây tiêu sẽ mang lại thu nhập cao, vì lúc này giá tiêu đang vượt mốc hơn 200.000 đồng/kg, song, đột nhiên cả vườn bị bệnh vàng lá rồi tiêu chết dần.

 

g-l-66666-cam.jpg

Vì cam hợp với thổ nhưỡng Chư Pưh nên  năng suất cao và cho quả ngọt

 

Quần quật chăm sóc tiêu với mong muốn đổi đời, nhưng đã trắng tay.  Thất bại lớn, ông Tân quyết định bỏ hết tiêu và thay vào 2.700 gốc cam sành. “Nghĩ lại cũng thấy liều vì mình là người đầu tiên đưa giống cam này về với Chư Pưh, cũng chẳng được học hành gì. Đa số kinh nghiệm tự học hỏi trên mạng và các chuyến đi thực tế ở miền Tây. Rất may, cam này phát triển rất tốt, lại cho năng suất cao, công cán và chi phí ban đầu cũng không nhiều…”. Ông Tân Chia sẻ

Những quả cam của ông Tân cũng chẳng kém cạnh gì so cam miệt vườn, nhiều quả nặng đến 6 lạng, thơm và ngọt. Năm 2017, chỉ mới vào vụ bói đầu tiên, ông đã thu về 12 tấn, với giá 20.000 đồng/kg ông bỏ túi 240 triệu đồng. Năm 2018, dù cam không được giá như năm ngoái, nhưng lại vượt trội về năng suất. Vì vậy, ông đã thu về 70 tấn, trừ hết công cán chi phí, lãi ròng 700 triệu đồng.

“Cam là loại cây ăn quả có múi nên khá nhiều sâu bệnh, vì thế cần phải nắm vững kỹ thuật. Từ việc chọn giống đến khâu chăm sóc, bón phân, xịt thuốc. Để phòng sâu bệnh, ngoài việc xịt thuốc bảo vệ thực vật, nhà vườn cần tưới nước thường xuyên để rửa các loại nấm bệnh, côn trùng bám trên lá. Đặc biệt, cần phải bổ sung chất dinh dưỡng và nguồn nước khi cây ra hoa, kết trái đến khi thu hoạch. Việc bọc lưới xốp cho quả tuy tốn công, hạn chế được sâu bệnh, cam không bị rám nắng, giữ được màu xanh, cho nhiều nước và ngọt hơn…”, ông Tân cho biết thêm.

Trong khi mọi người đang loay hoay tìm giải pháp cứu tiêu, ông Tân đã phá bỏ tiêu, trồng cam. Giờ đây, khi mọi người chuẩn bị trồng cam thì ông lại đan xen canh chanh và nhãn trong vườn cam. Song, không vì 2 loại quả mới mà ông quên mất vườn cam. Hiện, ông Tân vẫn đang phát triển đan xen các loại quả này.

Ông Nguyễn Long Khánh – Phó phòng Nông nghiệp huyện Chư Pưh cho biết: “Những năm qua, do thời tiết thất thường nên dịch bệnh xuất hiện nhiều trên cây hồ tiêu. Chính vì vậy, hàng nghìn ha tiêu đã bị xóa sổ. Hiện, chúng tôi đang hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, khuyến cáo nông dân luân chuyên cây trồng từ 2-3 năm, đợi diệt hết mầm bệnh trong đất trước khi trồng lại vườn tiêu mới. Một số cây trồng huyện đang khuyến khích xen canh là bơ, sầu riêng, cam...Bước đầu đã có hiệu quả tích cực, bà con đang trồng xen cây ăn quả, phá bỏ diện tích tiêu chết…”.

 Đắk Nông: Người dân kém vui vì cà phê mất mùa, rớt giá

Hiện, trên địa bàn huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã thu hoạch hơn 60% cà phê. Dù đang thu hoạch nhưng vụ mùa năm nay, không chỉ năng suất thấp, giá cà phê cũng giảm mạnh, so cùng kỳ năm 2017, khiến nông dân không mấy phấn khởi.

 

ca-fe-6666-rt-gia.jpg

 Một vụ cà phê mới của nông dân Đắk Mil

 

Vừa thu hoạch xong cà phê, chị Đào Thị Dư, thôn Đức Bình, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) đang phơi khô số cà phê thu hoạch được. Chị Dư có 2,8 ha cà phê, trong đó có 0,4ha cà phê đang tái canh, còn lại đang trong thời kỳ kinh doanh. Theo tính toán, với hơn 22 tấn cà phê tươi năm nay, sau khi phơi khô sẽ được khoảng hơn 5 tấn cà phê nhân. So vụ cà phê năm 2017,  năm nay, sụt giảm hơn 2 tấn cà phê nhân.

Chị Dư chia sẻ: năm nay, đầu tư hết 40 triệu đồng tiền phân bón, khoảng 30 triệu tiền công cắt cỏ, vét bồn 3 đợt và gần 30 triệu đồng tiền công thu hái. Chưa tính xăng dầu tưới nước, với giá cà phê 33.000đ/1kg như hiện nay, thì không được bao nhiêu, và còn ảnh hưởng đến vụ tới.

Anh Võ Tá Thuận, thôn Đắk Hà, Đắk Sắk (Đắk Mil) có 3.000 cây cà phê kinh doanh. Đã thu hoạch khoảng 70% diện tích, anh dự báo sản lượng năm nay thấp hơn năm ngoái. "Năm ngoái, tôi thu được 13 tấn cà phê nhân, nhưng năm nay, sản lượng ước đạt 10 tấn cà phê nhân", anh Thuận cho biết.

Bà Nguyễn Thị Tình, Trưởng Phòng Nông nghiệp  Đắk Mil, cho biết: vụ cà phê 2018, toàn huyện có gần 20 ngàn ha cà phê kinh doanh, năng suất ước đạt 2,52 tấn/ha, sản lượng 49.014 tấn, so năm 2017, giảm khoảng 30%.

Đắk Lắk: Trồng xen bơ, sầu riêng trong vườn cà phê

.Đến xã vùng sâu vùng xa Cư Klông, huyện Krông Năng, bây giờ, ngoài cà phê, người ta nhắc nhiều hơn đến các loại cây trồng khác như bơ, sầu riêng và hồ tiêu.

 

l-bo-66666.jpg

 Người dân trồng xen bơ trong vườn cà phê

 

Với trên 3.200ha đất sản xuất, cà phê vẫn là cây chủ lực của địa phương, khoảng 1.500ha. Rục rịch từ năm 2010, cao điểm năm 2015 - 2016, người dân đua nhau chặt phá cà phê để trồng hồ tiêu, không theo quy hoạch. Trên quan điểm duy trì diện tích cà phê, không để xảy ra tình trạng ồ ạt phá bỏ để trồng hồ tiêu. Năm 2016, Đảng ủy xã Cư K long đã có Nghị quyết về trồng xen cây hồ tiêu và một số cây ăn quả vào vườn cà phê giai đoạn 2016 - 2020.

Nghị quyết xác định: cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, có thế mạnh, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Việc trồng xen hồ tiêu, sầu riêng, bơ vào vườn cà phê là nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Vùng quy hoạch cũng được chỉ rõ: ở tất cả các thôn, nhưng chủ yếu tập trung vào địa bàn Tam Bình, Tam Hợp, Tam Hà, Tam Thuận, Tam Khánh, Ea Bir, với diện tích 1.000 ha trở lên vào năm 2020.

Để hỗ trợ bà con, xã đã có nhiều giải pháp: tổ chức hội thảo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm các vườn trồng xen cây hồ tiêu, và cây ăn quả tại một số xã trên địa bàn huyện. Nhất là các mô hình đạt từ 100 - 500 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất tiết kiệm đất, nước và các cây trồng mới, đặc biệt là do người dân tự tìm tòi đạt hiệu quả cao và đã được giới thiệu nhân rộng.

 Bên cạnh đó, xã còn đối thoại với ban tự quản các thôn, những hộ làm kinh tế giỏi để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cách làm hay của từng thôn và hộ gia đình và các giải pháp đối với vườn cây cụ thể. Nếu là vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, vận động bà con phá bỏ tiếp tục tái canh.

 Đồng thời, trồng xen hồ tiêu, cây ăn quả có giá trị; diện tích đất trống, đất tận dụng, đất chưa có kế hoạch trồng cây gì, thì tiến hành trồng hồ tiêu, cây ăn quả.

Hướng phát triển đa cây, xen canh được hầu hết người dân đồng thuận. Trong đó bơ, sầu riêng, hồ tiêu là cây được lựa chọn nhiều nhất, trên 30 mô hình. Đơn cử như anh Phạm Hồng Thái, với 3 ha cà phê trồng từ năm 1994, anh đã chuyển đổi và đã trồng xen cây  khác. Hiện, anh có 2 ha bơ, 1 ha sầu riêng và tiêu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Hoặc, anh Vũ Anh Tú “nổi danh” với 3 ha bơ, sầu riêng, tiêu xen cà phê được đầu tư khá bài bản, có lắp đặt hệ thống camera. Anh Tú cho hay, chỉ tính riêng cây bơ, trung bình mỗi năm đem lại nguồn thu 700 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Cư Klông khẳng định: Trồng xen canh được coi là giải pháp xuyên suốt, là bước đi bền vững trong quá trình sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế địa phương. Chính quyền xã luôn xác định mục tiêu cụ thể, có lộ trình, bước đi, và đề ra chỉ tiêu cụ thể cho từng năm. Theo đó, các chỉ tiêu về phát triển cây trồng, địa phương đều đạt và duy trì ổn định, kiểm soát được diện tích trong quy hoạch.

Trồng cam sành trên đất hồ tiêu chết, thu lãi cao; người dân kém vui vì  cà phê mất mùa, rớt giá; giải pháp trồng xen bơ, sầu riêng, hồ tiêu trong vườn cà phê đem lại nguồn thu ổn định, bền vững là tin Tây Nguyên nổi bật trong tuần qua.

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top