Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 3 tháng 11 năm 2018 | 15:52

Gia Lai: Trồng điều trên diện tích mía kém hiệu quả

Thời gian qua, giá hạt điều tăng, đã giúp nhiều hộ nông dân huyện Kông Chro (Gia Lai), có thu nhập ổn định. Do đó, bà con đã chủ động chuyển đổi một số diện tích sang trồng điều.

g-lai-đieu-99.jpg

 Người dân xã Kông Yang đang chăm sóc những vườn điều mới trồng

Từ thập niên 90, huyện Kông Chro đã đưa cây điều vào trồng với diện tích hàng ngàn héc ta, để giúp người dân xóa đói giảm nghèo và chống xói mòn đất. Tuy nhiên, sau đó, do giá hạt điều không ổn định, năng suất thấp, nên người dân đã phá bỏ gần hết, và chuyển sang trồng mía, mì. Đến nay, tổng diện tích điều trên địa bàn huyện chỉ còn khoảng 100ha.

 Vài năm gần đây, giá hạt điều tăng mạnh trở lại. Cây điều cho lợi nhuận cao hơn, so một số cây ngắn ngày khác. Với giá ổn định 35 -37.000 đồng/kg như hiện nay, nông dân có thể lãi khoảng 20 triệu đồng/ha. Trong khi đó, giá mía lại đang giảm mạnh, khiến người trồng không có lợi nhuận, thậm chí còn lỗ vốn to. Vì vậy, nhiều người đã chuyển diện tích mía kém hiệu quả sang trồng điều.

 Để giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Kông Chro đã triển khai mô hình thâm canh cây điều ghép, theo hướng áp dụng kỹ thuật canh tác tổng hợp, với diện tích 10 ha cho 4 hộ tại 2 xã Kông Yang và Chơ Long, tổng kinh phí thực hiện trên 367 triệu đồng.

 Ông Nguyễn Văn Thanh, xã Kông Yang, cho biết: “Ở đây, đất đai khô cằn chỉ trồng được mía, mì hoặc điều. Hiện, giá hạt điều cao và được huyện hỗ trợ nên gia đình tôi đã tham gia trồng 3 ha. Nếu cứ giữ vững như hiện nay, sau 3 năm nữa, tôi sẽ có thu nhập ổn định. Trước mắt, cây điều còn ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, nên tôi trồng xen khoai lang để có thêm thu nhập”.

 Về mô hình thâm canh cây điều, ông Nguyễn Quang Quốc-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kông Chro-cho biết: Huyện phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, sản lượng, các loại cây trồng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

 Do đó, điều là cây đa mục tiêu (phát triển kinh tế, phòng hộ đất, bảo vệ môi trường), phù hợp trình độ canh tác của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Khi mô hình triển khai, sẽ giúp người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh, để nâng cao hiệu quả kinh tế.

 “Hiện, đã có các giống điều ĐDH 01, PN1, BĐ-01, ES-04, EK-24, DDH 67-15 vào trồng. Sau 3 năm, điều bắt đầu ra hoa. Ưu điểm của những giống điều này là ra hoa làm 3 đợt, và kéo dài khoảng 3 tháng, nên giảm rủi ro khi thời tiết bất lợi. Dự kiến năng suất điều đạt 1,2-1,7 tấn/ha. Với giá ổn định 35.000 đồng/kg như hiện nay, người trồng điều sẽ có lợi nhuận trên 40 triệu đồng/ha”-ông Quốc nhấn mạnh.  

Hiện, bà con Kông Chro đã đăng ký trồng điều, theo chương trình hỗ trợ năm 2019, được gần 510 ha. Ông Nguyễn Duy Tùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kông Chro-cho biết: Huyện đang thực hiện chuyển đổi một phần diện tích mía sang trồng điều và phấn đấu đến năm 2020 diện tích điều đạt hơn 1.000 ha.

 Thời gian tới, sẽ triển khai mô hình điều thâm canh, cho đồng bào thiểu số. Hiện, đã liên kết với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, để cung ứng giống điều ghép cao sản. Đồng thời, tăng cường tập huấn cho nông dân, nhất là đồng bào thiểu số, về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ bệnh hại trên cây điều.

 Kon Tum: Giá cà phê liên tục "nhảy múa", bán hay giữ?

Khi vườn cà phê chín rộ, cũng là lúc người dân dồn hết tâm trí vào chuyện giá cả. Sau 1 thời gian dài đầu tư công sức, tiền của cho vườn cây, đến mùa thu hoạch, thay vì vui mừng, người trồng lại "thót tim" vì giá cả liên tục nhảy múa...

k-tum-cfe-99999.jpg

 Người dân lo lắng vì giá cà phê vẫn liên tục nhảy múa

Sau mấy ngày cà phê có đà tăng nhẹ, khiến người trồng khấp khởi bước vào vụ thu hái mới, hy vọng giá sẽ tăng, thì các ngày 30-31/10, và đầu tháng 11, giá cà phê nhân xô lại đảo chiều, giảm liên tục, khiến người dân lo âu.

Theo đó, sáng 1/11, tại điểm thu mua của Công ty TNHH MTV Nguyễn Huy Hùng (huyện Đăk Hà), giá thu mua 7.400 đồng/kg (quả tươi), và 35.800 đồng/kg nhân xô; trước đó, ngày 27 – 29/10, giá cà phê nhân xô là 37.000 đồng/kg. Các đại lý khác, cũng thu mua từ 7.400-7.500 đồng/kg quả tươi; như vậy, giá cà phê đã giảm mạnh so các ngày trước.

Anh S. một hộ trồng cà phê ở thị trấn Đăk Hà, cho biết, sau khi giảm "chạm đáy" vào tháng 9 (32.000 đồng/kg nhân xô), đến tháng 10, thời điểm rục rịch thu hái niên vụ mới, thì giá cà phê bắt đầu tăng, cao nhất là khoảng giữa tháng 10, 37.700 đồng/kg (nhân xô).

Nhưng từ 30/10, giá đảo chiều, giảm từng ngày, xuống 36.300 đồng/kg nhân xô, rồi 36.200 đồng, và hiện là dưới 36.000 đồng/kg nhân xô.

Việc cà phê tăng đầu vụ là tin vui, giá tăng, bà con sẽ có tiền trả nợ và mạnh dạn đầu tư niên vụ sau. Song, giá cả cứ lên xuống thất thường, khiến người dân "thót tim"- anh S. nói.

Một chủ vườn cà phê 3 héc ta, tại xã Hà Mòn (Đăk Hà), chia sẻ, dù chưa thu hái cà phê, và cũng chưa chốt giá, nhưng vẫn theo dõi sát diễn biến giá cả, và lo lắng khi giá cà phê vừa nhích lên, lại bắt đầu giảm. Không biết nên tích trữ, hay tiếp tục bán ra? Mà nếu bán, thì bán vào thời điểm nào để có lợi nhất?

Một đại lý khác cho biết, giá lên xuống chóng mặt như vậy, thì không dám mạo hiểm mua vào/bán ra. Một số đại lý và nhiều hộ gia đình lại chọn cách tích trữ; thu gom rồi cất giữ trong kho, hoặc ký gửi, cầm cố, với kỳ vọng giá sẽ tăng cao hơn. Song, đây cũng là "con dao 2 lưỡi", luôn tiềm ẩn rủi ro, đòi hỏi sự nhạy bén khi găm hàng.

M'Đrắk: Tất bật vào vụ trồng rừng mới      

Là địa phương có diện tích trồng rừng lớn nhất tỉnh Đắk Lắc, huyện M’Đrắk đang tất bật vào vụ trồng rừng 2018. Hiện, diện tích đang tăng mạnh, vì người dân đang khôi phục diện tích gãy đổ, do bão năm 2017 gây ra.

lac-r-1119999.jpg

 Người dân Ea Trang vận chuyển cây giống để trồng rừng

Tại xã Ea Trang - địa phương có diện tích rừng trồng thiệt hại nặng do cơn bão số 12/2017 gây ra (với khoảng 1.300 ha bị gãy đổ), người dân đã trồng mới được 400/550 ha theo kế hoạch. “Mấy năm gần đây, nhờ trồng rừng, người dân trong xã đã khấm khá, nên dù bị thiệt hại nặng, bà con  vẫn ưu tiên trồng rừng để phát triển sản xuất", ông Y Đôi Niê, Chủ tịch xã Ea Trang cho biết.

Năm 2018, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk, có kế hoạch trồng mới 400 ha rừng. Ông Ngô Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty, cho biết,  những năm trước, mỗi năm chỉ trồng mới hơn 100 ha rừng, nhưng do ảnh hưởng cơn bão số 12, đã làm cho hơn 800 ha rừng, 3 - 5 năm tuổi bị gãy đổ hoàn toàn, nên năm nay, diện tích trồng rừng của đơn vị tăng đột biến lên 400 ha.

Hiện, khó khăn lớn nhất của Công ty là, thiếu nhân công dọn dẹp, tận thu gỗ gãy đổ do cơn bão số 12. Dù cố gắng lắm, Công ty cũng chỉ trồng được phân nửa số diện tích đã bị thiệt hại vừa qua. "Nguồn thu nhập chính của chúng tôi là rừng trồng, vì thế, ngay sau bão, đơn vị đã thu gom số cây gãy đổ, dọn dẹp thực bì, chuẩn bị vật tư, cây giống để trồng mới. Hiện, đã trồng được 50% diện tích, số còn lại, đang gấp rút trồng để kịp thời vụ"- ông Đức cho hay.

Mặt khác, diện tích trồng rừng tăng, đã giúp các cơ sở sản xuất keo giống, trên địa bàn M'Đrắk hoạt động sôi nổi hơn. Anh Mai Văn Hải, chủ một cơ sở sản xuất keo giống, xã Krông Jing, cho biết, những năm trước, bình quân bán được khoảng 2 triệu cây giống, nhưng năm nay tăng cao, hiện anh đã trồng 4 triệu cây giống. Nếu chăm sóc tốt thì khoảng 4 năm đã có thu hoạch, nên người dân đã lựa chọn.

Năm 2018, M'Đrắk trồng mới hơn 2.900 ha rừng, trong đó, các doanh nghiệp khoảng 1.400 ha, còn lại là của dân. Hiện, bà con đã trồng được gần 2.000 ha. 

Theo ông Y Lốp Niê, Chánh Văn phòng UBND huyện, năm nay, dự kiến trồng 3.900 ha rừng, tuy nhiên do ảnh hưởng của bão số 12, rừng trồng bị gãy đổ lớn, dẫn đến giá nhân công cao, khiến việc khai thác, dọn thực bì gãy đổ không kịp, nên chỉ trồng mới khoảng 2.900 ha. Cây keo phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây. Hiệu quả cũng vượt trội so cây trồng khác.

“Theo đó, mỗi héc-ta keo, có chu kỳ khoảng 5 năm, khi thu hoạch sẽ cho nguồn thu gần 70-100 triệu đồng, trừ phí đầu tư 20 triệu đồng, lãi 50 - 80 triệu đồng. Vì vậy, những năm gần đây, nhiều vùng đất trống, đồi trọc đã được chuyển đổi sang trồng rừng. Nhờ nguồn thu này, kinh tế người hộ dân đã ổn định hơn”, ông Y Lốp Niê khẳng định.

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top