Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 23 tháng 5 năm 2020 | 16:28

Giá lợn vẫn neo cao: Cách nào để bảo vệ người tiêu dùng?

Dù thịt nhập khẩu tăng tới 312%, tốc độ tái đàn cũng tăng mạnh, song giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong thời gian dài đến nay. Khi người chăn nuôi gặp khó khăn, người tiêu dùng vào cuộc chia sẻ, nhưng hiện nay người tiêu dùng đang bị mua thịt giá cao.

 

5811371b96770d624eea043571d40dad-1024x10241.jpg
Giá thịt lợn đang tăng mạnh. (Ảnh: IT)

 

Xây dựng cơ chế công bố minh bạch thông tin về thị trường thịt lợn

Thịt lợn là thực phẩm thiết yếu, được sử dụng hàng ngày trong đời sống. Trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động, người lao động phải nghỉ việc, bị giảm hoặc không có thu nhập nhưng nhiều tháng nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao khiến nhiều gia đình đã phải cắt giảm mức tiêu dùng thịt lợn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã nhận định như vậy tại hội thảo "Thịt lợn-Bình ổn giá vì quyền lợi người tiêu dùng" do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, khi người chăn nuôi gặp khó khăn, người tiêu dùng vào cuộc chia sẻ, nhưng hiện nay người tiêu dùng lại đang phải mua thịt lợn với giá cao.

Cách đây hơn 3 năm, phần lớn đầu ra sản phẩm chăn nuôi lợn xuất khẩu sang Trung Quốc, khi thương lái ép giá, lợn hơi xuống dưới 30.000 đồng/kg, thậm chí giữa năm 2017 thịt lợn rớt giá xuống còn trên dưới 20.000 đồng/kg, người chăn nuôi bị lỗ nặng. Do đó, hưởng ứng kêu gọi, người tiêu dùng đã tăng cường tiêu thụ thịt lợn góp phần giải cứu cho người chăn nuôi.

Có một nghịch lý là dù thịt nhập khẩu tăng tới 312%, tốc độ tái đàn cũng tăng mạnh, song giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong thời gian dài cho đến nay.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân mà còn liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng CPI bởi đây là mặt hàng nằm trong giỏ hàng hóa để tính CPI.

Theo Tổng cục Thống kê, bình quân quý 1 năm 2020, giá thịt lợn tăng 58,8% so với cùng kỳ năm 2019; góp 2,47% trong mức lạm phát 5,6% của quý 1 năm 2020.

Chính vì vậy, nếu chi phí chăn nuôi tại các trang trại chỉ từ 35.000 đồng/kg, về mặt lý thuyết, nếu giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi lãi 25.000 đồng/kg; tăng thêm 10.000 đồng thì khu vực chăn nuôi lãi thêm 90 tỷ đồng/ngày; tăng thêm 20.000 đồng thì khu vực chăn nuôi lãi thêm 180 tỷ đồng/ngày. Như vậy, vẫn còn dư địa để giảm giá bán lợn hơi, trên cơ sở đó giảm giá bán lẻ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tiểu thương kinh doanh thịt lợn chia sẻ, tuy doanh nghiệp công bố từ 1/4/2020 hạ giá bán lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg nhưng họ rất khó tiếp cận nguồn hàng. Vậy có hay không việc doanh nghiệp hạn chế nguồn cung để tạo ra khan hiếm giả tạo.

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng, sau dịch tả lợn châu Phi, hầu hết con giống, lợn nái do các doanh nghiệp chăn nuôi lớn nắm giữ. Giá bán lợn giống được đẩy lên 2,5-3 triệu đồng/con, cao gấp 3 lần so mức thông thường.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố số lượng đàn nái, con giống tại từng doanh nghiệp và tìm hiểu tại sao con giống được bán với mức cao như vậy. Việc này vì lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng cũng như Nhà nước, bởi lẽ việc phát triển nguồn cung trong nước vẫn cần đặt lên hàng đầu. Không để việc cung ứng con giống rơi vào thế độc quyền.

Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay, việc giá lợn tăng cao chỉ một bộ phận người chăn nuôi được hưởng lợi.  Rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay đang tái đàn ồ ạt, điều này rất rủi ro trong dài hạn bởi chi phí chăn nuôi đang cao nhưng trong vòng 5-6 tháng nữa liệu giá lợn có cao để bù đắp chi phí.

Ông Hoàng Văn Cường cũng chỉ ra rằng, ngay cả các tiểu thương bán lẻ ngoài chợ cũng gặp khó khăn vì nhập cao nên giá bán ra cũng sẽ cao. Tuy nhiên, khi thịt lợn bán giá cao dẫn đến tình trạng ế hàng vì người tiêu dùng chuyển sang thay thế bằng cá, bò, gà…hay lợn nhập khẩu khiến tiểu thương cũng gặp không ít khó khăn và ngành chăn nuôi sẽ mất sân nhà.

Để bảo vệ người tiêu dùng, ông Cao Xuân Quảng, Trưởng Phòng bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng, việc xây dựng cơ chế để công bố minh bạch các thông tin về thị trường thịt lợn là cần thiết.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an… cùng phối hợp, xây dựng trang thông tin điện tử, đường dây nóng, buộc kê khai hoặc quản lý giá đối với mặt hàng thịt lợn. Hơn nữa, cần tăng cường kiểm tra đảm bảo minh bạch về giá tại các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng thịt lợn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, các hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Về phía các doanh nghiệp, cần tích cực hợp tác với cơ quan quản lý để xây dựng một thị trường thịt lợn phát triển, chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, tạo lợi thế cạnh tranh.

Ông Cao Xuân Quảng cũng khuyến cáo người tiêu dùng phải tìm hiểu các thông tin liên quan và đưa ra các quyết định tiêu dùng thông minh. Đặc biệt, cân đối tỷ lệ sử dụng thịt lợn trong bữa ăn, tránh áp lực chi phí cao, tránh tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng và chủ động tố cáo tới các cơ quan quản lý về các hành vi vi phạm.

Giảm áp lực về nguồn cung đàn lợn giống

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, tháng 5,6,7/2019 là những tháng chăn nuôi lợn bị thiệt hại nghiêm trọng nhất do dịch tả lợn châu Phi, thậm chí có tháng tiêu hủy trên 1,2 triệu con lợn.

 

ttxvn20200522_chan_nuoi_lon1.jpg

Người chăn nuôi lợn tỉnh Bắc Ninh tái đàn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: TTXVN)

 

Giá lợn hơi trên thị trường tăng cao cũng khiến giá lợn con giống tăng mạnh. Cùng với đó, việc khuyến khích đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn cũng góp phần đẩy nhu cầu con giống lên. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết ngành đang đẩy mạnh nhiều giải pháp để tăng nguồn cung con giống trên thị trường.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thời điểm đó, cơ bản các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi không thực hiện phối giống. Với chu kỳ, thời gian sinh trưởng của con lợn nên hiện giá lợn thịt tăng cao.

Từ tháng 8/2019, một số doanh nghiệp, trang trại mới mắt đầu cho phối giống nên dự kiến quý 3 và 4 năm 2020 nguồn cung thịt lợn sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Để tăng nguồn cung con giống, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết có 3 giải pháp. Thứ nhất là các tỉnh, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, đặc biệt là hỗ trợ trong đầu tư đàn giống bố mẹ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá rất cao các tỉnh, thành phố đã có cơ chế chính sách hỗ trợ cho đàn lợn nái, lợn đực.

Chẳng hạn, Hà Nội hỗ trợ 5 triệu đồng/con nái, hỗ trợ 3 triệu đồng/con đực bố mẹ để đẩy nhanh tăng đàn, tái đàn với mục tiêu khôi phục 1,8 triệu đầu lợn như thời điểm trước dịch vào cuối năm 2020.

Hay Nghệ An cũng có chính sách hỗ trợ 2 triệu/con nái và nhiều tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai, Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Phú Thọ… đã có các chính sách hỗ trợ khôi phục chăn nuôi lợn. Nhiều tỉnh học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh đã làm để đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp với địa phương mình.

Thứ hai là với trên 115.000 con lợn cụ kỵ, ông bà được nhân đàn tại chỗ sẽ được tăng tỷ lệ chọn lọc. Cùng với kế hoạch nhập tinh lợn về để làm tươi máu đàn lợn cụ kỵ, ông bà; các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh nhập đàn lợn cụ kỵ, ông bà.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã nhập được trên 5.000 con, kế hoạch sẽ nhập tiếp khoảng 10.000 con trong năm nay. Kế hoạch nhập này để thay thế cho đàn lợn nhập của những năm 2016, 2017.

Vì đàn lợn thường khoảng 4 năm phải thay 1 lứa. Như vậy, dự kiến lợn giống không chỉ đủ cho cuối năm nay mà còn đủ cho chu kỳ đến năm 2025.

Thứ ba là để nhanh có đàn lợn giống, giảm áp lực thị trường, các doanh nghiệp đã nhập lợn bố mẹ. Điển hình, Công ty Trách nhiệm hữu hạn dinh dưỡng quốc tế Việt Đức đã nhập khẩu trên 200 con lợn bố mẹ, đến hết tháng 8 công ty này sẽ nhập đủ 2.000 con. Đàn lợn nhập này cuối năm sẽ cung cấp con giống ra thị trường.

“Với tổng thể các giải pháp trên cùng với việc sản xuất giống từ trên 2,9 triệu con nái sẽ cung cấp đủ giống cho thời gian tới,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, chăn nuôi lợn phát triển giống như là hình tháp với đỉnh là lợn cụ kỵ, rồi đến ông bà, bố mẹ và thương phẩm, mỗi bậc sẽ tăng dần.

Với đặc điểm sinh học và mô hình tháp như vậy, việc nhập khẩu từ đàn bố mẹ trở lên ngành chăn nuôi sẽ có lợi hơn. Bên cạnh đó, trong quy định không cho nhập con thương phẩm.

Việc không cho nhập lợn thương phẩm chính là rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, cho đội ngũ nghiên cứu khoa học chủ động nghiên cứu, sản xuất giống phát triển. Các giống nước ngoài có thể không hơn giống trong nước về năng suất nhưng hơn về sạch bệnh, khả năng miễn dịch…, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để phát triển nhanh quan trọng nhất là phải đủ số lượng và chất lượng con giống. Tuy nhiên, ngoài việc cung cấp giống, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là giải pháp then chốt để đảm bảo hiệu quả vì dịch tả lợn châu Phi vẫn có nguy cơ tái bùng phát khi chưa có vắc xin, thuốc chữa.

Về việc nhập khẩu thịt lợn, theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 18/5 đã nhập khẩu hơn 65.000 tấn, tăng gần 300% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Liên bang Nga…

So với con số cần phải nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn mà Chính phủ giao thì nay mới đạt 65%. Với việc nhập khẩu chưa đạt mục tiêu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã có một số buổi làm việc với doanh nghiệp về vấn đề nhập khẩu thịt lợn, nhưng người dân không có thói quen dùng thịt lợn nhập khẩu nên các doanh nghiệp rất dè dặt trong nhập khẩu. Thói quen này của người tiêu dùng cũng dẫn đến việc các ngành gặp khó khăn trong điều hành thị trường mặt hàng này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ngành tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn. Sản phẩm thịt lợn được nhập khẩu từ các nước như Đức, Canada… có nền chăn nuôi tiên tiến về kỹ thuật cao theo chuỗi khép kín từ giống, thức ăn, quy trình vận chuyển, giết mổ đều được kiểm soát an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên thay đổi thói quen tiêu dùng nhiều thịt lợn. Các thực phẩm có thể thay thế thịt lợn cũng rất nhiều như gia cầm, trứng, thủy sản…

Việc thay đổi thói quen tiêu dùng thịt lợn sang sử dụng thủy sản, gia cầm trứng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng mà còn phù hợp với túi tiền, bù đắp phần nào nguồn cung thịt lợn đang thiếu.

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top