Thị trường ớt xuất khẩu đi Trung Quốc đã đứng, chỉ có các cơ sở chế biến tương ớt tại địa phương thu mua với số lượng có hạn. Giá ớt từ 50.000 đồng/kg bất ngờ "lao dốc" không phanh xuống còn 2.000 đồng/kg, khiến nông dân trồng ớt thua lỗ nặng.
Cay như… ớt
Nếu như trận lũ lịch sử cuối năm 2016, người trồng ớt ở Bình Định một phen lao đao vì những ruộng ớt cuốn trôi theo dòng nước lũ thì nay người trồng ớt nơi này lại đối diện với thua lỗ nặng. Hiện tại giá ớt chỉ 2.000 đồng, không đủ tiền mua gói mì tôm ăn sáng khiến người nông dân méo mặt.
Giá ớt lao dốc không phanh, người trồng ớt bán đổ bán tháo cho thương lái.
Huyện Phù Mỹ, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” ớt của tỉnh Bình Định với khoảng hơn 1.100 ha diện tích trồng ớt các loại. Hiện nay, nông dân đã thu hoạch ớt chính vụ được khoảng 2/3 diện tích. Thế nhưng, giá ớt hiện chỉ còn 2.000 đồng/kg khiến người trồng ớt “méo mặt” vì tiền bán ớt không đủ vốn đầu tư.
Ông Ngô Đình Ba, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phù Mỹ (Bình Định) cho biết: “Vụ ớt Đông Xuân 2016 2017, toàn huyện trồng trên 1.100 ha, tăng 100 ha. Diện tích trồng ớt tăng là do năm ngoái giá ớt cao, bình quân 30.000 - 40.000 đồng/kg người dân trồng nhiều. Không ngờ năm nay, ngay từ đầu vụ giá ớt đã thấp, đến thời điểm thu hoạch rộ giá càng rớt thê thảm”.
Ông Trần Văn Dũng (56 tuổi, thôn Trung Hiệp, xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ) buồn bã nói: “Nếu như thời điểm này năm ngoái, giá ớt chỉ thiên (ớt hiểm) bán được giá 26.000 đồng/kg, có thời điểm nông dân bán giá cao từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, thì năm nay chỉ còn 18.000 đồng/kg, nhưng chỉ bán được mấy ngày đầu vụ. Trong khi đó, giá ớt chỉ địa (ớt trái to) chỉ bán giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với năm ngoái. Hiện nay, diện tích ớt trên địa bàn huyện Phù Mỹ thu hoạch đã ngót 2/3 diện tích, càng về cuối vụ giá ớt càng hạ thê thảm, có lúc chỉ còn 2.000 đồng/kg, người trồng ớt thua lỗ nặng”.
1 kg ớt không mua nổi gói mì tôm.
Cũng là gia đình trồng ớt, ông Trần Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Trinh (huyện Phù Mỹ) cho biết, toàn xã có khoảng 50 ha trồng ớt, so với năm ngoái cây ớt năm nay phát triển tốt nhưng bà con nông dân chưa kịp vui đã buồn nẫu ruột vì giá ớ xuống tận đáy.
“Thời điểm này, năm ngoái giá ớt tại địa phương 40.000 đồng/kg, nhưng hiện tại chỉ còn 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, đầu tư một sào ớt (500 m2), nếu đầu tư bài bản đúng quy trình, nông dân phải bỏ vốn trên 5 triệu đồng. Đến thời điểm cho thu hoạch, một sào đạt khoảng 1,2 tấn ớt, với giá hiện tại thì một sào ớt, người dân thua lỗ từ 3 - 4 triệu đồng”- ông Tiến cho biết.
Lại vì Trung Quốc dừng mua?
Thời gian qua, đi dọc con đường từ ngã ba Chợ Gồm (thuộc xã Cát Hanh về xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định), người dân phơi ớt đỏ rực hai bên đường. Bà Trần Thị Hoa (55 tuổi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), một người phơi ớt thuê cho tiểu thương cho biết: “Do thị trường tiêu thụ ớt Trung Quốc dừng mua, giá ớt giảm mạnh nên các tiểu thương chỉ thu mua khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg loại ớt chỉ thiên. Gia đình tôi không trồng ớt nhưng với giá như hiện nay nông dân thua lỗ nặng”.
Ớt phơi đỏ rực dọc hai bên đường tỉnh lộ ĐT 639 đoạn qua huyện Phù Cát (Bình Định)
Theo những đại lý chuyên thu mua ớt trên địa bàn huyện Phù Mỹ cung ứng cho thị trường Trung Quốc, năm nay ngay từ đầu vụ sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc rất yếu, giá mua lại thấp. Trong khi đó, diện tích ớt trồng tại địa phương lại tăng hơn so với mọi năm, cung vượt cầu kéo theo giá ớt “lao dốc” không phanh.
“Năm ngoái, vào đầu vụ thu hoạch ớt, mỗi ngày cơ sở thu mua ớt của gia đình tôi xuất đi 1 chuyến hàng sang Trung Quốc với 20 đến 30 tấn ớt. Năm nay, 2-3 ngày chúng tôi mới đi 1 chuyến, từ 10 đến 20 tấn ớt, nhưng bán cũng không trôi. Bây giờ thì đứng hẳn không đi nữa”- một chủ thu mua ớt ở huyện Phù Mỹ cho hay.
“Chỉ mấy ngày đầu vụ nông dân bán được 10.000 – 20.000 đồng/kg, sau đó xuống 4.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 2.000 đồng/kg. Thời điểm giá ớt xuống 4.000 đồng/kg, còn có tư thương ở Thanh Hóa vào tận nơi thu mua xuất thẳng đi Trung Quốc nhưng khi thị trường này cũng đứng chẳng còn ai thu mua. Hàng năm, địa phương đều có kế hoạch sản xuất, nhưng cây ớt phụ thuộc vào thời điểm tư thương thu mua, nên người nông dân không quyết định được giá cả” - Chủ tịch UBND xã Mỹ Trinh Trần Văn Tiến cho hay.
Chỗ nào cũng ớt
Nông dân đi phới ớt thuê
Theo ông Ngô Đình Ba, giá ớt từ đầu năm đến nay rất bấp bênh khiến người nông dân lao đao, đối mặt với thua lỗ. Cách đây vài ngày, mỗi kg ớt chỉ địa được thương lái thu mua với giá khoảng 2.000 đồng. “Nguyên nhân giá ớt hạ là do đầu ra không ổn định, nông sản của nông dân còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đây là bài toán nan giải từ nhiều năm qua nhưng chúng tôi đành chịu thua…” - ông Ba nói.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.