Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 3 năm 2022 | 9:36

Giá phân bón tăng cao: Muôn cách gỡ khó

Giá phân bón liên tục tăng cao khiến nông dân gặp khó trong đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, bà con đã tự “gỡ khó” bằng việc tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ, bón cho vườn cây thu lợi ích kép, vừa an toàn vừa tiết kiệm tối đa chi phí.

Chủ động với các cách làm riêng

Vụ đông xuân này, xã Nghi Yên  (Nghi Lộc - Nghệ An) trồng 407ha lúa, 70ha lạc, ngô và 100ha các loại rau màu khác. Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, nhiều hộ dân tại đây đã sử dụng phế phẩm từ nông nghiệp để chế biến thành phân bón.

 

a1-nd.jpg
Người dân loay hoay tìm cách để đảm bảo sản xuất.

 

Ông Nguyễn Văn Xuân (xóm 2) cho biết: Gia đình trồng hơn 7 sào lúa (1 sào  Trung Bộ = 500m2), nếu sử dụng phân bón hoá học như giá hiện nay, tổng chi phí vật tư ở mức khá cao. Vì vậy, tôi tận dụng rơm, rạ có sẵn để đốt thành tro, sau đó ủ với phân lân cùng với đất ruộng một thời gian để dùng làm phân bón. Với cách làm này, các loại cây vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng mà tôi chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Xuân Luân, Chủ tịch UBND xã Nghi Yên,  cho biết: “Trước tình hình giá phân bón tăng cao, xã chủ động liên hệ với các đơn vị cung ứng vật tư để nắm bắt giá cả, đồng thời tìm đơn vị cung ứng tốt nhất cho người dân. Bên cạnh đó, xã đã liên hệ với các cửa hàng vật tư, cho dân vay nợ một số vật tư, phân bón”.

Anh Bùi Đình Hội (xóm 3, xã Nghi Hưng) chia sẻ: Vụ này gia đình trồng khoảng 5.000 gốc dưa lưới giống Ichiba của Nhật. Trước tình hình giá phân bón tăng cao, nhà vườn đang tích cực tìm kiếm nguồn cung cấp phân hữu cơ thay thế phân vô cơ nhập khẩu và tăng sử dụng phân bò vi sinh TH để bón bổ sung, nhằm giảm lượng phân hữu cơ tưới nhỏ giọt”.

“Sử dụng phân vi sinh TH cho dưa hấu, dưa chuột, dưa lê… có thể tiết kiệm 15-20% chi phí, còn dưa lưới thì tầm 5-10%”, anh Hội nói.

Tại một số khu vực ở Nghệ An, nông dân đã mạnh dạn ủ, sản xuất phân bón vi sinh để sử dụng cho cây trồng, thay vì sử dụng phân bón vô cơ. Mỗi năm nông dân huyện Tân Kỳ sản xuất khoảng 2.000 tấn phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng; một số hộ dân tham gia sản xuất và sử dụng phân hữu cơ vi sinh.

Cùng với sự chủ động từ người dân, ngành Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông, Hội Làm vườn cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón tiết kiệm; tận dụng các chế phẩm sinh học, phụ phẩm từ nông nghiệp để sản xuất phân bón cho cây. Qua đó, góp phần giảm thiểu chi phí đầu vào, đáp ứng nhu cầu phát triển của cây trồng, đảm bảo hoạt động sản xuất lâu dài.

Thích ứng linh hoạt

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nông dân Đắk Nông tập trung chăm sóc cà phê, hồ tiêu, cây lương thực, hoa màu vụ đông xuân. Để giảm chi phí đầu vào,  bà con đã có các giải pháp thích ứng linh hoạt.

Cụ thể, một số mô hình tiến hành trồng xen canh kết hợp trồng cây tạo bóng mát, chắn gió, giúp giảm lượng nước tưới. Các loại cây trồng cũng được bà con cắt tỉa cành kỹ càng, giúp cây phát triển, tập trung nuôi quả tốt hơn.

 

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT), nhận định: Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, sử dụng phân bón lãng phí vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương. Theo đó làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản, ô nhiễm môi trường và mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp.

“Bộ Nông nghiệp và PTNT đang thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế một phần phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. 

Đồng thời, phối hợp với các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt nhằm cải tạo đất, giảm dần sự lệ thuộc phân bón vô cơ” , ông Trung cho biết thêm.

 

Bên cạnh đó, nhiều nông hộ lựa chọn giải pháp tưới nước tiết kiệm kết hợp tưới phân. Ngoài ra, một số nông dân đã tự sản xuất phân hữu cơ để bón cho cây trồng nhằm giảm lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Từ các biện pháp này, bà con tiết kiệm 30-40% chi phí đầu tư so với trước.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, nhiều hộ nông dân đã sử dụng các loại vật liệu hữu cơ như vỏ cà phê, bã đậu nành, rỉ mật mít, xác cá nước ngọt… để làm phân bón chăm sóc cây trồng.

Cách làm của bà con là tự ủ theo quy trình được ngành Nông nghiệp tập huấn, hướng dẫn và đã qua thực nghiệm trước đó.

Ông Nguyễn Huy Công ở thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’lấp) cho biết, nhờ ủ xác cá nước ngọt nên gia đình ông giảm được chi phí đầu tư khá nhiều. Vườn cây được bón phân hữu cơ cũng sinh trưởng, phát triển tốt, ít nấm bệnh. Thậm chí, chất lượng phân ủ từ xác cá còn tốt hơn, mang lại nhiều tác dụng hơn cho cây trồng, góp phần cải tạo đất đai.

“Cha đẻ” gạo ST25 “ngon nhất thế giới” Hồ Quang Cua  chia sẻ, đang cùng các cộng sự nghiên cứu ra các dòng lúa thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng biến đổi khí hậu, kháng sâu bệnh giúp nông dân giảm đáng kể chi phí sản xuất. 

Ông dẫn chứng mô hình lúa - tôm, hạn chế hoặc không sử dụng phân bón được triển khai tại nhiều địa phương ở khu vực bán đảo Cà Mau rất hiệu quả, cần nhân rộng. Như vụ đông xuân rồi, hàng vạn nông dân đã có thu nhập từ 30-50 triệu đồng/ha nhờ làm lúa thơm sạch, bán được giá cao.

Mua phân bón trả chậm, tăng cường sử dụng phân hữu cơ

Trước tình hình giá phân bón tăng cao, nông dân ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi lại tìm đến các HTX Nông nghiệp, các Hội Nông dân xã để liên hệ mua phân bón trả chậm. Mua chịu đầu vụ và trả cuối vụ sau khi thu bán nông sản.

 

1.jpg
Ủ cá nước ngọt để làm phân giúp ông Nguyễn Huy Công giảm chi phí sản xuất.

 

Ông Lê Trung Việt, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp nông dân – phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Những năm qua, Trung tâm đã liên kết với các công ty, nhà máy sản xuất phân bón để cung ứng cho nông dân trong tỉnh theo hình thức “Bán phân bón trả chậm”. Qua đó, tạo thuận lợi cho bà con đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Thọ (53 tuổi) ở thôn Nam Thuận, xã Bình Chương (huyện Bình Sơn) chia sẻ: Giá phân bón vô cơ ngày càng tăng cao, nông dân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, kết hợp chăn nuôi để có phân ủ hoai mục bón cho cây trồng, giảm chi phí sản xuất.

Giá phân bón tăng cao, tác động nhiều tới sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng đa dạng các loại phân bón, tận dụng mọi chế phẩm cũng như những lợi thế có sẵn tại khu vực nông hộ là vô cùng quan trọng. Ngành Nông nghiệp đã đề nghị các tỉnh, thành hướng dẫn người dân sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả, tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ.

 

PGS-TS Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, phân bón tăng giá phi mã là điều kiện tốt để nông dân thay đổi tập quán lạm dụng phân bón. Hội đã triển khai 25 mô hình với sự tham gia của 100 hộ nông dân trong việc thực hành nông nghiệp tốt, kết quả đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng, vườn đối chứng. Đặc biệt, có mô hình trồng lúa ở Cà Mau, nông dân lãi 46 triệu đồng/ha, cao gấp đôi ruộng lân cận.

Đối với trồng lúa, quan trọng nhất là sạ thưa, giảm giống từ 150 kg/ha xuống còn 40-80 kg/ha từ đó giảm lượng phân bón hóa học, giảm sâu bệnh đồng nghĩa giảm phun thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí không cần phải phun. Kết hợp với việc siết nước giữ vụ, xẻ rãnh để đạm, kali tự nhiên trong đất được giải phóng, cây trồng hấp thu. Với phân bón, nông dân được khuyến cáo sử dụng các loại phân chi phí thấp như: phân chuồng, phân bón sản xuất trong nước để thay thế phân hóa học nhập khẩu.

“Điểm chung của các mô hình chúng tôi triển khai là chi phí đầu vào giảm 30%-50% so với cách làm cũ nhưng nâng cao được chất lượng sản phẩm. Bây giờ đầu ra cho nhiều loại nông sản khó khăn do sản lượng nhiều nhưng chất lượng không đạt yêu cầu thị trường, bà con phải thay đổi bằng việc  nâng chất lượng thì mới nâng được thu nhập. Nói đơn giản, vụ nào trồng không có lời thì bà con đừng đầu tư, đừng cho ra trái, cũng là cách dưỡng cây, dưỡng đất tập trung cho mùa nông sản có giá cao”, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam tư vấn. 

 

Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top