Với mức giá thu mua chỉ còn ở mức 5.000đ -7.000 đồng, người nông dân cầm chắc thua lỗ khi chi phí sản xuất nghịch vụ cao.
Từ đầu vụ chong đèn nghịch mùa 2019 đến nay, giá thanh long tại các nhà vườn ở Bình Thuận luôn ở dưới mức 10.000đ/kg. Cao điểm từ đầu tháng 11 đến nay, loại trái cây này chỉ còn thu mua ở mức 5.000đ -7.000 đồng. Với mức giá này, người nông dân cầm chắc thua lỗ khi chi phí sản xuất nghịch vụ cao.
Một số vườn thanh long tại Bình Thuận đã chín đỏ cây nhưng giá thấp khiến nông dân chưa muốn cắt bán. |
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là 330 gốc thanh long của ông Nguyễn Văn Năm (thôn Tiến Hoà, xã Tiến Lợi, TP.Phan Thiết) chuẩn bị xuất bán lứa chong đèn nghịch vụ đầu tiên của năm nay. Tuy nhiên, thay vì sốt sắng, vui mừng khi trái thanh long đang phát triển tốt, ít sâu bệnh thì trái lại, ông Năm hết sức lo lắng khi giá thu mua đang ở mức rất thấp.
“Vụ này tôi cầm chắc lỗ. Bởi vì thanh long ra trái ít, mà giá chỉ 6.000 – 7.000đ/kg thì lỗ rất nhiều. Nếu thanh long ra nhiều, trái đẹp thì mới hy vọng huề vốn hoặc lời chút ít”, ông Năm cho biết.
Ông Nguyễn Văn Năm lo lắng khi thanh long đang chín mà giá quá thấp. |
Không chỉ các hộ nông dân có thanh long đang chín mà những hộ đang chong đèn đón lứa bán vụ Tết Nguyên đán sắp tới cũng đang đứng ngồi không yên.
Bà Nguyễn Thị Hai (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) cho biết, gia đình đang có 180 gốc thanh long chong đèn để bán trong dịp tháng Chạp tới. Tuy nhiên, mức giá thu mua thấp cộng với việc tiền điện khiến bà hết sức bất an.
“Năm ngoái chạy được một lứa hàng Tết, bán được 18.000/ký. Còn giờ giá thấp quá, chỉ 6.000 – 7.000đ/kg. Thanh long của mình thì chưa chín, nhưng không biết tới lúc đó, giá có lên được hay không?”, bà Hai nói.
Được biết, từ đầu vụ chong đèn đến nay, mức giá thu mua trái thanh long tại Bình Thuận thường xuyên nằm dưới ngưỡng 10.000đ/kg. Cá biệt có thời điểm các thương lái chỉ còn thu mua ở mức 6.000 – 7.000đ/kg. Mức giá này chưa bằng một nửa so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Với chi phí cho việc sản xuất nghịch vụ tăng cao cho các khoản như: tiền điện, phân thuốc… thì mức giá này người nông dân chỉ từ lỗ đến huề vốn.
Bà Hai cho biết, thanh long của bà vườn rồi bị ảnh hưởng mưa. |
Theo các chủ vựa thu mua, hiện nay sản lượng thanh long của những lứa đầu mùa chong đèn tại Bình Thuận không quá nhiều. Vì vậy, nguyên nhân giá loại trái cây này rớt mức thấp không phải do sản lượng tăng đột biến. Cũng theo các chủ vựa, hiện nay tại thị trường tiêu thụ chính của trái thanh long là Trung Quốc, việc nhập hàng đang hạn chế. Việc thị trường này tiêu thụ chậm trái thanh long đã tác động đến giá thu mua.
Hơn 1 tháng qua, nhiều chủ vựa thay vì đóng hàng đi xuất khẩu thì đã phải lựa chọn thị trường trong nước để tiêu thụ. Một số vựa thậm chí còn tạm ngưng thu mua.
Ông Nguyễn Trọng Luân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiến Lợi (TP. Phan Thiết) lo lắng tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến vụ Tết của bà con.
“Nhìn tổng thể trên địa bàn xã so với mọi năm thì năm nay các hộ nông dân tập trung chong đèn vào vụ Tết rất nhiều. Vì vậy dự đoán Tết năm nay giá thanh long sẽ không còn cao như mọi năm”, ông Luân nói.
Tình trạng trái thanh long rớt giá không phải là hiếm gặp trong các năm qua. Thông thường, ở các mùa chong đèn nghịch vụ, giá của loại trái cây này thường có một lứa xuống thấp, do trùng với tiết ra trái của hàng chính vụ, dẫn đến sản lượng nhiều. Tuy nhiên năm nay tại Bình Thuận, những lứa đầu vụ chong đèn sản lượng không nhiều nhưng mức giá vẫn thấp, kéo dài, khiến người nông dân hết sức lo lắng./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…