Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 2 năm 2016 | 2:14

Giấc mơ “thủ phủ” tôm không còn xa

Gắn bó với nông dân Bạc Liêu từ những ngày còn gian khó, con tôm đã mang đến cho họ nhiều niềm vui, nỗi buồn và nước mắt. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, con tôm vẫn luôn được xếp ở vị trí xứng đáng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.

Mặc dù trải qua không ít thăng trầm nhưng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nghề nuôi tôm vẫn chiếm vị trí quan trọng, là nguồn sống của nhiều nông dân. Ông  có thể đánh giá đôi nét về bức tranh của nghề trong thời gian qua?

Ông Dương Thành Trung trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho lãnh đạo xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu)

Trong cơ cấu nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bạc Liêu, con tôm có vị trí đặc biệt quan trọng. Diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tăng từ 10.770ha năm 2010 lên 19.000ha năm 2015 (tốc độ tăng bình quân hàng năm 12,02%), sản lượng tăng từ 68.139 tấn (năm 2010) lên 104.200 tấn (năm 2015), tốc độ tăng bình quân hàng năm 8,56%. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt 447,5 triệu USD (năm 2010 là 219 triệu USD). Để đạt được con số ấn tượng này, có vai trò rất lớn của con tôm.

Nhưng trong quá trình phát triển, con tôm cũng gặp không ít thăng trầm. Lúc hoàng kim, nó giúp nông dân “hái ra vàng”, chỉ cần đầu tư một vuông tôm, sau vài vụ nuôi là có trong tay tiền tỷ. Khi dịch bệnh tràn lan, giá cả thị trường bấp bênh, nó cũng khiến không ít nông dân lao đao, thậm chí cả những người có thâm niên trong nghề cũng không chống chọi được.

Ông có thể nói rõ hơn về những khó khăn mà con tôm đang gặp phải?

Tôi còn nhớ những năm 2000, khi người dân nơi đây bắt đầu nuôi tôm, đất mới, nguồn nước tốt, tin vui trúng mùa liên tục được đón nhận, niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt nông dân. Sau đó là phong trào nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm, diện tích tăng chóng mặt. Sự phát triển quá nóng, không đồng bộ với quy hoạch thủy lợi đã khiến người nuôi tôm lãnh đủ, tôm bắt đầu bị bệnh và chết hàng loạt. Những năm 2010, 2011, 2012…, dịch bệnh nhiều hơn, có hộ thả đi thả lại 3 - 4 đợt nhưng tôm chết cứ chết, thiệt hại chất chồng. Năm 2015, người nuôi tôm vẫn chưa hết khó khăn khi dịch bệnh chưa được kiểm soát, giá cả thị trường bấp bênh. Chưa bao giờ niềm tin của nông dân vào con tôm lại nhạt phai đến thế.

Đó là chưa kể, giữa hai đối tượng nuôi là tôm sú và tôm thẻ chân trắng đang có sự cạnh tranh gay gắt. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, hiện nay diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng đã vượt khỏi tầm kiểm soát và quản lý của ngành nông nghiệp, khi mà diện tích tăng đến 4.500ha. Thực tế, số lượng thực nuôi không dưới 10.000ha, vượt gấp 1,5 lần kế hoạch, trong đó có địa phương tăng gần 5 lần so như các huyện Hồng Dân, Phước Long... Nếu như năm 2014, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện Phước Long mới khoảng 1.000ha thì đến nay đã vượt hơn 4.000ha.

Đáng báo động là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đã xâm nhập vào vùng nuôi tôm truyền thống. Thậm chí ở một số nơi người nuôi tôm còn lén lút thả nuôi tôm thẻ chân trắng mà không khai báo với cơ quan quản lý.

Sở dĩ có tình trạng thả nuôi tôm thẻ chân trắng tràn lan, không kiểm soát được vì người nuôi tôm sú lâu nay bị thiệt hại nặng nề, không còn vốn để nuôi tiếp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bán giống tôm thẻ chân trắng cho người nuôi theo hình thức ‘’bán chịu, khi nào có thu hoạch mới lấy tiền, nếu tôm thẻ chân trắng bị chết họ lại tiếp tục bán chịu con giống nữa...’’. Người nuôi tôm vì cùng đường, nên chấp nhận rủi ro đánh đố với con tôm thẻ chân trắng bất chấp khuyến cáo hay sự cấm đoán của ngành chức năng. Điều này cũng khiến chúng tôi rất đau đầu, nếu nông dân không cân nhắc kỹ thì sẽ phải trả giá đắt khi thị trường xuất khẩu không còn “mặn mà” đối với tôm thẻ chân trắng. Còn đối với tôm sú, có thị trường khá ổn định, nhất là nhiều nước đã quen thuộc với sản phẩm tôm sú và ưa dùng trong hơn 20 năm qua...

Theo ông, đâu là hướng đi bền vững cho con tôm Bạc Liêu?

Không còn con đường nào khác là liên kết, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa nông dân với nông dân để hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Chú trọng phát triển các mô hình nuôi tôm an toàn, bền vững. Có một tín hiệu đáng mừng là, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều hướng đi mới, nhiều sự liên kết được hy vọng sẽ tạo ra diện mạo mới cho nghề nuôi tôm Bạc Liêu, giúp cho giấc mơ trở thành “thủ phủ” tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long của chúng tôi không còn quá xa.

Nuôi tôm siêu thâm canh ở Công ty Việt - Úc.

Theo đó, các địa phương phải mạnh dạn xóa tình trạng mạnh ai nấy làm, nuôi tràn lan không theo quy hoạch, thời vụ và cần liên kết lại thành các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã. Trên cơ sở đó thống nhất lịch thả giống, chăm sóc, thu hoạch. Trong thời gian nuôi, nếu ao tôm hộ nào bị nhiễm bệnh phải thông báo cho các hộ xung quanh biết để phòng tránh lây lan. Thay đổi thói quen thả tôm sú mật độ dày để chuyển sang nuôi thưa nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thiểu dịch bệnh và tăng chất lượng con tôm. Trước mắt, không nên mở rộng diện tích nuôi công nghiệp, mà tăng cường mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm rừng, tôm lúa, tôm cua xen canh… để tái tạo môi trường.

Hiện, ở huyện Đông Hải, bước đầu có hơn 500 hộ dân áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng với diện tích gần 3.000ha. Mô hình này không chỉ giúp nông dân giảm xuống mức thấp nhất các khoản chi phí đầu tư, mà còn giảm thiệt hại so với nuôi công nghiệp, đồng thời còn bổ sung thêm vào cơ cấu nuôi những loại thủy sản khác trên cùng một đơn vị diện tích để giảm rủi ro khi tôm chết.

Nếu như trước đây, nhiều người nuôi tôm sú trong mô hình lúa - tôm kết hợp ở vùng phía Bắc hai huyện Hồng Dân và Phước Long, thì nay tôm sú dần được thay thế bằng con tôm càng xanh. Bởi, tôm càng xanh bán được giá khá cao, năng suất ổn định, ít bị dịch bệnh. Hiện nay, diện tích nuôi tôm càng xanh ngày càng tăng. Cụ thể, ở huyện Hồng Dân, năm 2010 diện tích nuôi tôm càng xanh chỉ có 180ha, nhưng năm 2015 đã tăng lên trên 750ha. Để giúp người dân vùng chuyển đổi lúa - tôm yên tâm phát triển sản xuất, trước mỗi vụ nuôi, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hồng Dân đều cử cán bộ xuống cơ sở trực tiếp giúp người dân xử lý, cải tạo môi trường; đồng thời cử cán bộ đến các trại sản xuất tôm giống để lấy mẫu xét nghiệm. Và từ kết quả xét nghiệm, đơn vị sẽ cung cấp địa chỉ sản xuất tôm giống đạt chất lượng để bà con đến mua giống về thả nuôi.

Mô hình nuôi tôm sạch siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt – Úc cho thấy, ước mơ đạt năng suất 120 – 200 tấn/ha không còn xa. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại từ khâu chọn giống đến xử lý nước, cho ăn và con tôm “sống” hoàn toàn trong nhà kính, lần đầu tiên công nghệ nuôi tôm được “số hóa” bằng hệ thống vi tính, kiểm soát từng hơi thở, bữa ăn của con tôm.

Được khởi công xây dựng ngày 22/10/2015, khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính tại ấp Giồng Nhãn (xã Hiệp Thành, TP.Bạc Liêu) của Tập đoàn Việt - Úc có tổng diện tích 315ha, bao gồm khu sản xuất giống, nhà máy chế biến thức ăn, khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính và nhà máy chế biến xuất khẩu. Với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, sau khi hoàn thành (dự kiến năm 2017), dự án sử dụng trên 2.000 lao động tại địa phương. Với diện tích nuôi theo mô hình này, mật độ thả nuôi đạt đến 200 - 500 con/m2, nuôi từ 2 - 3 vụ/năm, năng suất đạt từ 120 - 300 tấn/ha mặt nước, trung bình cho 24.000 - 26.000 tấn tôm/năm.

Bạc Liêu có 180.000ha  nuôi trồng thủy sản, tiềm năng của nghề còn rất lớn, vì vậy chúng tôi luôn mời gọi, khuyến khích các doanh nghiệp như Việt – Úc tham gia đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản theo hướng bền vững. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng cùng chính quyền các địa phương tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, xây dựng, hợp tác làm ăn. Xin nhắc lại, phát triển nông nghiệp có hàm lượng chất xám cao, cho năng suất và sản lượng lớn, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu là mục tiêu mà Bạc Liêu hướng đến, và chúng tôi rất cần các doanh nghiệp tâm huyết cùng thực hiện giấc mơ này.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Thái Đào (thực hiện)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top