Để giải cứu ngành chăn nuôi sau “cơn bão” giảm giá, 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm Phát triển chăn nuôi, Chi cục Thú y Hà Nội (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) đã có nhiều giải pháp bình ổn và từng bước tăng giá heo để cứu người sản xuất, vực dậy ngành chăn nuôi, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Trọng Long kiểm tra đàn lợn.
Củng cố, liên kết chuỗi sản xuất
Ông Nguyễn Trọng Long, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Hoàng Long (Thanh Oai) cho biết, năm 2007, ông và 10 hộ dân cùng góp đất (2,2ha) thành lập Tổ Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long, lúc này mới có 150 con lợn nái. Năm 2011, tổ chuyển sang nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học (ATSH) bằng men vi sinh; năm 2013 thành lập HTX Chăn nuôi dịch vụ Hoàng Long; năm 2015 chuyển sang hoạt động theo Luật HTX mới. Tuy nhiên, đầu năm 2017, giá thịt lợn giảm sâu khiến hành trình củng cố, liên kết chuỗi sản xuất của Hoàng Long gặp không ít sóng gió.
Hoàng Long hiện có 400 lợn nái, trên 3.000 lợn thịt. Do chăn nuôi theo hướng ATSH, thịt lợn có màu đỏ tươi, nước luộc trong, ít bọt, có mùi thơm đặc trưng, mỡ giòn, không dai. Thức ăn cho lợn là ngô, đậu tương, cám gạo, cám sinh học, men vi sinh của Mỹ và của HTX sản xuất. Rất may, địa phương ông có nghề giò chả, nên mỗi ngày xuất bán 50 con là chuyện thường. Sau khi giết mổ, thịt được bảo quản ở 0 - 4 độ C, trong vòng 6 - 8 giờ mới pha lóc, đóng túi. Thịt được đóng túi từ 0,3 - 0,5kg, hoặc vài kg/túi, do có màng che nên đảm bảo độ pH đều, phốt pho được triệt tiêu, an toàn cho người sử dụng. Nhờ những sản phẩm an toàn như vậy, năm 2017, Hoàng Long được tham gia Chuỗi thực phẩm AZ của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội.
May mắn hơn ông Long, ông Nguyễn Đình Tường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Đồng Tâm (Quốc Oai) cho biết, đầu năm 2014, ông được tham gia dự án nuôi lợn ATSH của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội. Kết thúc dự án, ông được Trung tâm hỗ trợ quảng bá sản phẩm, giới thiệu khách, tham quan mô hình sản xuất. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 8/2016, ông quyết định thành lập HTX kiểu mới, kêu gọi 7 hộ thành viên tham gia. Nếu như lúc đầu mỗi ngày HTX chỉ tiêu thụ 50kg, sau nâng dần lên 100 - 200kg/ngày với giá 50.000 - 52.000 đồng/kg thì cuối năm đã đạt 500 - 700kg/ngày (giá vẫn ổn định đến bây giờ). Tuy nhiên, đầu năm 2017 khi giá lợn giảm sâu, Đồng Tâm chỉ còn tiêu thụ được 70 - 100kg/ngày. Sau một thời gian giảm giá, hiện HTX đã trở về mức tiêu thụ 400 - 500kg/ngày. HTX hiện có 800 lợn thịt, hộ nhiều nhất 400 con, ít nhất 70 con, riêng trang trại của ông Tường 150 con.
Giải pháp bình ổn, tăng giá lợn
Từ đầu năm 2017 đến nay, giá thịt lợn, gia cầm và trứng giảm, khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo biện pháp ổn định và từng bước tăng giá heo để cứu người sản xuất, vực dậy ngành chăn nuôi.
Theo đó, Sở đã tổ chức, tư vấn cho các trại chăn nuôi lợn nái quy mô lớn loại thải lợn nái kém chất lượng, kết quả các trại tự loại được 15 -20% lợn nái. Hướng dẫn các trại tự phối trộn thức ăn để giảm giá thành, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong nước, nhất là lợn thịt (giảm được 1.000 - 1.500 đồng/kg); đối với đàn lợn nái đảm bảo chế độ dinh dưỡng để không ảnh hưởng khả năng sinh sản. Thời gian tới, tiếp tục phát triển chăn nuôi theo quy hoạch và vùng chuyên canh gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao khả năng dự tính, dự báo tình hình chăn nuôi, chú trọng chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học và chăn nuôi hữu cơ. Mặt khác, tập trung chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống là chính, từng bước nâng cao năng suất sinh sản, chất lượng con giống để cung cấp cho 24 tỉnh, thành đã ký cam kết sản xuất lợn thương phẩm với Hà Nội, và cung cấp lại cho Thủ đô thực phẩm đã được kiểm soát, truy xuất nguồn gốc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, cho biết: “Có thể nói chưa bao giờ giá lợn xuống thấp như thời điểm 6 tháng đầu năm 2017, nhất là tháng 4/2017, giá lợn hơi chỉ còn 20.000 - 22.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi phải đối mặt với khó khăn, thua lỗ nặng, bỏ bê, không chú ý chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Với các giải pháp quyết liệt, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay giá lợn đã và đang bình ổn trở lại ở mức 35.000 - 40.000đồng/kg”.
Ông Sơn cho biết thêm, Chi cục còn khuyến cáo người dân ký được hợp đồng mới phát triển chăn nuôi, và chỉ đầu tư ở những nơi đã được quy hoạch, tuyệt đối không phát triển tự phát. Mặt khác, hỗ trợ thúc đẩy các cửa hàng tiện ích tại các khu đô thị, khu dân cư; về lâu dài, bổ sung quy hoạch xen vùng, địa phương nào đủ điều kiện thì cho quy hoạch. Tạo mặt bằng về cơ chế chính sách, ví như: chính sách chọn tạo giống, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ chế giết mổ để thu hút cá nhân, đơn vị đầu tư vào lợn. Mô hình chuỗi sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP xuất hiện ngày càng nhiều, hoạt động ổn định. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng liên kết với người chăn nuôi để tiêu thụ sản phẩm, tham gia chuỗi liên kết.
Thiết nghĩ, “cơn bão” vừa qua đã để lại nhiều thiệt hại nhưng cũng mang về nhiều bài học sâu sắc cho cả chính quyền và người dân. Các cấp lãnh đạo cần rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, người nông dân cần liên kết chuỗi trong sản xuất để chủ động đầu ra, tránh rơi vào khủng hoảng, người tiêu dùng thì thông minh hơn trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn cho sức khỏe.
Dương An Như
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.