Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 8 năm 2022 | 11:28

Gian nan trồng chuối “tiến vua”

Tuyên Quang, Lào Cai là vùng trồng chuối ngự, hay còn gọi là chuối “tiến vua” nổi tiếng, có nguồn gốc từ làng Đại Hoàng (Lý Nhân, Hà Nam).

Loại chuối này đã đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng cho bà con ở những địa phương này.

Đi tìm loài chuối tiến vua ở Tuyên Quang

Chuối ngự mới có ở đất Xuân Vân (Yên Sơn, Tuyên Quang) chưa lâu và diện bao phủ chưa nhiều như cây hồng không hạt, cây bưởi nhưng tiếng thơm chuối ngự cũng không hề kém.

Người xưa kể lại rằng, khi Vua Trần đi từ kinh thành Thăng Long về yết kiến Thái Thượng Hoàng ở Phủ Thiên Trường (Nam Định) có dừng nghỉ ở ngã ba Tuần Vường.

 

chuoi.jpg

Anh Ma Văn Nhạc, thôn Đô Thượng 3, xã Xuân Vân chăm sóc vườn chuối của gia đình.

 

Cũng bởi yêu quý vị vua cha anh minh, dân làng tìm đến mừng đón. Người các làng biết chuyện đổ về, ai cũng mang của ngon, vật lạ tiến vua. Nhưng có một đôi vợ chồng nông dân nghèo ở làng Đại Hoàng không có vật gì quý giá nên rất băn khoăn. Lúc ấy trong vườn nhà một buồng chuối chín vàng như sáp ong thơm ngát. Chả nề hà, anh chồng chặt buồng chuối xuống, sắp ra từng nải, nải đẹp nhất hai vợ chồng dâng tiến vua. Trước vua cha, hai người rất thành thật rằng nhà con chỉ có mỗi loại quả này đáng giá nhất mang đến dâng vua. 

Nhà vua thật ngạc nhiên và bị thuyết phục bởi vị ngọt, hương thơm khác lạ, màu vỏ và màu lòng chuối óng ả như sáp ong mật. Vua bèn truyền cho dân làng Đại Hoàng nhân rộng loại chuối này và từ đó người dân yêu quý và trân trọng gọi là chuối ngự. Ngự có nghĩa là sự trân trọng và cao quý nhất dành cho vua.

Lời truyền của vua cha lan toả khắp nẻo. Chuối ngự được người dân trân quý trồng ở nhiều nơi, miền xuôi miền ngược đều có cả mang lại giá trị kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năng động như người Xuân Vân thì cây chuối ngự đã được đưa vào trồng và cho hiệu quả. Tết đến chuối ngự được giá nhưng lại không có có hàng để bán.

Từ câu chuyện vua Trần truyền lệnh nhân rộng trồng chuối ngự, thấy được bài học của cha ông ta để lại luôn lấy nông nghiệp làm gốc- dĩ nông vi bản. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới còn không ít bất ổn, khi dịch bệnh Covid-19 và những xung đột trên nhiều lĩnh vực còn phức tạp thì phải lấy nông nghiệp làm trụ đỡ cho các ngành nghề khác phát triển. Hơn nữa đó còn là giá trị văn hoá của nền văn minh nông nghiệp đã có từ nghìn đời nay được các thế hệ vun đắp, tạo dựng nền móng cho đất nước ta vượt bao biến cố.

Ưu thế vượt trội

Chuối ngự được người dân Xuân Vân đưa vào trồng gần chục năm nay. Ngày ấy, bà Đào Thị Sa ở thôn Đô Thượng 3 chỉ nghĩ trồng vài gốc chuối ngự trong vườn nhà để lấy quả thờ cúng gia tiên và phục vụ nhu cầu của gia đình. Bà bảo, khi đi làm đồng về mệt mỏi mà ăn một quả chuối ngự chín thấy khoẻ khoắn hẳn. Loại quả này tăng sức dẻo dai nhưng lại không gây đau dạ dày khi ăn lúc đói như nhiều loại chuối khác. Đấy là ưu thế vượt trội. Vậy nên, bà nhân rộng ra đất vườn đồi khoảng 500 gốc. Từ trồng chuối gia đình bà có thêm thu nhập 30 triệu đồng/năm. Chuối ngự dễ trồng, ít chi phí chăm sóc vì cây mẹ "đẻ" xong một lứa thì cây con lại lớn lên, không mất chi phí mua giống. Hơn nữa, chuối là loại cây sinh thuỷ, làm cho đất màu mỡ lên, đó là lợi thế không nhỏ.

Bởi thế rất nhiều người dân trong xã đến xin giống chuối nhà bà Sa về trồng. Thời gian trồng chuối ngự hợp nhất vào mùa xuân, sau một năm là cho quả. Thời gian đầu phải thường xuyên giữ ẩm cho cây, sau 1 tháng cây bén dễ mới bón phần chuồng ủ oai mục. Những người trồng chuối lâu năm nhìn tàu lá là biết cần tăng, giảm lượng phân bón như thế nào cho phù hợp, có bẹ lá già thì bóc đi ngay, chớm có sâu tìm cách diệt trừ. Khi chuối đang thì con gái (chưa có buồng) nên đóng cọc tre bên cạnh để chống giữ vì khi mang buồng mới chống cột đỡ thì sẽ bị chột quả. Khi chuối có buồng nên lấy tấm áo cũ trùm lên để tránh sương muối, nắng gắt, quả chuối trông đẹp mắt hẳn.

Ông Triệu Ngọc Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân đánh giá, so với cây bưởi Soi Hà, hồng ngâm Xuân Vân thì cây chuối ngự là cây trồng mới, nhưng về chất thì không kém gì. Tuy nhiên, xã Xuân Vân hiện mới có khoảng 30 gia đình trồng chuối ngự với 3 ha. Trong xã có nhiều hộ trồng nhiều khoảng vài trăm gốc như gia đình ông Ma Văn Cường, Ma Ngọc Lại, thôn Đô Thượng 3; Phạm Văn Hải, thôn Chợ; Phạm Hồng Đông, thôn Đô Thượng 2… Với những giá trị của chuối ngự, xã tổ chức quy hoạch phù hợp để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất mang lại giá trị kinh tế cho gia đình, địa phương.

Hướng đi nào?

Do bị bọ rệp, bọ giáp và bệnh vàng lá panama gây hại trên diện rộng ở các vườn trồng chuối ngự giá quả chuối xuống thấp, nên nhiều hộ đã chặt bỏ để chuyển đổi sang trồng cây khác. Điều này gây thiệt hại lớn cho nông dân và khiến diện tích vùng chuối ngự ven sông Hồng thuộc các xã Sơn Hà (Bảo Thắng), Cam Cọn (Bảo Yên) thu hẹp nhanh chóng.

 

chuoi-1.jpg

Nhiều buồng chuối ở xã Sơn Hải đến kỳ cho thu hoạch bị sâu, bệnh hại nên nông dân phải chặt bỏ. Ảnh: Báo Lào Cai.

 

Cây chuối ngự bén rễ vùng đất ven sông Hồng thuộc các xã Cam Cọn (Bảo Yên), Sơn Hà (Bảo Thắng) cách đây hơn 15 năm. Đây là giống chuối ngự ngon nổi tiếng, có nguồn gốc từ làng Đại Hoàng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, được một số hộ đưa về trồng. Sau nhiều năm, diện tích chuối ngự không ngừng được mở rộng, có thời điểm lên đến hơn 60 ha. Cây chuối ngự từng bước khẳng định vị thế trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nâng giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác. Quả chuối ngự Lào Cai dần trở thành sản phẩm hàng hóa có mặt ở các tỉnh, thành và xuất khẩu sang Trung Quốc, với sản lượng trung bình mỗi tháng hơn 50 tấn quả. Nhờ trồng chuối ngự mà nhiều hộ ở các xã Sơn Hà, Cam Cọn có thu nhập cao; có hộ nhờ trồng chuối ngự mà xây được biệt thự, nhà vườn.

Nhưng đó là cảnh của những năm 2015 đến năm 2020, bây giờ thì ngược lại. Hiện nay, người dân trồng chuối ở vùng đất ven sông Hồng đang loay hoay chưa biết làm thế nào khi dịch bệnh như bọ rệp, vàng lá panama… hoành hành ở các vườn chuối ngự. Cùng với đó, giá quả chuối xuống thấp khiến nhiều hộ phải chặt bỏ, bởi nếu có chặt về bán thì cũng không ai mua, thậm chí thu không đủ chi tiền nhân công.

 

chuoi2.jpg

Chuối Cam Cọn.

 

Anh Phạm Văn Doanh, thôn Hồng Cam, xã Cam Cọn nhớ lại: Vào thời điểm này cách đây 2 năm, tại xã Cam Cọn lúc nào cũng tấp nập ô tô ra, vào thu mua chuối. Nhất là vào những tháng cuối năm, thôn Hồng Cam đông vui vì tiểu thương đến mua chuối về bán dịp tết. Nhưng giờ, đang vào thời kỳ chuối chắc quả đến kỳ thu hoạch vụ hè, mỗi tuần chỉ lác đác vài xe tải nhỏ về mua chuối. Năm nay, chuối mắc sâu bệnh, quả xấu mã, ruột bị sượng ngay cả khi đã chín, cùng với đó bên Trung Quốc không nhập hàng nên tư thương không thu mua nữa.

Năm 2019 - 2022, chuối có giá bán từ 7.000 đến 8.000 đồng/nải chuối (tương đương khoảng 10.000 đồng/kg), thậm chí dịp tết Nguyên đán, giá chuối lên đến 20.000/kg, nhưng hiện giờ giá chuối còn 3.000 - 4.000 đồng/kg mà tư thương cũng kén chọn chuối đẹp mã, ngon mới mua.

Được biết, thời kỳ đỉnh điểm là vào năm 2020, vùng trồng chuối ngự của xã Cam Cọn phát triển lên đến hơn 70 ha. Năm 2020, HTX Chuối ngự Hồng Cam được thành lập với mục đích hỗ trợ các hộ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc để tăng năng suất và xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế đối với sản phẩm chuối ngự địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình tiêu thụ khó khăn khiến diện tích chuối ngự giảm nhiều. Đặc biệt, riêng thôn Hồng Cam, thôn trọng điểm về phát triển cây chuối ngự, đã có hơn 2 ha chuối bị nhiễm sâu bệnh, có nguy cơ phải chặt bỏ hoàn toàn.

Sang xã Sơn Hà (Bảo Thắng) chúng tôi thấy các vườn chuối ngự cũng chung cảnh ngộ. Tại thôn An Thắng, nhiều hộ đang chặt bỏ những buồng chuối ngự đã già nhưng không bán được để cho cá hoặc bò ăn, thậm chí có hộ phá hẳn cả vườn chuối để chuyển sang trồng cây khác.

Theo ông Vũ Thành Lân, Trưởng thôn An Thắng, chưa khi nào người trồng chuối ngự ở đây gặp thiệt hại “kép” như vụ chuối năm nay, khi cây chuối vừa bị sâu, bệnh tàn phá, trong khi giá quả chuối xuống mức thấp chưa từng có, thậm chí còn không có tư thương đến thu mua. Vì thế nhiều hộ trồng chuối ngự ở An Thắng đang chặt bỏ các vườn chuối để chuyển sang trồng cây khác. Năm 2019, thôn có 5 ha chuối, nhưng đến giờ, diện tích giảm còn khoảng 1,5 ha.

Đang chặt bỏ những bụi chuối đã có buồng, chị Lê Thị Thúy, thôn An Thắng, xã Sơn Hà ngậm ngùi: Nhà tôi trồng chuối ngự từ mấy năm nay, nhưng chưa khi nào cây chuối lại cùng lúc mắc nhiều bệnh như vậy. Khi cây chuối bị sâu, bệnh tấn công sẽ không có thu hoạch, nếu có ra buồng thì cũng không bán được do quả có vết thâm trên vỏ và ruột bị sượng khi chín. Năm nay, gia đình tôi sẽ chặt bỏ một nửa diện tích chuối ngự để chuyển sang trồng cỏ voi nuôi bò.

Theo bà Đỗ Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, xã hiện có 3 thôn ven sông Hồng là An Thắng, An Trà, An Hồng trồng chuối ngự với tổng diện tích gần 10 ha, đến thời điểm này có hơn 7 ha chuối bị nhiễm sâu bệnh làm giảm năng suất, thậm chí có vườn chuối phải chặt bỏ.

Vùng trồng chuối ngự ven sông Hồng đang có khoảng 70 ha, trong đó xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên) có 60 ha và xã Sơn Hà (Bảo Thắng) có 10 ha. Định hướng đến năm 2025, vùng chuối này sẽ phát triển lên khoảng 80 đến 100 ha. Để chuối ngự thành sản phẩm OCOP của địa phương, ngoài những cơ chế khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng chuối, các địa phương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sản phẩm được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, được gắn tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ cũng như chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm để phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, trước tình hình sâu, bệnh diễn biến phức tạp, trong khi phương án phòng, trừ sâu, bệnh chưa hiệu quả nên nguy cơ vùng chuối ngự hàng hóa sẽ thu hẹp và liên tục thất thu là khó tránh khỏi.

Theo một cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nếu cây chuối ngự được trồng liên tục nhiều năm trên cùng khu đất sẽ rất dễ mắc bệnh vàng lá do virus, do nấm và bị sâu bọ giáp tấn công, đây đều là những loại sâu, bệnh chưa có thuốc trừ đặc hiệu. Vì vậy, việc tìm giải pháp chuyển đổi giống cây trồng phù hợp để khai thác lợi thế đất bãi ven sông Hồng hiệu quả đang là bài toán cần các cấp, các ngành chuyên môn sớm có lời giải.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top