UBND tỉnh Đồng Nai đã tiến hành sơ kết 3 năm việc thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; trong khi đó, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo ở TP.Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn.
Đồng Nai sơ kết 3 năm việc hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 9 doanh nghiệp và 18 HTX nông nghiệp đã được Sở NN & PTNT chấp thuận chủ trương xây dựng 32 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Trong đó, đã có 14 dự án được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích gần 6.000 ha với gần 5.000 hộ gia đình tham gia. Ngoài ra, nhiều chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi cũng được hình thành và phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc như khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, khó tổ chức bao tiêu sản phẩm, vướng về mặt hồ sơ thủ tục và mong được địa phương hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho cánh đồng lớn.
TP. Hồ Chí Minh: Vỡ trận “truy xuất” nguồn gốc thịt heo
Chính quyền TP.Hồ Chí Minh đã có Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trước khi đưa vào các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố đều phải đeo vòng có thông tin truy xuất trong ngày. Tuy nhiên, ghi nhận tại khu vực các chợ đầu mối như Bình Điền, Hóc Môn số liệu heo đeo vòng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Cụ thể, tại chợ đầu mối Hóc Môn với hơn 5.000 con heo được nhập về chỉ có khoảng 1.000 con heo (tương ứng hơn 20%) có đeo vòng. Còn tại chợ đầu mối Bình Điền, số lượng heo đủ thông tin truy xuất chỉ có 315 con, tương đương 23% tổng lượng heo về chợ.
Quy định buộc phải kiểm tra vòng đeo truy xuất thông tin đã khiến khu vực vào các chợ đầu mối bị ùn ứ nghiêm trọng buộc các ngành chức năng phải “xả trạm” cho các tiểu thương và người chăn nuôi vận chuyển vào chợ.
Việc kiểm soát và "truy xuất" nguồn gốc thịt heo hiện còn nhiều lỗ hổng.
Trước đó, có thông tin chính quyền thành phố sẽ mở đợt cao điểm ra quân siết chặt quản lý truy xuất nguồn gốc thịt heo, điều này đã tác động trực tiếp đến thị trường. Các thương lái ưu tiên mua heo từ các công ty lớn nên giá heo tại các trại đang giảm. Cụ thể, giá heo hơi bán tại trại lập tức giảm xuống chỉ còn từ 26.000 – 27.000 đồng/kg, giảm từ 3.000 – 4.000 đồng/kg so với tuần trước, việc mua bán heo hơi tại các trại cũng trở nên ảm đạm hơn.
Bình Phước bàn giải pháp khôi phục vườn điều
Biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại hơn 27.000 ha cây trồng của tỉnh Bình Phước. Mưa sớm, mưa kéo dài tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển trên cây điều. Hiện, tổng diện tích điều bị thiệt hại là hơn 35.000 ha. Trong đó, huyện Bù Đăng bị thiệt hại nặng nhất với trên 18.000 ha. Tính đến hết năm 2016, diện tích điều trên địa bàn tỉnh đạt gần 174.000 ha, chiếm 32,7% diện tích cây lâu năm, chiếm 30,03% so với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp.
Nhiều giải pháp khôi phục vườn điều được đưa ra như: Sở NN&PTNT vận động doanh nghiệp, công ty vật tư nông nghiệp chung tay hỗ trợ nông dân trồng điều, Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi chú ý vận hành nguồn nước đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ, điều tiết đảm bảo cung cấp nước cho nông dân sản xuất các mùa vụ.
Bình Dương: Hướng đi mới từ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Trong thời gian qua, Sở NN & PTNT tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất. Cụ thể, ngành đã hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng cây ăn trái có múi, chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến.
Việc ứng dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang được tỉnh Bình Dương áp dụng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao
Theo đó, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2017, diện tích nông nghiệp công nghệ cao trong trồng trọt của tỉnh tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt bình quân từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh, nhân rộng phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo bước phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Bình Dương trong giai đoạn mới.
Tây Ninh: Ớt rớt giá, nông dân thiệt hại tiền tỷ
Vụ đông xuân 2016 – 2017, huyện Bến Cầu có gần 1.500 hộ dân trồng ớt với diện tích ước tính khoảng 1.400 ha, tập trung tại các xã Long Thuận, Long Khánh, Tiên Thuận. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ, giá ớt xuống thấp chỉ còn 20.000 đồng/kg, thời điểm thu hoạch rộ giá ớt xuống còn 7.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân lỗ nặng.
Giá ớt giảm thấp kỷ lục khiến nhiều hộ dân trồng ớt tại tỉnh Tây Ninh chịu thiệt hại nặng nề
Theo thông tin từ chính quyền địa phương, vụ đông xuân 2016 - 2017, nông dân trồng ớt trên địa bàn huyện lỗ khoảng 50 tỷ đồng. Để tránh thiệt hại do giá ớt giảm, ngành nông nghiệp địa phương đã khuyến cáo không nên trồng ớt ồ ạt, cần ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi trồng, chuyển một số diện tích đất gieo trồng sang các loại cây khác phù hợp, kịp thời vụ./.
Lại Hùng (tổng hợp)
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.