Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 2 năm 2019 | 15:59

Giao thương Việt – Mỹ tăng 120 lần

Chuyến công du Việt Nam kéo dài tới ngày 28/2 của Tổng thống Donald Trump được coi là một cơ hội để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước.

xoai.jpg
Trái xoài Việt Nam vừa được nhận “visa” vào Mỹ

 

Kim ngạch hai chiều đạt trên 60 tỷ USD

Sau 1/4 thế kỷ bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gần 120 lần, đạt hơn 60 tỷ USD trong năm 2018.

Sáng 27/2, tại buổi hội đàm giữa Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phủ Chủ tịch, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký một số thỏa thuận hợp tác kinh tế quan trọng, tổng trị giá hơn 21 tỷ USD, trong đó có thỏa thuận Tập đoàn Vietjet ký hợp đồng mua 100 máy bay 737 MAX với Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing trị giá 12,7 tỷ USD, và thỏa thuận với General Electric về dich vụ bảo dưỡng động cơ trị giá 5,3 tỷ USD.

Tại cuộc hội kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump, hai bên cùng điểm lại và tỏ hài lòng về những tiến triển ngày càng thực chất trong quan hệ hai nước thời gian qua trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó nổi bật là quan hệ kinh tế - thương mại với kim ngạch hai chiều năm 2018 đạt trên 60 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng 46% và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.

Để duy trì và thúc đẩy đà phát triển tốt đẹp của quan hệ kinh tế - thương mại, hai bên nhất trí cần tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác hiện có như Hiệp định Thương mại Việt Nam – Mỹ và Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA), đồng thời tiếp tục thảo luận về khả năng nâng cấp, xác lập khuôn khổ quan hệ thương mại – đầu tư, phù hợp với sự phát triển của quan hệ kinh tế - thương mại và tính chất của quan hệ Đối tác toàn diện.

Tổng thống Donald Trump đã đánh giá cao việc Việt Nam tích cực xử lý một số vấn đề thương mại ưu tiên, khẳng định ủng hộ mạnh mẽ hợp tác trong lĩnh vực này vì lợi ích của nhân dân hai nước. 

Lợi thế cho ngành nông nghiệp

Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam – Mỹ đã liên tục có những tiến triển, không chỉ từ những hợp đồng lớn trị giá hàng tỷ USD mà còn với những thỏa thuận rất cụ thể, như sự kiện xoài Việt Nam nhận “visa” vào Mỹ vừa qua.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Việt Nam chính thức gửi hồ sơ đăng ký xuất khẩu quả xoài tươi sang thị trường Mỹ từ năm 2009. Đến nay, sau gần 10 năm, xoài của Việt Nam đã hoàn thành tất cả các thủ tục để được phép xuất khẩu sang Mỹ. Đây là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam (sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều và vú sữa) được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Không chỉ có quả xoài, nhiều loại nông sản khác của Việt Nam cũng đang rộng đường sang thị trường lớn nhất thế giới. Chẳng hạn, chỉ tính riêng ở Tiền Giang, tỉnh này đặt mục tiêu từ nay đến cuối vụ sẽ thu mua và xuất khẩu sang Mỹ 300 tấn trái vú sữa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng sản lượng vú sữa xuất khẩu sang thị trường Mỹ niên vụ 2018 - 2019 lên 400 tấn quả, cao gấp 3 lần so năm trước.

Hiện, các doanh nghiệp thu mua vú sữa xuất khẩu tại vườn với giá từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, cao hơn giá thu mua thị trường từ 7.000 - 10.000 đồng/kg và đây rõ ràng là tin rất đáng mừng với nông dân.

Nhìn xa hơn, 25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Mỹ đã tăng gần 120 lần, từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018. Hiện, Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ và tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt 20%.

Với tổng giá trị nhập khẩu lớn nhất thế giới, đạt trên 2.400 tỷ USD năm 2018, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam những năm tới, nhưng đây cũng là thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Bên cạnh các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, Bộ Công Thương còn có các đề án lớn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm của các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến.

 

 

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
Top