Hươu sao được xác định là sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi Hà Tĩnh.
Những năm qua, nghề nuôi hươu thực sự đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cho người dân huyện miền núi Hương Sơn. Chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” dùng cho sản phẩm nhung hươu vừa được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn, là “giấy thông hành” để phát triển thương hiệu, danh tiếng sản phẩm của địa phương.
Thu trăm tỷ từ hươu
Hương Sơn có điều kiện tự nhiên phù hợp với sự phát triển của hươu. Được thuần hóa từ thế kỷ 18, hươu đã gắn bó và không ngừng phát triển ở Hương Sơn. Trước đây, hươu là vật nuôi “quý tộc”, nhưng từ năm 1990 đến nay, hươu được nuôi phổ biến, liên lục mở rộng và trở thành vật nuôi chủ lực của địa phương.
Do dễ nuôi nên hươu được nuôi ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện. Trong đó, tập trung ở các xã vùng giữa và vùng thượng Sơn Quang, Sơn Lâm, Sơn Trung, Sơn Giang… Hiện toàn huyện có hàng trăm mô hình nuôi quy mô trên 20 con, trong đó, 9 mô hình nuôi 50-100 con. Hàng chục nghìn hộ nuôi 4-5 con trở lên. Nhà nhà nuôi hươu, xóm xóm nuôi hươu khiến hươu thực sự gắn bó và trở thành đặc sản không lẫn lộn của Hương Sơn.
Đến thăm địa phương nuôi hươu tốp đầu của huyện, Chủ tịch UBND Sơn Lâm Nguyễn Trọng Thuần, cho biết: “Hươu là vật nuôi chủ lực của xã từ nhiều năm nay. Hiện xã có 650/801 hộ nuôi, chiếm trên 80%. Với tổng đàn lên đến 2.786 con, hươu đang chiếm khoảng 40% tổng thu nhập của địa phương. Mặc dù xã phát triển nhiều đối tượng kinh tế nhưng hươu vẫn là mũi nhọn, được người dân quan tâm nhất. Hàng trăm gia đình ở Sơn Lâm xây dựng được nhà cửa, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, nuôi con cái ăn học trưởng thành chủ yếu nhờ hươu. Toàn xã có khoảng 50 mô hình nuôi hươu cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm”.
Cũng là xã tốp đầu nuôi hươu, Chủ tịch UBND xã Sơn Quang Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: “Sơn Quang hiện có tổng đàn 2.700 con. Toàn xã có trên 200 hộ nuôi từ 5 con trở lên, trong đó có trên 20 hộ nuôi từ 20 con trở lên. Khoảng 100 hộ có thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng từ hươu. Năm nay, nhân dân Sơn Quang thu được 8 tạ nhung và xuất bán 400 con hươu giống, cho thu nhập 11 tỷ đồng. Gia đình tôi nuôi 6 con hươu đực, thu 5 kg nhung, bán được 50 triệu đồng”.
Nhiều hộ dân Hương Sơn những năm gần đây đã mạnh dạn đầu tư nuôi trên 50 con, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Chị Trần Thị Hợi, thôn 10, xã Sơn Lĩnh, cho biết: “Gia đình nuôi hươu từ hàng chục năm nay. Thấy hươu cho kinh tế khá nên năm 2012, chúng tôi bắt đầu đầu tư nuôi quy mô 50 con và duy trì ổn định số lượng cho đến nay. Trung bình, thu nhập từ bán nhung hươu và hươu giống đạt khoảng 300-400 triệu đồng/năm”.
Từ hiệu quả của nuôi hươu và các cơ chế, chính sách phù hợp của huyện Hương Sơn, của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tổng đàn hươu Hương Sơn những năm gần đây không ngừng tăng. Năm 2013, tổng đàn toàn huyện đạt 30.500 con; năm 2014 đạt 33.100 con; năm 2015 trên 36.000 con. Đến nay, tổng đàn hươu trên toàn địa bàn huyện đạt 33.450 con, sản lượng nhung hươu 12,21 tấn, bán khoảng 10.000 con hươu giống, thu nhập 150 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Thọ, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, cho biết: “Ngoài chính sách của tỉnh, hàng năm, huyện có nhiều chính sách hỗ trợ người nuôi hươu mở rộng quy mô chuồng trại, mua con giống. Cụ thể, đối với những hộ chăn nuôi mới từ 20 con hươu trở lên được hỗ trợ 20 triệu đồng; từ 100 con hươu trở lên được hỗ trợ 150 triệu đồng. Nhờ chính sách kích cầu, từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, người dân Hương Sơn đã biết mở rộng quy mô, liên kết sản xuất.
“Giấy thông hành” để nâng cao vị thế
Chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” dùng cho sản phẩm nhung hươu vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn, là “giấy thông hành”, tạo điều kiện, cơ hội để nâng cao vị thế, danh tiếng, giá trị kinh tế, sức cạnh tranh cho sản phẩm, mang lại lợi ích cho người chăn nuôi và kinh doanh hươu ở Hương Sơn.
Sản phẩm nhung hươu Hương Sơn.
Ông Phạm Bình, chủ hộ chăn nuôi hươu ở xóm Lâm Trung, xã Sơn Lâm phấn khởi cho biết, đây là niềm mong đợi từ lâu của hàng nghìn hộ chăn nuôi hươu trên địa bàn, và cũng là cơ sở để người chăn nuôi an tâm đầu tư phát triển đàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, con giống.
Niềm vui không chỉ đối với người chăn nuôi mà còn là cơ hội lớn cho những doanh nghiệp, HTX kinh doanh các sản phẩm từ nhung hươu. “Sản phẩm nhung hươu được cấp chỉ dẫn địa lý là cơ hội để có thể yên tâm đầu tư, mở rộng kinh doanh, đa dạng sản phẩm và ký kết hợp đồng sản xuất tiêu thụ với đối tác trong và ngoài nước”, bà Chu Thị Hà, Giám đốc Doanh nghiệp nhung hươu Thuận Hà, tin tưởng.
Để có được giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhung hươu, từ hơn một năm trước, tháng 12/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định phê duyệt dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” cho sản phẩm nhung hươu của huyện Hương Sơn”. Chỉ dẫn này được bảo hộ vô thời hạn trên toàn quốc, kể từ ngày ban hành quyết định (28/2/2019). UBND huyện Hương Sơn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Nhung hươu Hương Sơn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên phạm vi 32 xã, thị trấn thuộc huyện Hương Sơn. Theo giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, danh tiếng của nhung hươu Hương Sơn được quyết định bởi tính chất đặc thù về điều kiện địa lý, quy trình kỹ thuật chăn nuôi.
Song song với triển khai thủ tục, hồ sơ cấp chỉ dẫn địa lý , tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng công cụ quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý để ngay sau khi được bảo hộ, sản phẩm sẽ có đủ các tiêu chuẩn ra thị trường. Ngoài ra, bộ nhận diện thương hiệu (tem truy xuất nguồn gốc, túi đựng sản phẩm...) đã được xây dựng, sử dụng. Các biện pháp này giúp nâng cao chất lượng, quy trình sản xuất, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là cách làm năng động, bền vững, tránh được tình trạng cấp chỉ dẫn địa lý nhưng không quan tâm quản lý, phát triển như một số địa phương hiện nay.
“Trước mắt, huyện Hương Sơn có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và các hộ chăn nuôi tập trung sơ chế, chế biến, quảng bá sản phẩm. Mục tiêu là giới thiệu sản phẩm chất lượng đúng theo nguồn gốc sản phẩm nhung hươu Hương Sơn ra thị trường. Chúng tôi hy vọng, với sự tập trung hỗ trợ của các cấp các ngành, sẽ khích lệ người chăn nuôi phát triển, nâng cao chất lượng tổng đàn, mở rộng sản xuất kinh doanh”, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng khẳng định.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo huyện Mường Lát (Thanh Hóa), từ chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì, nhưng bằng nghị lực, sự táo bạo trong cách nghĩ, cách làm và được sự ủng hộ của chính quyền, chị Lương Thị Nồng ở xã Quang Chiểu đã đưa nếp Cay Nọi trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện (năm 2021) và phát triển bền vững.