Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 1 năm 2021 | 21:22

Giúp bà con trồng mắc ca, cây dược liệu đúng hướng ở Tây Nguyên

Hiện, các ngành chức năng ở Tây Nguyên đang từng bước hướng dẫn người dân trồng mắc ca, cây dược liệu đúng hướng để có hiệu quả cao, bền vững.

Đắk Nông: Giúp người dân phát triển cây mắc ca hiệu quả

Sau gần 10 năm phát triển cây mắc ca, nhiều nhà vườn ở Đắk Nông đã tỏ ra thất vọng vì cây không cho trái, hiệu quả kinh tế chưa cao. Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân phát triển cây mắc ca đúng hướng.

 

mc-66.jpgHướng dẫn người dân tỉa cành, tạo tán cho mắc ca giai đoạn kiến thiết.

 

Theo Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Đắk Nông, hiện, người trồng mắc ca đang thiếu thông tin về kỹ thuật trồng, chăm sóc, giá cả thị trường và các chính sách thu hút phát triển cây mắc ca.

Do vậy, thời gian qua, việc trồng cây mắc ca đã bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa phản ánh đúng giá trị của loại cây này có thể đem lại.

Theo đó, mắc ca là cây trồng mới, khá phù hợp với một số vùng đất ở Đắk Nông. Song, đến nay, chưa có quy trình chuẩn về kỹ thuật trồng và chăm sóc phù hợp. Các hộ trồng mắc ca thường gặp khó khăn trong việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây.

Ông Ninh Hồng Giang, thôn 6, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) cho hay, vào thời điểm tháng 10-11 hằng năm, cường độ gió khu vực Tuy Đức rất mạnh, rễ cây mắc ca lại ăn nông, nên dễ bị đổ ngã.

Cũng thời điểm này, cây mắc ca bắt đầu ra hoa và bị gió mạnh đánh tơi tả, nên hoa không đậu được. "Năm nào cây cũng ra hoa nhiều, nhưng không đậu quả được là do vậy”, ông Giang chia sẻ.

Theo ông Phạm Tấn Minh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ngành Khuyến nông đang tiếp tục tham mưu quy hoạch, nghiên cứu, khảo nghiệm ở từng vùng trồng mắc ca cụ thể.

Tại Tuy Đức, nơi được đánh giá là có khí hậu, thổ nhưỡng khá phù hợp với cây mắc ca, nhưng không phải xã nào cũng trồng được. Thậm chí trong cùng một xã, có nơi, cây mắc ca phát triển tốt, nhưng nơi khác rất khó ra hoa, đậu trái, năng suất thấp.

Nguyên nhân là do điều kiện lập địa, hướng gió của từng vùng khác nhau. Chẳng hạn, cùng trong một vùng sản xuất của thôn 6, xã Quảng Tâm, nhưng mắc ca trồng ở sườn đông thì khả năng phát triển kém, tỷ lệ đậu quả thấp. Còn ở sườn Tây lại cho năng suất, hiệu quả cao.

Cũng theo ông Minh, tình trạng này là do giai đoạn mắc ca nở hoa gặp gió mùa đông bắc thổi mạnh, kết hợp với sương mù, sương muối, làm hoa rụng, giảm tỷ lệ đậu quả.

Cây mắc ca ra hoa tập trung vào những tháng đầu năm dương lịch. Đây cũng là thời điểm bà con tưới nước cho cà phê. Do đó, những diện tích mắc ca trồng xen với cà phê sẽ bị ảnh hưởng đến sinh lý, làm cho hoa rụng nhiều.

Cây mắc ca sinh trưởng tốt nhất, và cho năng suất ổn định ở mức nhiệt từ 18 – 21 độ C. Thế nhưng, hầu hết các vùng trong tỉnh, thời điểm mắc ca ra hoa, đậu quả lại có nhiệt độ phổ biến trên 23 độ C. Mức nhiệt này làm cho cây ra hoa đậu quả kém.

Mặc khác, do kỹ thuật chăm sóc như cắt cành, tạo hình, chế độ chăm sóc chưa đúng kỹ thuật cũng ảnh hưởng đến quá trình ra hoa đậu quả của mắc ca.

Kon Tum: Nâng tầm giá trị dược liệu Tu Mơ Rông

Năm 2020, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng được 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 15 sản phẩm đạt từ 2 - 4 sao cấp tỉnh. Việc phát triển sản phẩm OCOP, đã xây dựng được thương hiệu, nâng tầm giá trị dược liệu của Kon Tum, giúp người dân dễ dàng tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập.

 

sam-31.jpg

Sâm ngọc linh được trồng ở huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: KĐ          

  

Năm 2020, vợ chồng anh A Hiền (làng Đăk Song, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) trồng được 2 sào hồng đẳng sâm, loại cây dược liệu người dân thường gọi nôm na là sâm dây.

Tháng cuối năm, thu hoạch 1 sào được 1 tấn củ, bán với giá 80.000 đồng/kg củ tươi, vợ chồng anh Hiền đã có 80 triệu đồng. Anh Hiền cho biết, từ năm ngoái anh tham gia cùng hộ kinh doanh Đặng Tuấn Vũ làm sản phẩm OCOP nên không còn phải lo không bán được sâm dây.

Không những thế, trước đây chỉ bán được 50.000/kg thì nay bán cho cơ sở chế biến ngay tại xã cũng được 80.000/kg.

“Có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, của Chương trình OCOP, mình trồng sâm dây rất có lợi. Trước đây, đến mùa thu hoạch chỉ đào một ít đi bán. Bây giờ tham gia làm OCOP có lịch thu hoạch, mình cứ thế mà làm.

Giá thu mua sâm dây cao, lại ổn định đầu ra nên vụ vừa rồi mình mới dám tìm mua giống sâm dây để trồng đấy chứ. Có OCOP, trồng sâm dây có thu nhập hơn hẳn cây trồng khác” - Anh A Hiền phấn khởi nói.

Từ định hướng, hỗ trợ của chính quyền xã Tê Xăng và huyện Tu Mơ Rông, đầu năm 2020, hộ kinh doanh Đặng Tuấn Vũ (thôn Tân Ba) có 4 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, gồm: Sâm dây tươi hút chân không, Trà túi lọc sâm dây, Trà túi lọc ngũ vị tử và Sâm dây khô hút chân không.

Đây được coi là cuộc “lột xác” ngoạn mục của cây dược liệu ở Tu Mơ Rông, tạo sự thay đổi tích cực trong tư duy của đồng bào DTTS tại chỗ.

Anh Trần Duy Long - cán bộ Văn hóa xã Tê Xăng, cho biết: “Thông qua Chương trình OCOP, bà con đã giới thiệu được một số sản phẩm như sâm dây, ngũ vị tử, sơn tra ra thị trường; người tiêu dùng trên mọi miền đất nước đã biết về sản phẩm.

Qua đó góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, nâng cao thu nhập cho bà con, từ đó có động lực để tham gia phát triển sản xuất”.

Trong các sản phẩm OCOP của huyện Tu Mơ Rông, có 2 sản phẩm đang dẫn đầu cấp tỉnh với 4 sao, gồm Trà sâm Ngọc Linh hòa tan và nước uống Collagen sâm Ngọc Linh.

Cách đây vài năm, ít người nghĩ những sản phẩm thảo dược của Tu Mơ Rông lại có thể được trưng bày một cách trang trọng trên các kệ hàng trong nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng khắp cả nước.

Bà Y Liễu - Chủ tịch UBND xã Tu Mơ Rông cho rằng, đây là động lực rất lớn để chính quyền xã thúc đẩy sản xuất, tiếp tục mở rộng diện tích cây dược liệu.

“Hiện, xã đang vận động người dân bỏ bớt cây mì, cây bời lời để trồng dược liệu. Các loại cây trồng khác đầu ra thường khó khăn nhưng cây dược liệu thì không thế.

Từ lợi ích kinh tế mà cây dược liệu mang lại, người dân Tu Mơ Rông rất mong muốn được mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh, sâm dây, ngũ vị tử”.

Đến cuối năm 2020, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng được 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 2 sao, 12 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, hầu hết các sản phẩm OCOP của các xã ở huyện Tu Mơ Rông đều sử dụng nguyên liệu là nguồn dược liệu bản địa.

Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, việc xây dựng sản phẩm OCOP đang là giải pháp tốt nhất để biến tiềm năng dược liệu của huyện thành động lực cho phát triển kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập của người dân.

Toàn huyện Tu Mơ Rông hiện có 500ha sâm Ngọc Linh, trong đó riêng người dân trồng được hơn 23ha. Với mỗi kg sâm Ngọc Linh tươi, bán theo giá thị trường khoảng 150 triệu đồng như hiện nay, ở Tu Mơ Rông không ít người Xơ Đăng đã  thành triệu phú, tỷ phú.

Cũng từ thành công trong xây dựng sản phẩm OCOP, các loại dược liệu ngày càng tăng giá trị và tạo động lực cho sản xuất phát triển, như cây sâm dây năm 2020 diện tích tăng hơn gấp đôi so với năm trước, đạt 144ha.

Đây cũng là tiền đề quan trọng để trong 5 năm tới, Tu Mơ Rông hoàn thành mục tiêu phát triển thêm trên 3.000ha cây dược liệu như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra.

Gia Lai: Liên kết sản xuất cà phê bền vững

Công ty TNHH một thành viên Ngọc Chương Gia Lai và doanh nghiệp đối tác đã hợp tác với nông dân sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ, 4C, RFA.

 

ca-f-99.jpg

 Liên kết sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ. 

 

Công ty TNHH một thành viên Ngọc Chương Gia Lai (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có bề dày hơn 20 năm trong lĩnh vực thu mua, chế biến nông sản, cà phê xuất khẩu.

Giám đốc Trần Ngọc Chương cho biết: “Vùng nguyên liệu của Công ty  tập trung tại các huyện: Chư Sê, Đak Đoa. Khi tham gia mô hình, người dân được hướng dẫn về kỹ thuật, được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn.

Doanh nghiệp hỗ trợ giá qua hình thức trả thưởng cho người dân. Công ty sẵn sàng thu mua cà phê đạt chuẩn UTZ, 4C, RFA với giá cao hơn cà phê thường”.

Qua mô hình liên kết, Công ty Ngọc Chương thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm với cộng đồng nhằm mang lại giá trị kinh tế, lợi ích bền vững cho các bên. Giống như nhiều người trong xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, anh Hnũ tham gia hợp tác sản xuất cà phê bền vững 1 ha.

“Tôi được Công ty mời tham gia tập huấn kỹ thuật, biết được loại thuốc BVTV nào không nên sử dụng, được hướng dẫn kỹ thuật thu hái đảm bảo năng suất chất lượng.

Năm nay, dự tính thu khoảng 3 tấn cà phê nhân và bán cho Công ty. Sản xuất bền vững lúc đầu tương đối khó, tốn công nhưng bà con yên tâm vì vườn có năng suất, bán được giá”, anh Hnũ bày tỏ.   

Hiện, nhiều chủ nông trại diện tích lớn cũng tham gia chuỗi của Công ty. Ví như ông Nguyễn Văn Bảo (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) đã có 6 ha cà phê tiêu chuẩn 4C.

“Tôi làm cà phê theo hướng bền vững trước hết để giữ độ bền cho vườn cây, bảo vệ môi trường. Cà phê đạt chuẩn, tỷ lệ quả chín từ 90% trở lên, Công ty có chính sách thưởng và sẵn sàng mua cao hơn giá thông thường. Hợp tác với Công ty, nông dân không phải lo đầu ra”, ông Bảo cho biết.

Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng, bền vững là lựa chọn phù hợp với thị trường. Hiện, Công ty Ngọc Chương đang triển khai song song 2 mô hình hợp tác tại vùng nguyên liệu.

Mô hình thứ nhất: liên kết sản xuất  theo chuẩn UTZ, 4C, RFA của 500 nông hộ, sản xuất và cung cấp nguyên liệu có chứng nhận cho Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam và một doanh nghiệp khác.

Mô hình thứ 2, hợp tác với 100 nông hộ “đặt hàng” sản xuất cà phê chất lượng cao để chế biến cà phê bột, cà phê hạt thương phẩm.

“Giữa cà phê thường và cà phê có chứng nhận luôn có sự khác biệt về giá và chất lượng. Tại các vùng nguyên liệu Công ty hợp tác, năng suất, chất lượng cà phê ngày càng tăng.

Khi sản xuất có trách nhiệm, cả nông dân và doanh nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn. Không chỉ vì lợi nhuận, chúng tôi còn đề cao giá trị tinh thần, xã hội”, ông Chương nhìn nhận.  

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top