Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 10 năm 2020 | 15:21

Gỡ “thẻ vàng”, cần hành động quyết liệt hơn

Dù nhận định tiếp tục đối mặt không ít khó khăn trong những tháng cuối năm 2020, song toàn ngành thủy sản xác định sẽ nỗ lực tối đa để xuất khẩu (XK) có thể về đích 10 tỷ USD.

t18.jpg
Khai thác cá ngừ đại dương tại Phú Yên. Ảnh: Phạm Cường.

 

Đặc biệt phấn đấu khắc phục tốt hơn những khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hướng tới gỡ bỏ “thẻ vàng”.

10 tỷ USD - không đơn giản!

Nửa đầu năm nay, trị giá XK thủy sản ước đạt 3,56tỷ USD, bằng 91,4% cùng kỳ năm trước và đạt 35,6% kế hoạch.

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận định, 6 tháng cuối năm, nguồn lợi hải sản suy giảm cả về số lượng, chất lượng; dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường. Ngoài ra, tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biến phức tạp. Các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ta bị thu hẹp đáng kể.

Dù nhiều khó khăn, song toàn ngành xác định sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2020 được giao, gồm: Tổng sản lượng thủy sản đạt 8.565,6 triệu tấn (trong đó, sản lượng khai thác 3,9 triệu tấn và sản lượng nuôi trồng 4,66 triệu tấn); kim ngạch XK đạt 10 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá, hết 6 tháng đầu năm, XK thủy sản giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Đó là dấu hiệu cho thấy muốn đạt mục tiêu XK 9-10 tỷ USD trong năm nay phải nỗ lực rất nhiều. Đặc biệt là việc gỡ “thẻ vàng” của EU.

Đại diện VASEP cho biết, sau phục hồi trong tháng 7, XK cá ngừ của Việt Nam tháng 8 lại không tăng trưởng như mong đợi, giá trị XK giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019. Song trong tháng 8 tình hình XK cá ngừ sang một số thị trường chính đã sáng sủa hơn. Giá trị XK cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019.

Riêng XK cá ngừ của Việt Nam sang các nước EU trong tháng 8 không có sự tăng trưởng như mong đợi, giảm 17%. Tuy nhiên, XK cá ngừ sang các thị trường chính trong khối như Đức và Hà Lan vẫn có sự tăng trưởng tốt.

Các sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam sang EU trong tháng 8 gồm thịt cá ngừ đông lạnh (mã HS03048700), cá ngừ ngâm dầu/sốt đóng hộp (mã HS16041419) và thịt cá ngừ hấp đông lạnh (mã HS16041490) tăng khá, đây là các sản phẩm mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan khi EVFTA có hiệu lực. Giá trung bình XK thịt cá ngừ đông lạnh và thịt cá ngừ hấp đông lạnh của Việt Nam sang EU trong tháng 8 ở mức lần lượt là 6,41 USD/kg và 4,98 USD/kg.

Trong khi đó, XK mực, bạch tuộc sang EU từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay liên tục giảm mạnh do chịu tác động của thẻ vàng IUU, cộng thêm tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu giảm. Tuy nhiên, tháng 8/2020, XK mực, bạch tuộc sang thị trường này đã tăng trở lại, tăng 10% đạt 5,8 triệu USD. Đáng chú ý, XK sang Pháp tăng trên 101% đạt 0,7 triệu USD. EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 đã mang lại ưu đãi thuế cho XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang EU. XK mực, bạch tuộc sang EU trong những tháng cuối năm kỳ vọng tiếp tục được cải thiện.

VASEP dự kiến, do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các thị trường vẫn chưa được kiểm soát nên XK cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường sẽ chưa thể phục hồi. Tuy nhiên, XK sang các thị trường chính sẽ khả quan hơn so với những tháng đầu năm.

Còn 2 lỗ hổng lớn về IUU

Không thể phủ nhận những khó khăn khi bị gắn “thẻ vàng” và chưa được gỡ bỏ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Sau gần 3 năm bị EC phạt thẻ vàng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị, các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp, Việt Nam đã hoàn thành được khối lượng công việc lớn theo 4 nhóm mà EC khuyến nghị.

Cụ thể là đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia, ban hành các nghị định thông tư, các văn bản pháp lí, rất nhiều hoạt động tích cực từ đăng kí tàu thuyền, lắp thiết bị định vị, kiểm soát... Công tác thực hiện có bước tiến triển rõ, đặc biệt ở khu vực Thái Bình Dương, từ công tác quản lí bến cảng, khai báo, tổ chức sản xuất, chế biến xuất khẩu, truy xuất nguồn gốc đều có nhiều cố gắng với quyết tâm rất cao.

“EC đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, song vẫn chưa đồng tình cao, vì 6 tháng vừa qua vẫn còn ngư dân vi phạm vùng đánh bắt hải sản. EC nói, nếu còn vi phạm thì kiên quyết không rút “thẻ vàng””, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo ngại.

 

t19.jpg
Đưa cá ngừ đại dương lên bờ tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Dũng.

 

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản), đánh giá, riêng về chống khai thác IUU, hiện nay tồn tại hai “lỗ hổng” lớn. Thứ nhất, xử lý vi phạm hành chính tại các địa phương. Có xử lý nghiêm các vi phạm hành chính thì những vấn đề khác như giấy phép, sản lượng lên bến… sẽ được chấp hành tốt hơn. Thứ hai, xử lý tàu đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

Tại các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, đặc biệt là Kiên Giang, các vụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý chưa giảm, vẫn còn tình trạng sơn tàu, mang biển số giả của nước ngoài… để cố tình vi phạm. Các tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định vẫn còn tàu vi phạm nhưng đã giảm so với trước; điển hình là tỉnh Bình Thuận (từ đầu năm 2020 đến nay chưa phát hiện tàu bị nước ngoài bắt giữ).

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng chỉ rõ, việc triển khai công tác ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở ngoài vùng biển Việt Nam còn hạn chế, chưa quyết liệt, đồng bộ

Phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, thời gian qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với phía EC trong công tác chống khai thác IUU. Tuy nhiên, ông cho rằng, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc này.

“Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để sớm đạt được thực thi những biện pháp mà EC đặt ra, gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam; bảo đảm các kết quả này là vững chắc, thực chất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc các chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các văn bản chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU và các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Trong đó, quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, đặc biệt là trong công tác xử lý hành vi khai thác IUU. Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền trong và ngoài nước về kết quả triển khai chống khai thác IUU. Tập trung, quyết liệt triển khai các giải pháp, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Tích cực chạy đua tăng giá trị hải sản xuất khẩu

Thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương, thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được những kết quả hết sức khả quan trong việc gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản xuất khẩu. Ngành nông nghiệp cùng các đơn vị lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn đã có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng đánh bắt trái phép thủy sản tại địa phương.

Mới đây, Quân chủng Hải quân đã phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị phối hợp nắm tình hình thực hiện chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về IUU.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để đạt được những kết quả như trên, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chứ không nói chung chung như trước đây nên đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ đối với công tác này.

Và đặc biệt, hiện quy trình kiểm soát tàu cá ra khơi rất chặt chẽ, qua 3 lớp kiểm tra, trong đó bước đầu tiên nằm ở Chi cục Thủy sản, trước khi ra khơi, tàu cá phải có đầy đủ các giấy tờ khai thác, giấy chứng nhận VSATTP, thiết bị định vị… Tiếp đến là các cảng cá sẽ rà soát thêm một lần nữa và cửa cuối cùng là các trạm, đồn biên phòng sẽ kiểm tra trước khi cho tàu vươn khơi.

Mới đây nhất, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã làm việc tại Phú Yên về IUU; hạ tầng thủy sản, quản lý giống thủy sản; công tác tái đàn heo; phòng chống dịch bệnh động vật.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên, thời gian qua, Phú Yên đã triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Nhờ vậy, từ năm 2019 đến nay, Phú Yên không có tàu cá của ngư dân vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhận định, kim ngạch XK hải sản sang EU khoảng 400 – 500 triệu USD/năm. Thời gian qua, kim ngạch XK giảm khoảng 10 - 15 triệu USD/năm. Con số tuy chưa phải là lớn nhưng nếu không sớm gỡ được “thẻ vàng”, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến XK; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành. Đơn cử như Campuchia, bị rút “thẻ đỏ” thì toàn bộ sản phẩm thủy sản sẽ bị cấm XK sang thị trường EU.

“Nếu chưa chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, việc gỡ “thẻ vàng” hải sản XK vào EU rất khó khăn. Đây là vấn đề nan giải, đòi hỏi ngành chức năng, địa phương phải có giải pháp mạnh hơn nữa”, ông Hùng nói.

Nhấn mạnh về giải pháp lâu dài, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, cần giảm khai thác, tăng nuôi trồng, trong đó có nuôi trồng biển, do đó, phải đổi mới, tái cơ cấu ngành.

“Không tái cơ cấu ngành thủy - hải sản, đổi mới nâng cao đời sống người dân thì không xử lý được tận gốc vấn đề đánh bắt trái phép. Với bờ biển dài, ngành nuôi trồng cũng là tiềm năng, lợi thế của Việt Nam không chỉ trong nội địa mà còn nuôi trồng biển. Tương lai phải hướng đến xây dựng đây là ngành kinh tế mũi nhọn”, Phó thủ tướng nêu rõ.


 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top