Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 7 năm 2019 | 20:23

Hạ Long: Bảo tồn cấp bách lợn Móng Cái giống gốc

Để đối phó với dịch tả lợn châu Phi, Quảng Ninh đã có phương án bảo tồn giống lợn quý Móng Cái (giống gốc).

Trước diễn biến khó lường của dịch tả lợn châu Phi, Sở Nông nghiệp Quảng Ninh đã đề xuất phương án bảo tồn giống lợn Móng Cái dưới dạng tinh dịch đông lạnh; tái tạo giống lợn Móng Cái bằng thụ tinh nhân tạo và cấy truyền phôi.

 

qn-33331.jpg

 Sở Nông nghiệp đưa ra ý kiến bảo tồn lợn Móng Cái.

                                                                                                                          

Phương án trên được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, cấp bách, sử dụng kỹ thuật cao, lựa chọn giống bố, mẹ sạch bệnh, chất lượng tốt; tiến hành khai thác và trữ tinh, phôi dưới dạng đông lạnh; bảo tồn tinh, phôi đông lạnh.

Giai đoạn 2: thực hiện sau khi hết dịch là tái tạo lợn giống Móng Cái, bằng thụ tinh nhân tạo từ tinh bảo tồn, cấy phôi thai bảo tồn.

Lợn Móng Cái là giống thuần chủng của Quảng Ninh, được nuôi từ lâu đời, hiện, có trên 27.000 con, chiếm 81% số lợn cả tỉnh. Mục tiêu khai thác và bảo tồn giống lợn này, dưới dạng đông lạnh 600 liều tinh, 1.020 phôi; 1.434 con sinh ra từ tinh đông lạnh, 100 con sinh ra từ phôi bảo tồn đông lạnh.

Qua đó, nhằm giữ an toàn cho các cơ sở cung cấp lợn giống, tránh rủi ro, đáp ứng nhu cầu tái đàn, phát triển chăn nuôi sau dịch bệnh. Đồng thời, chủ động khôi phục, phục vụ nhu cầu về con giống, lợn hậu bị, lợn thương phẩm trên địa bàn tỉnh và cả nước.

Hiện, các doanh nghiệp đã đề xuất sớm thực hiện các biện pháp hiệu quả, để gìn giữ giống lợn Móng Cái. Đồng thời, đóng góp ý, điều chỉnh một số hạng mục về số lượng phôi, giống, đơn giá; quy trình vệ sinh, đảm bảo an toàn khi triển khai.

Lãnh đạo các sở, ngành cũng bày tỏ ý kiến về việc làm rõ trách nhiệm của các đơn vị trong phương án, cũng như cụ thể nguồn tài chính để thực hiện.          

Giám đốc Sở Nông nghiệp, ông  Nguyễn Hữu Giang cho biết, các đơn vị cần hoàn thiện phương án, để sớm trình UBND tỉnh. Trong đó, việc bảo tồn giống lợn Móng Cái dưới dạng tinh dịch đông lạnh; tái tạo giống lợn bằng thụ tinh nhân tạo và cấy phôi, cần tính toán tổng thể, chia giai đoạn rõ ràng, phân công các phần việc, điều chỉnh số lượng liều tinh và phôi giống phù hợp.

Mặt khác, thực hiện song song phương án hai, đó là, hỗ trợ các đơn vị đưa lợn ra đảo, quây vùng chăn nuôi, đảm bảo quy trình nghiêm ngặt, giám sát chặt chẽ, để bảo tồn giống lợn Móng Cái quý hiếm trên địa bàn.

Tiên Yên: Thoát nghèo nhờ nuôi dê

Nuôi dê đang trở thành hướng phát triển kinh tế giúp nhiều hộ dân ở xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) thoát nghèo. Năm 2016, mô hình nuôi dê sinh sản, đã được Tiên Lãng quan tâm, mang lại hiệu quả cao.

 

de-666666.jpg

  Mô hình nuôi dê đem lại hiệu quả cao ở Bình Liêu

 

Năm 2016, Dự án mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản” tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, được triển khai với tổng số vốn đầu tư trên 335 triệu đồng, cung cấp 50 con dê giống cho 25 hộ nghèo nuôi.

Theo anh Lê Văn Sình, thôn Thuỷ Cơ, đàn dê tăng trưởng rất nhanh.

Mỗi năm, 1 cặp dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con, trọng lượng khoảng 10kg/con; giá bán khoảng 180.000 đồng/kg dê giống, 150 -200.000 đồng/kg dê thịt.

Một trong những ưu điểm của nuôi dê là không phải mua thức ăn hàng ngày, vì dê thích lá cây rừng, sẵn có trong tự nhiên, không mất công trông coi, có thời gian kết hợp làm ruộng, phát triển kinh tế vườn rừng...

Nuôi dê sinh sản, thời gian sinh lời, quay vòng vốn, lâu hơn so với lợn, gà, nhưng giá trị kinh tế lại cao hơn. Trung bình 6 tháng, dê nái lại sinh nở một lần. Lứa đầu đẻ một con, nhưng về sau, số con trong một lần sinh càng nhiều hơn.

 Đối với dê khả năng sinh sản thấp, vẫn xuất bán được giá. Hiện, mỗi con dê trưởng thành (khoảng 6 tháng tuổi) có giá khoảng 4-5 triệu đồng.

Sau 1 năm triển khai ở Tiên Yên, một số hộ chủ động vay vốn, tăng đàn. Thấy mô hình hiệu quả, năm 2017, 2018, Quảng Ninh  tiếp tục triển khai ở thôn Phai Làu, xã Đồng Văn và thôn Lục Ngù, xã Húc Động.

Dự án có 39 hộ nghèo tham gia, với tổng kinh phí hơn 490 triệu đồng, cung cấp 117 con dê giống. Phần lớn, nguồn vốn được Nhà nước hỗ trợ 50-60% để tránh tư tưởng ỷ lại, tạo động lực tự vươn lên thoát nghèo.

Ngoài ra, các địa phương còn mở nhiều lớp tập huấn kỹ năng chăn nuôi, phòng và trị bệnh cho dê, hỗ trợ xây dựng chuồng trại, tiền thuốc thú y, cử cán bộ theo dõi, chỉ đạo mô hình, đồng hành cùng người dân phát triển đàn.

Để nhân rộng mô hình, huyện Bình Liêu đã cho 19 hộ dân ở 2 xã Húc Động và Vô Ngại vay 900 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư.

Với sự hỗ trợ trên, các hộ bỏ gần 1,2 tỷ đồng, để tăng quy mô đàn từ 10 - 20 con, lên 40-50 con. Sau gần 4 năm thực hiện, dự án của 2 xã mang lại hiệu quả cao, cả 19 hộ tham gia, đã phát triển đàn dê của gia đình, tăng mạnh về số lượng, cho thu nhập cao. Nhiều hộ nuôi 70-100 con, mỗi tháng thu nhập 7-20 triệu đồng.

Phong trào nuôi dê đã giúp bà con giảm nghèo, vươn lên làm giàu, tạo sức lan tỏa cho mô hình.

Theo Phó Chủ tịch HND tỉnh Nguyễn Văn Đường, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình để nhân rộng ra các địa phương khác, nhất là kêu gọi hội viên nghèo mạnh dạn tham gia.

Hội sẽ huy động vốn từ một số chương trình của Trung ương và địa phương như: Chương trình 135, xây dựng NTM, Ngân hàng chính sách xã hội…

Đồng thời, lập ban chủ nhiệm giám sát mô hình, hướng dẫn kinh nghiệm chăn nuôi, chăm sóc, phòng trị bệnh cho dê.

Tuyên Quang:  Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

Ông Nguyễn Văn Nhật, Trưởng thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) là điển hình vượt khó, năng động trong phát triển kinh tế gia đình và gương mẫu, hết lòng với việc thôn. 

 

tq-366.jpg

Ông Nhật chăm sóc đàn lợn của gia đình.

 

Theo đó, ông đã xây dựng thành công mô hình kinh tế vườn - ao  - chuồng, kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái. Với diện tích mặt nước 2.250 m2, ông cải tạo ao nuôi các loại cá bỗng, trắm, trôi, chép phục vụ du khách đến tham quan, ăn uống tại gia đình.

Ngoài cá, ông còn chăn nuôi gần 100 con gà, vịt địa phương, 30 con lợn đen và trồng 1.500 m2 rau bò khai, giảo cổ lam… Từ cách làm này, mỗi năm ông thu được 150 - 200 triệu đồng. 

Từ đó, ông tuyên truyền, hướng dẫn các hộ trong thôn tăng gia sản xuất, trồng rau đặc sản như bò khai, giảo cổ lam, để phục vụ khách hàng.

Nhờ vậy, trong thôn đã có 11 hộ trồng rau đặc sản, với tổng diện tích 2 ha. Ông cho biết, thị trường đang có nhu cầu rau đặc sản, nhưng sản lượng không đủ bán. 

Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Nhật còn luôn nhiệt tình trong công việc, tận tình hướng dẫn bà con kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, để từng bước thoát nghèo, tiến tới làm giàu

Quảng Ngãi: Nuôi vịt theo tiêu chuẩn VietGAP

Vịt Đại Xuyên được nuôi theo tiêu chuẩn VietGap, có chất lượng thịt thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao. Đó là khẳng định của các hộ dân ở huyện Sơn Tịnh, khi triển khai mô hình.

 

vit-633.jpg

 Sau 8 tuần, vịt của ông Sự đã xuất bán, lãi trên 10 triệu đồng

 

Chỉ qua 8 tuần nuôi, 500 con vịt Đại Xuân của ông Phan Xuân Sự, thôn Phú Thành, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) đạt 2,6kg/con. Giá hiện tại 120 nghìn đồng/kg, ông Sự thu lãi trên dưới 10 triệu đồng.

Với kinh nghiệm nuôi vịt nhiều năm, ông nhận thấy sự khác biệt rõ ràng giữa 2 cách nuôi truyền thống, và theo hướng hàng hóa.

“Trước đây tôi cũng nuôi vịt, nhưng chỉ nuôi quảng canh, không chú ý nguồn nước sạch, vịt thả tự do, bị dịch bệnh hao hụt rất nhiều. Còn vịt Đại Xuyên, nhờ thâm canh, nuôi tập trung, cho uống nước sạch, nhanh lớn, khỏe mạnh.

Thời gian nuôi ngắn, nhưng trọng lượng vẫn tăng, giá thành lại cao, nên hiệu quả kinh tế cao hơn”- ông Sự chia sẻ.

Theo ông Sự, nếu nuôi 500 giống Đại xuyên với 500 vịt ta, trong thời gian 2 tháng, thì Vịt Đại Xuyên cho thu nhập cao hơn vịt ta từ 4,5 triệu - 5 triệu đồng.

Nuôi vịt Đại Xuyên theo hướng VietGap, là mô hình do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, huyện Sơn Tịnh triển khai thí điểm, tại xã Tịnh Trà, từ đầu tháng 5.2019. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trên 146 triệu đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 50%.

Qua vài tuần chăn nuôi, xuất bán, các hộ đều nhận về kết quả đáng mừng. Ông Đặng Văn Quang, một trong những hộ thành công mô hình nuôi vịt thả trên ao. Tỷ lệ sống đạt 94%, trọng lượng đạt trung bình 2,6 kg/con.

Ông Quang cho biết: Nuôi vịt Đại Xuyên hiệu quả hơn các giống vịt khác. Trung bình, nếu nuôi 500 con vịt Đại Xuyên trong thời gian gần 2 tháng, sẽ thu được trên 10 triệu đồng, nhưng nuôi các giống vịt khác, chỉ thu khoảng 7 triệu đồng.

Với mục tiêu hướng đến sản xuất hàng hóa an toàn, huyện Sơn Tịnh đã hướng dẫn bà con nuôi vịt Đại Xuyên thương phẩm, nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi, từ quản canh sang thâm canh. Đồng thời, hạn chế dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Ông Phạm Văn Tùng- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Vịt Đại Xuyên có tỷ lệ nuôi sống cao, tốc độ tăng trọng nhanh, tiêu tốn thức ăn ít hơn so giống vịt ta. Nhất là khi nuôi vịt theo chuẩn VietGap thì vịt khỏe mạnh, chất lượng thịt cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống.

Kết quả mô hình, là cơ sở để phát triển đàn vịt trên địa bàn huyện nói chung, xã Tịnh Trà nói riêng, góp phần giải quyết lao động nông nhàn, tăng thu nhập, giảm nghèo.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top