Sản xuất nông nghiệp của Hà Nam tiếp tục được duy trì ổn định, đạt “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển KT-XH, với tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt trên 4.540 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là đã đẩy giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng cao, nhưng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Hà Nam tiếp tục được duy trì ổn định, đạt “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, với tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt trên 4.540 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch.
HTX thủy sản Sông trong ao Hải Đăng nhờ đưa khoa học công nghệ cao và sáng tạo trong sản xuất và tiêu thụ, dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát vẫn phát triển kinh tế tốt.
Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp của Hà Nam tiếp tục chuyển dịch đúng hướng từ cây trồng truyền thống sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn; đồng thời tập trung cải tạo cơ cấu giống và áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, việc tổ chức sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP và làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh đã đem đến những mùa vụ bội thu cho người nông dân.
Do làm tốt công tác chỉ đạo sản xuất, chăm sóc và bảo vệ dịch hại trên cây trồng, vụ Xuân 2021 được đánh giá là vụ Xuân được mùa, kết thúc việc thu hoạch lúa, các địa phương trong tỉnh Hà Nam phấn khởi với năng suất lúa Xuân toàn tỉnh ước đạt 66,9 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha (0,4%) so với vụ Xuân 2020; sản lượng ước đạt gần 200.000 tấn. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, các địa phương và bà con nông dân tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung chuỗi khép kín có áp dụng khoa học công nghệ. Chăn nuôi đại gia súc không chỉ được các hộ quan tâm đến kỹ thuật nuôi và chăm sóc, mà khâu lựa chọn giống mới là vấn đề quan trọng.
Trao đổi với phóng viên ông Lại Văn Bừng, Khu chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản tập trung tại xã Đồn Xá (Bình Lục, Hà Nam) cho biết: Khâu chọn gống rất quan trọng, trang trại chúng tôi chỉ lấy nguồn giống Bò 3B. Trước đây các hộ thường chăn nuôi bò đỏ nhưng giống bò này cho hiệu quả kinh tế thấp, còn giống Bò 3B là giống bò thuần chủng có cơ bắp phát triển rất mạnh, ngoại hình đẹp, thịt thơm ngon, đặc biệt là cho hiệu quả kinh tế cao, nó là giống bò thịt tốt nhất hiện nay vừa thích ứng với điều kiện thời tiết vừa phù hợp với việc chăn nuôi của các tỉnh thành phía Bắc.
Ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng NN& PTNT huyện Bình Lục (Hà Nam) cho biết: Ngành nông nghiệp huyện Bình Lục tập trung chỉ đạo hướng dẫn các hộ chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản có chất lượng cao đây cũng là nét đột phá trong các khu chăn nuôi tập trung và ở các nông trại, đồng thời Ngành nông nghiệp huyện Bình Lục vẫn tiếp tục tuyên truyền phổ biến cho các chủ trang trại, nông trại áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trong sản xuất, chăn nuôi để cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Mô hình trồng nho Hạ Đen của chị Nguyễn Thị Thu Hà tại thôn Tường Thụy 2, xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Mặc dù có sự tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Hà Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là đã đẩy giá nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng cao. Cùng với đó, dịch bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi khiến không ít hộ dân chịu thiệt hại, gây tổn thất không nhỏ cho ngành chăn nuôi. Ngoài ra, một số hạn chế đã tồn tại trong ngành Nông nghiệp vẫn chưa được khắc phục như: Sản xuất còn manh mún, chậm áp dụng khoa học kỹ thuật; tăng trưởng nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào số lượng chất lượng chưa ổn định và bền vững; công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư chưa khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực.
Dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2021, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch là nhiệm vụ rất khó khăn. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Nam vẫn đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 2,4%. Các địa phương tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng cao, hướng đến sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn. Trong chăn nuôi, ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, cùng với đó là hướng dẫn các địa phương phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, công nghiệp tại các khu quy hoạch và trong nông hộ.
Mô hình nuôi bò thịt, bò sinh sản 3B của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quýnh, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục cho hiệu quả kinh tế cao
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam cho biết: Vụ mùa là một trong 2 vụ sản xuất chính, có vai trò quan trọng trong cấu thành tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm, Đặc biệt, tại thời điểm này, ngành yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc gieo cấy gần 30 nghìn ha lúa mùa trong khung thời vụ, đảm bảo trà mùa sớm đạt trên 58% diện tích làm cơ sở cho sản xuất vụ Đông sớm,...
Cùng với các giải pháp để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp Hà Nam đạt kế hoạch vào cuối năm, trong nhiều mũi nhọn đã được ngành nông nghiệp đã triển khai thì cũng cần sự nỗ lực của các địa phương trong việc duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn với tăng cường liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Tích cực khống chế các loại dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi và chủ động phòng tránh thiên tai. Tăng cường kiểm tra, quản lý giá cả và chất lượng các mặt hàng nông, thủy sản và vật tư nông nghiệp bán trên thị trường, phòng tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hà Nam